Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm số tiền hơn 256 tỷ đồng và 3.572m2 đất; đã kiến nghị thu hồi về ngân sách hơn 192 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 116 tập thể và 540 cá nhân, đã ban hành 5.776 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; chuyển cơ quan điều tra 33 vụ.
Trong năm, TP HCM đã tiếp nhận và xử lý hơn 46.100/46.948 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, đem lại quyền lợi cho công dân với số tiền hơn 13,5 tỷ đồng đồng và 6.449,7m2.
TP HCM đã tập trung cao độ, giải quyết trên 1.200 vụ việc khiếu nại, tố cáo, đặc biệt từng bước giải quyết 8 vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài mà Thanh tra Chính phủ đưa vào diện theo dõi chỉ đạo. Đến nay, đã cơ bản kết thúc được 3 vụ việc và dự kiến sẽ sớm kết thúc thêm 2 vụ việc trong quý I/2025.
Năm 2025, TP HCM sẽ bám sát định hướng thanh tra của Thanh tra Chính phủ, tập trung thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống lãng phí, nhất là việc quản lý, sử dụng nhà, đất là tài sản công trên địa bàn. Chủ động chỉ đạo thanh, kiểm tra ngay từ đầu công tác đấu thầu và việc tổ chức thực hiện các gói thầu đối với các công trình, dự án đầu tư công có tổng mức đầu tư lớn.
TP cũng tăng cường thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo phát sinh, hạn chế khiếu nại đông người, giải quyết dứt điểm các trường hợp khiếu nại, tố cáo kéo dài. Kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm các đơn thư phát sinh liên quan đến quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Tại Hội nghị, theo đại diện UBND TP HCM, việc sắp xếp tổ chức bộ máy sẽ tác động đến việc triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2025. Do đó, TP HCM kiến nghị Thanh tra Chính phủ có chỉ đạo chung theo hướng chưa tiến hành thanh tra các cơ quan mới được hình thành sau khi hợp nhất, sáp nhập. Sau khi hoàn thành chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, Chủ tịch UBND TP HCM sẽ điều chỉnh kế hoạch thanh tra cho phù hợp.
Đại diện UBND TP cũng cho biết, một nhiệm vụ quan trọng của TP HCM trong năm 2025 là “giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của TP”. Do đó, TP sẽ ban hành kế hoạch theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các kết luận thanh tra còn tồn đọng. TP cũng sẽ tổng rà soát các kết luận thanh tra từ năm 2008 đến nay để phân loại, phân nhóm, đề xuất giải pháp khắc phục và tiến độ hoàn thành từng nội dung cụ thể.
“Đây là trách nhiệm thực hiện của UBND TP HCM. Tuy nhiên, quá trình thực hiện sẽ có nhiều nội dung phức tạp hoặc vượt thẩm quyền. Vì vậy, UBND TP đề nghị Thanh tra Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn về cơ sở pháp lý, về phương pháp, cách thức thực hiện để đảm bảo thực hiện nghiêm kết luận thanh tra, đồng thời giúp tháo gỡ các tồn đọng, khơi thông nguồn lực và phòng, chống lãng phí một cách hiệu quả”, ông Hải kiến nghị.
Tại Hội nghị, đại diện UBND TP cũng đưa ra một số kiến nghị. Theo đó, trong giải quyết khiếu nại, quá trình tham mưu giải quyết khiếu nại lần 2 phát sinh khó khăn, vướng mắc là việc người khiếu nại không đồng ý Chánh Thanh tra TP chủ trì đối thoại mà yêu cầu Chủ tịch UBND TP HCM phải trực tiếp đối thoại.
Các trường hợp này không phải là vụ việc có tính chất phức tạp, cơ quan được giao xác minh đã xem xét có lý, có tình nhưng người khiếu nại yêu cầu Chủ tịch UBND TP chủ trì đối thoại. Trong khi đó, khối lượng công việc của Chủ tịch UBND TP HCM rất lớn, vì vậy, rất khó để chủ trì đối thoại đầy đủ, thực chất. Trước thực trạng trên, UBND TP HCM kiến nghị Thanh tra Chính phủ tháo gỡ.
Đại diện UBND TP cũng phân tích một số quy định về giải quyết tố cáo chưa rõ ràng, chặt chẽ dẫn đến quan điểm xử lý còn khác nhau. Trong đó, Luật Tố cáo không quy định về thời hiệu tố cáo nhằm bảo đảm quyền tố cáo của công dân và để có thể phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, tiêu cực. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều trường hợp tố cáo với vụ việc đã xảy ra cách đây hàng chục năm, gây nhiều khó khăn cho việc giải quyết. Do đó, UBND TP kiến nghị Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc nêu trên.