Theo Sở Y tế TP HCM, để phù hợp với thực tế hàng ngày có hàng nghìn ca nhiễm Covid-19 mới được phát hiện, TP HCM đã chuyển từ chiến lược truy tìm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để F1... sang phân loại F0 và F1 để có phương án cách ly hợp lý. Với các F0 diễn tiến bệnh, TP đưa vào các cơ sở y tế theo mô hình 5 tầng điều trị, thay cho mô hình 3 tầng như trước đây.
Để tăng cường năng lực tiếp nhận thông tin và kịp thời điều chuyển bệnh nhân giữa các tầng điều trị, Sở GTVT TP HCM phối hợp với Sở Y tế chuyển đổi 200 xe taxi thành 200 xe vận chuyển cấp cứu lưu động, với nhân viên y tế và thiết bị cấp cứu trên xe, trực 24/24 giờ.
Cùng với đó, TP HCM triển khai về mô hình điều trị riêng, theo đó phân loại bệnh nhân Covid-19 theo từng cấp độ bệnh đã bóc tách được người bệnh nhẹ với người bệnh nặng, từ đó áp dụng các phác đồ điều trị khác nhau phù hợp với từng tầng điều trị. Ngoài ra, TP HCM cũng triển khai kế hoạch cách ly F1 tại nhà hoặc nơi cư trú để dồn nhân lực, vật lực chăm sóc F0. Chính sách này nhận được sự đồng thuận của người dân.
Hiện nay, số ca F0 ở TP HCM đang trên đà giảm dần nhưng vẫn ở mức gần 4.000 ca mỗi ngày, các chuyên gia lo ngại nếu không tiêm vaccine kịp thời, số mắc có thể tăng cao khi gỡ giãn cách.
Bác sĩ Phan Hữu Phước, Khoa Y, Đại học Quốc gia, TP HCM cho biết, nếu số ca nhiễm tăng cao thì số ca nặng và tử vong sẽ tăng đồng bộ. Do đó, vaccine cực nhanh, khẩn cấp ngay lúc này còn có thể cứu được và dự kiến dịch ở TP HCM sẽ kéo dài nếu không tiêm vaccine sớm.
Cùng quan điểm, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ cho biết, số ca mắc tại TP HCM đang đi ngang, có khả năng sẽ đi xuống nếu giãn cách và tiêm vaccine tốt. “Nếu không chích vaccine, nguy cơ phải tiếp tục giãn cách kéo dài vì số F0 dễ tăng cao trở lại nếu kết thúc giãn cách”, bác sĩ Khanh nói.
Tuy nhiên, trong trường hợp cần giãn cách ngắn ngày để chặn đà tăng lây nhiễm trong cộng đồng, nhằm hạn chế số ca tử vong, cần kết hợp tăng tốc truy ca nhiễm trong cộng đồng để giảm hệ số lây nhiễm, giảm mật độ ca nhiễm. Do đó, sau khi gỡ giãn cách, dịch cũng dễ tái bùng phát.
TP HCM đang đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19 cho người dân. Để đảm bảo độ phủ vaccine cho hơn 7 triệu dân thành phố từ 18 tuổi trở lên, UBND TP HCM đã có văn bản gửi Bộ Y tế xin cấp 5,5 triệu liều vaccine trong tháng 8. Tính từ ngày 8/3 đến 12h ngày 9/8, thành phố được phân bổ gần 4,2 triệu liều vaccine, dự kiến ngày 12/8 sẽ tiêm hết vaccine.
Ngày 11/8, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường ký văn bản gửi UBND TP HCM về việc sử dụng vaccine COVID-19 Vero Cell Inactivated (Sinopharm). Theo đó, vaccine Sinopharm do Viện Sản phẩm sinh học Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất. Vaccine này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt nằm trong danh sách vaccine sử dụng khẩn cấp để phòng, chống dịch COVID-19. Sinopharm cũng được nhiều nước trên thế giới đưa vào sử dụng trong tiêm chủng.
Bộ Y tế nói rõ các lô vaccine này đã được Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế kiểm định chất lượng và cấp các Giấy chứng nhận xuất xưởng vaccine, sinh phẩm y tế ngày 4/8. Do đó, các lô vaccine nhập khẩu này đủ điều kiện để đưa ra sử dụng.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), TP HCM đã triển khai tiêm 19.000 liều vaccine Vero Cell. Số vaccine này được tiêm cho 3 nhóm người gồm: Công dân nước CHND Trung Hoa làm việc tại Việt Nam; người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc, kinh doanh tại nước CHND Trung Hoa; người dân có nhu cầu sử dụng vaccine này, đặc biệt ở các địa phương sát biên giới với nước CHND Trung Hoa.
Cùng ngày, TP HCM phản hồi Bộ Y tế về việc mua 5 triệu liều vaccine Moderna. Cụ thể, UBND TP HCM đề nghị Bộ Y tế có chủ trương chính thức cho phép Tập đoàn VinaCapital thực hiện hợp tác công - tư, tổ chức thu phí tiêm vaccine theo cơ chế “mua 5 liều vaccine sẽ tặng xã hội một liều”.
Hiện tại, Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về thực hiện tổ chức tiêm cho các trường hợp có nhu cầu và tự chi trả phí tiêm chủng. UBND TP HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định cụ thể giá dịch vụ tiêm chủng. Bộ có thể tổng hợp nhu cầu vaccine Moderna của các địa phương khác nhằm tăng cường số lượng đặt hàng vaccine gồm 5 triệu liều chính và 10 triệu liều tăng cường để thúc đẩy giao hàng sớm, có thể giảm giá mua…