TP Hồ Chí Minh: Nghĩa tình lan tỏa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TP Hồ Chí Minh, thành phố nghĩa tình, câu nói ấy dường như đã trở thành một “slogan” quen thuộc đối với người dân thành phố và cả nước. Tinh thần hào sảng, nghĩa tình, tử tế và văn minh ấy, theo dòng thời gian lại không bị mai một đi, mà dường như ngày càng được hun đúc cho trở nên tươi sáng hơn.
Hình thức “cơm treo” đang được tỏa lan tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV)
Hình thức “cơm treo” đang được tỏa lan tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: PV)

Những “hiệp sĩ” đường phố

Khi những cơn mưa đầu tiên của mùa hè trút xuống TP Hồ Chí Minh sau những ngày nắng nóng, một “vấn nạn” quen thuộc lại xuất hiện, đó là tình trạng ngập nước, gây khó khăn cho giao thông, đi lại của người dân. Và, như hàng năm, khi những con đường “thành sông”, cũng là lúc các chàng “hiệp sĩ” sửa xe miễn phí cho người dân lội nước xuất hiện tại nhiều tuyến đường thành phố.

Chiều ngày 2/6, tại tuyến đường Nguyễn Duy Trinh thuộc địa bàn TP Thủ Đức, sau cơn mưa lớn, con đường đã ngập nước trầm trọng. Đa số xe chạy qua tuyến đường này đều ngập nửa bánh, bị tắt máy, phải dắt bộ. Lúc này, anh Nguyễn Hoàng Quân, 35 tuổi cùng người em trai Nguyễn Minh Hải, 28 tuổi đã “sẵn sàng” bộ đồ nghề sửa xe, đứng ở bên lề một đoạn đường khô ráo. Hai anh em bắt đầu dùng dụng cụ để kiểm tra các xe bị tắt máy, vệ sinh bugi… Sau khi qua bàn tay chuyên nghiệp của hai anh thợ, đa phần các xe tắt máy đều đã nổ máy trở lại. Nhiều người hỏi giá sửa xe nhưng hai anh đều trả lời bằng một nụ cười: “miễn phí nha bà con”. Tiếng cảm ơn ríu rít, tiếng chào tạm biệt vang lên.

Gần 1 giờ đồng hồ sau, nước đã rút, hai anh lại thu dọn dụng cụ để trở về. Họ là chủ một tiệm sửa xe nhỏ ở cách đó hơn 2km, ngày mưa gió tranh thủ ra giúp người dân. Đây không phải là lần đầu hai anh em thực hiện hoạt động này. TP Hồ Chí Minh còn rất nhiều thanh niên như thế, hoặc là thợ sửa xe máy, hoặc là những người biết về máy móc, sẵn sàng túc trực ở những đoạn đường ngập nước sau các cơn mưa lớn để giúp đỡ người dân. Nhiều người gọi họ một cách thân thương là “hiệp sĩ cứu xe”. Có những “hiệp sĩ” nhà ở đoạn đường ngập nước thường xuyên, nên đặt hẳn bảng “sửa xe miễn phí” ngoài sân nhà để tiện bề hỗ trợ mọi người…

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh rộ lên mô hình thiện nguyện “cơm treo”. Mô hình “cơm treo” xuất phát từ quán ăn ở đường Nguyễn Ảnh Thủ, Bà Điểm, Hóc Môn. Anh Thành Công, chủ quán cơm bắt đầu triển khai mô hình này từ tháng 5 vừa qua, lấy cảm hứng từ một hình thức ở Ý đầu thế kỉ 20, là người đến quán ngoài mua cho mình còn trả tiền cà phê cho một người khó khăn xa lạ. Quán “cơm treo” cũng hình thức tương tự, nghĩa là người có lòng sẽ trả tiền cho phần cơm “treo”. Những phần “cơm treo” này được chủ quán đặt trong một thùng nhựa giữ nhiệt trước quán, kèm tấm bảng: "Cơm treo gửi tới cô chú khó khăn. Mở lên, nếu có cơm hãy lấy một phần", cùng với đó là một số thông tin về chương trình. Cả tháng qua, mô hình “cơm treo” lan tỏa trên mạng xã hội. Nhiều người dân khó khăn đến lấy “cơm treo”. Nhiều người có lòng đến trả tiền cho phần “cơm treo” của những người mình không biết tên, biết mặt. Những phần cơm ăm ắp, ngon miệng, được tặng từ người tử tế xa lạ khiến người nhận ấm lòng.

Sự lan tỏa của những điều đẹp đẽ

Thời gian qua, trước sức lan toả của hình thức “cơm treo”, nhiều tiệm cơm trên địa bàn thành phố cũng đã áp dụng hình thức này. Chị Nguyễn Thị Hằng, chủ tiệm cơm bình dân ở quận 8, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, ban đầu chị không rõ “cơm treo” là gì, nhưng một số bạn trẻ là khách quen của quán đến ăn xong, hỏi chị có làm “cơm treo” không, họ muốn ủng hộ. Từ đó, chị biết được hình thức thiện nguyện này và nếu những người khách muốn “treo cơm” chị đều nhận, sau đó trao lại khi người lao động nghèo trong khu vực đến nhận cơm.

Có lẽ khó kể hết những nghĩa cử hào sảng, nghĩa tình, tử tế ở TP Hồ Chí Minh. Từ ATM gạo, ATM oxy mùa dịch đến những bình trà đá, nước chanh phục vụ miễn phí người đi đường ngày nắng, từ những quán cơm 0 đồng, cửa hàng miễn phí...

Về nét đẹp này của người dân TP Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu văn hóa Lý Tùng Hiếu đã lý giải, từ thuở khai sinh, Bến Nghé và Sài Gòn đã là đô thị thủ công, cư dân tứ xứ tụ tập, trở nên thạo nghề buôn bán, thủ công nghiệp, dịch vụ. Từ tứ xứ đến nên suy nghĩ cũng phóng khoáng, trái tim rộng mở, tiếp nhận hết thảy mà không có tính phân biệt, kì thị lạ - quen. Đối với người xa xứ, người gặp nạn thì cư dân thành phố luôn có lòng nhân ái, bao dung, nghĩa hiệp. Và, như một cách phản ứng trước lối sống vô đạo đức của những kẻ lưu manh thành thị, người Bến Nghé - Sài Gòn cũng như cư dân Nam Bộ đều chuộng khí tiết, trọng danh tiết, trọng nghĩa khinh tài...

Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố văn minh, thành phố nghĩa tình, câu nói ấy dường như đã trở thành một “slogan” quen thuộc đối với người thành phố và người dân cả nước. Tinh thần hào sảng, nghĩa tình, tử tế và văn minh ấy, theo dòng thời gian lại không bị mai một đi, mà dường như ngày càng được hun đúc cho trở nên tươi sáng hơn, thành một truyền thống tốt đẹp, một thương hiệu gắn liền với thành phố. Đó là điều đáng tự hào của Thành phố mang tên Bác.

Đọc thêm