TP. Hồ Chí Minh: Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự

(PLVN) -8 tháng đầu năm, mặc dù tổng số việc và tiền phải thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đứng đầu trong cả nước, trong đó có nhiều vụ án lớn, phức tạp, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực mới có khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

Song với sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, người lao động, nhất là đội ngũ Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, 8 tháng đầu năm công tác THADS thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả nhất định. Trong 8 tháng (từ 01/10/2020 đến 31/5/2021), thành phố Hồ Chí Minh thi hành xong 28.851 việc (đạt tỷ lệ 54,66%) và gần 8.520 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 16,30%). Việc thực hiện các chỉ tiêu khác như “Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật”; chỉ tiêu về “Chú trọng việc xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật án dân sự có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành; đăng tải kịp thời, đầy đủ danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành theo quy định của pháp luật”; chỉ tiêu “Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án”, ... luôn được đảm bảo và thực hiện tốt.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Kết quả thi hành xong về việc và tiền của thành phố vẫn còn thấp so với kết quả chung của toàn quốc. Tổng số tiền giải quyết xong trong 08 tháng đầu năm chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Kết quả thi hành án nhìn chung đều giảm, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt rất thấp. Các việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng còn nhiều, tiến độ thi hành án nhìn chung còn chậm. Tình trạng đơn, thư khiếu nại, tố cáo phát sinh còn nhiều, gây nên dư luận về tiêu cực trong công tác thi hành án, nhất là trong hoạt động thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn, nghiệp vụ tuy có chuyển biến nhưng chưa đạt được yêu cầu, một số báo cáo chưa tuân thủ thời hạn quy định hoặc báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ, số liệu báo cáo chưa chính xác, thống nhất. Việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục trong giải quyết một số công việc cụ thể còn chưa nghiêm túc, triệt để, chưa kịp thời cho thấy ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của một số công chức chưa cao, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, 04 tháng cuối năm 2021, Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh xác định rõ công tác THADS trên địa bàn thành phố chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, toàn thể công chức, người lao động, nhất là Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục nhận thức sâu sắc hơn những khó khăn trong thời gian tới, nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, hạn chế của đơn vị mình, phân tích kỹ lưỡng các nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan dẫn đến kết quả thi hành án đạt thấp, có chiều hướng giảm và có biện pháp mạnh mẽ để khắc phục có hiệu quả, xử lý triệt để, quyết tâm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2021, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống THADS, trong đó lưu ý tập trung triển khai một số giải pháp, nhiệm vụ cụ thể như: Thủ trưởng các đơn vị, nhất là các Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Chi cục phải là tấm gương sáng, là trung tâm đoàn kết và là chỗ dựa về mọi mặt cho các Chấp hành viên, công chức tại đơn vị; Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; Phải sâu sát, toàn diện các mặt công tác của đơn vị, phân công, phân nhiệm rõ ràng, đúng người, đúng việc, đúng trọng tâm để kiểm soát tốt tình hình đơn vị; Chủ động đề ra các giải pháp cụ thể, quyết liệt, đồng bộ, phù hợp với tình hình của đơn vị để tạo sự đột phá trong công tác THADS, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó chủ động, kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên, Ban Chỉ đạo THADS địa phương để được hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, nhất là trong tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, trong giải quyết các vụ việc trọng điểm, án kinh tế, tham nhũng và hỗ trợ hoạt động cho các cơ quan THADS. Đồng thời tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi hành án: tăng cường xác minh điều kiện thi hành án, bảo đảm phân loại án chính xác, kịp thời; đẩy nhanh tiến độ tổ chức thi hành án tín dụng, ngân hàng, nhất là đối với các vụ việc có tài sản đảm bảo; tổ chức thi hành hiệu quả các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá nhằm nâng cao tỷ lệ thi hành án về việc, về tiền.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan cấp trên về thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, nhất là trong việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá; Thực hiện đăng tải thông tin về thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đầy đủ, kịp thời, đúng thời gian quy định; giám sát chặt chẽ hoạt động thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm. Thủ trưởng cơ quan THADS và Chấp hành viên phải tự kiểm tra, rà soát kỹ trình tự, thủ tục thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Kiên quyết phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự, đặc biệt trong việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.

Chủ động khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác THADS đã được chỉ ra trong các kết luận kiểm tra, kiểm sát, thanh tra; thực hiện tốt công tác kiểm tra, tự kiểm tra nhằm hạn chế những thiếu sót, vi phạm và phòng, ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động THADS.Tuyệt đối không để tái phạm các vi phạm, thiếu sót đã được chỉ ra, phát hiện và kiên quyết xử lý thật nghiêm các trường hợp tái phạm. Đặc biệt tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện đầy đủ các phần mềm trong thi hành án dân sự; thực hiện nghiêm chế độ sử dụng văn bản điện tử và chữ ký số theo yêu cầu của cấp trên…./.

Đọc thêm