Chiêu trò “móc túi” bệnh nhân
Cách đây 2 tháng, chị Nguyễn Thị Vân An, ngụ phường 7, quận 10, TP HCM đến Bệnh viện Da liễu TP HCM ở đường Nguyễn Thông để khám và điều trị dị ứng da. Khi đang chờ người nhà gửi xe gần bệnh viện, có một người phụ nữ trẻ khá xinh đẹp đến làm quen với chị Vân An và nói triệu chứng của chị khá nặng, nếu điều trị không tốt sẽ để lại sẹo trên da, gây xấu cả đời.
Người phụ nữ này cho biết mình cũng từng bị tương tự, vào Bệnh viện Da liễu chữa không khỏi vì bác sĩ “khám sơ sài”, nhưng đến một phòng khám chuyên khoa da liễu gần đó khám, chữa thì khỏi hẳn. Người phụ nữ này còn “tiết lộ”, phòng khám bên ngoài đầu tư máy móc tốt hơn bệnh viện, do chính bác sĩ có chuyên môn cao của bệnh viện mở, vào là khám ngay, không phải chờ đợi như trong bệnh viện.
Thấy hợp lý, chị Vân An không vào bệnh viện nữa mà theo người phụ nữ này đến một phòng khám da liễu tư nhân cách Bệnh viện Da liễu hơn cây số. Tại đây, chị được chẩn trị là viêm da dị ứng nặng, có nguy cơ tổn thương da, cần uống các loại thuốc đặc trị và điều trị bằng lazer. Vì chi phí điều trị lazer cao nên chị Vân An yêu cầu lấy thuốc về khám và suy nghĩ tiếp. Số tiền khám và lấy các loại thuốc của chị Vân An là hơn 2 triệu đồng. Chị về sử dụng thuốc thì chứng dị ứng da không suy giảm, lại còn bị nhân viên phòng khám liên tục gọi hối thúc đến điều trị. Sau đó, chị Vân An quay lại Bệnh viện Da liễu khám và điều trị, chi phí chỉ hơn 500 ngàn đồng và nhanh chóng hết dị ứng.
Trường hợp của anh Nguyễn H. T., ngụ Đồng Nai còn đáng nói hơn. Anh chỉ bị tiểu buốt, nhưng sau khi đến khám tại một phòng khám đa khoa trên đường Đinh Tiên Hoàng, anh bị chẩn đoán là... cần cắt bao quy đầu. Do bị hù dọa làm sợ hãi, đồng thời dưới sự trấn áp của các nhân viện bệnh viện, anh T. đã đồng ý làm phẫu thuật với chi phí hơn 10 triệu đồng nhưng sau khi trở về, chứng tiểu buốt của anh vẫn không khỏi.
Đây chỉ là vài trong số nhiều nạn nhân đã bị lừa, bị ép buộc, moi tiền bởi các phòng khám tư nhân làm ăn chụp giật trên địa bàn TP HCM thời gian qua. Nhiều trường hợp, bệnh nhân đi khám bệnh nhẹ nhưng “ra” bệnh nặng, phải trả số tiền lớn, hậu quả “tiền mất, tật mang”, thậm chí phải đi cấp cứu điều trị biến chứng.
Mạnh tay với các phòng khám lừa đảo
Nhiều bệnh nhân đã lên tiếng về tình trạng bị một số phòng khám tư nhân trên địa bàn TP HCM lừa đảo, moi tiền. Có phòng khám dùng chiêu trò cho “cò mồi” đứng trước cổng các bệnh viện để dụ dỗ, thuyết phục bệnh nhân thay vì vào bệnh viện nên “rẽ” sang phòng khám, như trường hợp chị Vân An nói trên. Một số “cò mồi” là chủ quán nước trước cổng bệnh viện, còn “lừa” bệnh nhân đến “cơ sở 2 của bệnh viện” để khỏi phải chờ bốc số.
Một số phòng khám khác bỏ nhiều tiền quảng cáo trên mạng, thuê người nổi tiếng giới thiệu. Có phòng khám còn mạo danh “khoa chuyên môn” các bệnh viện nổi tiếng, chạy quảng cáo tràn lan trên mạng hoặc lập ra các Fanpage “giả danh” bác sĩ tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Từ Dũ, Chợ Rẫy, Đại học Y dược... để tư vấn cho bệnh nhân nhằm lôi kéo bệnh nhân đến phòng khám.
Sau khi “lừa” được bệnh nhân đến khám, các phòng khám này thường có chiêu bài hù dọa về bệnh trạng khiến bệnh nhân sợ, gây áp lực tâm lý, thúc ép khiến bệnh nhân phải đồng ý sử dụng dịch vụ. Thậm chí có trường hợp báo chi phí thấp, sau đó kết thúc điều trị vẽ ra nhiều chi phí cao ngất, bệnh nhân không đủ tiền trả thì giữ giấy tờ, bắt người nhà đến chuộc...
Sau phản ánh của bệnh nhân, nhiều phòng khám đã bị kiểm tra, xử lý. Có thể kể đến những cái tên “quen thuộc” bị xử phạt nhiều lần như Phòng khám Đa khoa T. B. D ở quận 1., phòng khám Đa khoa K.T. ở quận 10, Phòng khám H.C. ở quận 5...
Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt, hầu hết các phòng khám này vẫn “ngựa quen đường cũ” hoặc “bẫy” bệnh nhân một cách kín đáo hơn. Mới đây, Sở Y tế TP HCM đã công bố đường dây nóng 0989.401.155 tiếp nhận phản ánh riêng về nạn phòng khám lừa đảo “vẽ” bệnh, moi tiền bệnh nhân. Thời gian tới Sở Y tế sẽ liên tục tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất, với các đơn vị vi phạm sẽ xử phạt với mức cao nhất. Cùng với đó là một loạt biện pháp “mạnh tay” nhằm trị dứt điểm sự lộng hành của các phòng khám lừa đảo khám bệnh.
Trả lời báo chí, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP HCM cũng cho biết, ngành Y tế đang kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh. Đồng thời, cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám chữa bệnh.