Nguy cơ tiềm ẩn
Gia đình anh Nguyễn Anh Dũng đến từ An Giang thuê một căn nhà trọ trong con hẻm đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP HCM. Gian trọ hơn 10m2 với một gác xép nhỏ là nơi sinh sống của 4 người, hai vợ chồng anh và hai con. Họ sinh hoạt, nấu nướng, ăn uống, để xe máy trong một không gian nhỏ hẹp.
Ban ngày, anh Dũng chạy xe ôm, vợ anh bán trái cây dạo. Hai đứa trẻ 10 tuổi và 9 tuổi đi học về tự nấu cho nhau ăn, có lần mải chơi, để quên nồi thức ăn trên bếp suýt cháy nhà. Căn nhà trọ xập xệ, bày biện nhiều đồ, trong một con hẻm rất chật hẹp và ngoằn ngoèo, chỉ đủ cho một xe máy chạy. Khi được đặt vấn đề về cháy nổ, vợ chồng anh Dũng nói “cũng có nghĩ tới”, tuy nhiên, vì nơi đây thuộc trung tâm, giá không cao, tiện mưu sinh nên anh chị vẫn đánh liều bỏ qua các nguyên tắc an toàn.
Chị Lâm Thị Xuân, 50 tuổi, quê ở Quảng Ngãi vào TP HCM làm nghề nhặt ve chai được gần 10 năm nay. Chồng mất, con gửi cho mẹ già chăm, hầu hết tiền làm ra chị gửi về để nuôi gia đình nên chị rất tằn tiện. Chị không thuê phòng trọ mà thuê một nơi gọi là “nhà cung cấp chỗ ngủ” trên địa bàn TP Thủ Đức. Nơi đó, các chị bán ve chai, hàng rong... tối về trải một tấm nệm nhỏ, nằm san sát cạnh nhau trong căn phòng chật hẹp, ngả lưng qua đêm rồi sáng lại tất bật đi kiếm tiền.
Đó là hai mảng nhỏ trong bức tranh muôn màu sắc về tình hình nhà trọ cho người thu nhập thấp tại TP HCM. Những năm gần đây, đời sống người dân được nâng cao, nhiều dịch vụ lưu trú kiểu nhà trọ mới ra đời, nâng cao chất lượng, cũng chú trọng nhiều hơn đến công tác an toàn cháy nổ, thoát hiểm… Tuy nhiên, loại hình nhà trọ này chủ yếu đáp ứng nhu cầu của sinh viên có điều kiện, người có thu nhập tầm trung trở lên.
Còn người lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn thì vẫn chen chúc trong những dãy nhà trọ xập xệ, xuống cấp, thiếu an toàn… Không ít khu nhà trọ được làm từ những mảnh tôn, ván ghép, dễ sập đổ và bắt lửa. Một số dãy nhà trọ hành lang rất chật hẹp, người ở trọ còn tận dụng để để đồ, phơi quần áo, để xe máy… Nên khi có sự cố xảy ra, việc thoát hiểm là rất khó khăn.
Cạnh đó, hình thức “hộp ở” hay “thuê chỗ ngủ” vẫn còn khá phổ biến ở các khu vực nhiều người nghèo nhập cư. Với hình thức này, người lao động nghèo thuê một chỗ ngủ trong những phòng ở nhỏ hẹp, nhà vệ sinh chung, trong các khu hẻm nhỏ, hầu như không có tiện nghi cũng không màng đến các vấn đề về an toàn. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM về tình hình nhà trọ trên địa bàn vào tháng 11/2021, qua kiểm tra đã phát hiện trên địa bàn thành phố hiện có 67 công trình, với tổng số 2.165 chỗ ngủ cho thuê như trên.
Cần nâng cao ý thức an toàn cháy nổ
Có thể nói, với loại hình nhà trọ cho người thu nhập thấp, đa phần người đi thuê chỉ quan tâm đến vị trí, giá cả, phần còn lại về an toàn, thoát hiểm hầu như không được ưu tiên hàng đầu trong chọn lựa. Cạnh đó, người thuê cũng ít khi có ý thức về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), rất lơ là, bất cẩn trong sinh hoạt hằng ngày như sạc pin điện thoại, xe đạp điện xuyên đêm, để vật dụng, xe cộ chắn hết lối đi, lối thoát hiểm…
Các chủ nhà trọ cũng không mấy khi nhắc nhở, bố trí thoát hiểm an toàn cho người đến trọ, lơ là trang thiết bị phòng cháy. Chính từ sự chủ quan này, nhiều vụ cháy các phòng trọ đã xảy ra, gây nhiều tổn thất về người, về của.
Thời gian qua, mạng xã hội chia sẻ đoạn clip hướng dẫn an toàn cháy nổ, thoát hiểm trong buổi diễn tập PCCC một khu chung cư với cách truyền đạt rất hài hước, dễ hiểu, dễ nhớ. Thiết nghĩ, ngoài các khu chung cư, toà nhà cao tầng, thì các khu trọ công nhân, dãy nhà trọ của người nghèo cũng rất cần được tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kĩ năng về an toàn, thoát hiểm.
Mới đây, Công an TP HCM cũng đã đưa ra công văn khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC đối với loại hình chung cư mini, nhà trọ, phòng trọ. Trong đó, đối với chủ nhà trọ cần thực hiện nghiêm các quy định về PCCC khi xây dựng và kinh doanh; Định kỳ kiểm tra các phương tiện PCCC; Bảo đảm an toàn hệ thống điện; Tổ chức tập huấn kỹ năng, diễn tập PCCC cho chính mình và người thuê; Bảo đảm lối thoát hiểm an toàn và phương tiện liên lạc khẩn cấp cho người dân...
Về phần người thuê trọ, cơ quan công an TP HCM khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra thiết bị, đường dây điện, quản lý quá trình sử dụng điện sinh hoạt, sạc điện… an toàn; không đốt nhang, nến cúng khi ra khỏi nhà; cẩn thận trong nấu nướng; tìm hiểu kiến thức PCCC; quan tâm bố trí lối thoát hiểm cho gia đình; phản ảnh những hành vi thiếu an toàn cháy nổ đến chủ nhà, ban quản lý hoặc cơ quan chức năng…
Tháng 9/2023, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (PC07) đưa ra thống kê sơ bộ trên địa bàn TP HCM có 42.256 cơ sở là cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Trong số này, 4.490 cơ sở do cơ quan Công an quản lý, trong đó có 103 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Trong kế hoạch sắp tới, TP HCM sẽ tăng cường công tác kiểm tra về tình hình nhà trọ trên địa bàn các quận, huyện, đồng thời có những chính sách nhằm hỗ trợ người lao động nghèo có được chỗ ở chất lượng, an toàn hơn.