TP Hồ Chí Minh: Tìm mọi biện pháp ngăn chặn Omicron lan ra cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Biến chủng Omicron xuất hiện ở TP HCM như tình huống là tất yếu, được dự liệu trước, không bất ngờ hay hoảng hốt.
TPHCM đang triển khai các giải pháp ngăn chặn biến chủng Omicron.
TPHCM đang triển khai các giải pháp ngăn chặn biến chủng Omicron.

Đây là nhấn mạnh của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM). “Vấn đề của chúng ta là ngăn chặn sự lây nhiễm này càng chậm càng tốt, tranh thủ thời gian để tiêm chủng, bảo vệ người nguy cơ cao và vaccine kịp thời gian phát huy hiệu quả”, bác sĩ Khanh nhận định.

“TP HCM trải qua đợt dịch lớn với biến chủng Delta nên vốn có kinh nghiệm trong ứng phó, kết hợp tỷ lệ chủng ngừa cao, do đó, tôi cho rằng sự xuất hiện của ca nhiễm biến chủng Omicron không thay đổi diễn biến dịch ở thành phố, có thể khiến số ca mắc tăng nhưng không quá tải hệ thống điều trị”, ông nói thêm.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, điểm nổi bật của biến chủng mới là tốc độ lây nhiễm cao gây quá tải số lượng ca bệnh. So với biến thể Delta, biến thể Omicron tự nhân bản nhanh hơn 70 lần trong đường hô hấp, dẫn đến khả năng dễ lây lan thông qua tiếp xúc giữa người với người nhanh theo cấp số nhân.

Trước sự lây lan được cho là siêu tốc của biến chủng Omicron, PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TP HCM cho rằng, công tác truy vết của thành phố hiện nay chỉ hợp lý trong giai đoạn số ca mắc biến chủng Omicron còn thấp. “TP HCM đang chấp nhận ‘sống chung với lũ’, mở cửa kinh tế, mở chuyến bay thương mại, du lịch. Vì thế, số ca Omicron mắc ít thì cố gắng truy vết, nhưng chỉ sợ tới một thời điểm nào đó sẽ không làm nổi. Nếu số lượng mắc biến chủng Omicron tăng cao thì không nên đưa người nhiễm biến chủng Omicron vào khu cách ly nữa mà nên để họ tự cách ly tại nhà, theo dõi sát sao, tránh làm hệ thống y tế quá tải, lo lắng cho bệnh nhân”, PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc nói thêm.

Đồng quan điểm, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y dược TP HCM nêu rõ: “Khả năng lây lan của biến chủng mới này rất cao. Đơn cử như trường hợp nhóm 6 người trong chuỗi liên quan đến 3 ca mắc Omicron mới phát hiện, chỉ đi ăn tối đã có 3 người mắc Omicron, mặc dù những người này đã tiêm chủng đầy đủ. Vì thế, trong giai đoạn này, chúng ta có khả năng truy vết trọng điểm thì nên làm, nhưng đến giai đoạn nếu số ca tăng không kiểm soát được thì cần xem xét lại để tránh lãng phí nguồn nhân lực”.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng đưa 2 kịch bản chính có thể xảy ra khi Omicron xuất hiện tại cộng đồng. Theo đó, kịch bản đầu tiên là chính quyền và ngành y tế truy vết tất cả người tiếp xúc gần ca nhiễm. Nếu truy vết thành công, thành phố sẽ không còn ca nhiễm Omicron cộng đồng. Tuy nhiên, PGS Dũng cho rằng khả năng này không cao.

Với những người bị bệnh, trong vòng 1-2 ngày trước khi phát hiện dương tính, khả năng cao là họ đã lây nhiễm cho những người tiếp xúc gần khác. Điều này khiến việc truy vết toàn bộ rất khó khăn. Do đó, chuyên gia Đại học Y Dược TP HCM dự đoán kịch bản thứ 2 xảy ra là sự gia tăng nhanh ca nhiễm Omicron trong cộng đồng. Bởi cứ sau khoảng 10 ngày, một bệnh nhân nhiễm Omicron có thể lây cho từ 10 đến 100 người khác. “Như vậy, số ca mắc ở thành phố có thể tăng cao hơn. Theo kinh nghiệm quốc tế, số ca nhiễm có thể gia tăng gấp 10 lần so với hiện nay. Tuy nhiên, điều lưu ý là số ca tử vong có thể không tăng nhiều, bởi TP HCM có tỷ lệ chủng ngừa cao và chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ đã thực hiện tốt”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng nói.

Các chuyên gia cũng bày tỏ quan ngại nếu số ca mắc COVID-19 tăng nhanh cùng một lúc, khả năng dẫn đến tỷ lệ tử vong cũng tăng theo, trường hợp xấu nhất là lịch sử đợt dịch lần thứ 4 tại TP HCM sẽ lặp lại.

PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc nói thêm: “Nếu người dân lơ là, chủ quan phòng chống dịch thì khả năng Tết Nguyên đán sẽ tăng số ca mắc COVID-19. Nguyên tắc của bệnh này là sẽ có 20% ca mắc bị nặng và nhập viện thì trong đó chiếm khoảng 1-2% tử vong, đó là quy luật của Covid-19. Bây giờ chúng ta đã chích ngừa vaccine COVID-19 thì có khả năng chuyển nặng bớt đi. Nhưng không thể nào 0%, chính vì vậy số bệnh nhân càng đông thì nhập viện càng nhiều”.

Đối với biến chủng Omicron lần này, TP HCM đã chuẩn bị kế hoạch và xây dựng thế trận kiểm soát biến chủng mới. Khác với cảnh phong tỏa và thần tốc truy vết và xét nghiệm diện rộng để tách F0 như trước, với biến chủng mới, các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân ở khu vực F0 sinh sống vẫn diễn ra như thường nhật.

PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc nhận định, để phòng, chống biến thể Omicron lây lan ra cộng đồng, ngành Y tế cần sẵn sàng tâm thế sau Tết Nguyên đán số ca mắc Covid-19 tăng. Vì vậy, việc triển khai bán thuốc điều trị COVID-19 tại các nhà thuốc hoặc Trạm Y tế dưới sự quản lý của Nhà nước cần nhanh chóng triển khai.

Bên cạnh đó, thay vì ưu tiên thuốc cho những người lớn tuổi, có bệnh nền và có triệu chứng được uống, thì nên cho cả những bệnh nhân không có triệu chứng được sử dụng mục tiêu giảm tải lượng virus trong cơ thể, giảm tỷ lệ lây nhiễm cho người khác. Mỗi một phường, xã nên có một trạm cung cấp oxy để người dân cần là có, tránh đến bệnh viện đông cùng lúc gây quá tải, điều này ở Nhật Bản làm rất tốt, tỷ lệ chuyển nặng và tử vong thấp…

Đọc thêm