Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua địa bàn TP Huế dài 112,5km với điều kiện địa hình tuyến đường sắt đi qua khá phức tạp. Có nhiều đoạn đi qua khu vực đông dân cư với số điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ dày đặc; nhiều đoạn qua khu vực bán sơn địa với nhiều đường cong bán kính nhỏ, trái chiều.
Theo thống kê của Ban ATGT TP Huế, hiện trên tuyến đường sắt đi qua TP Huế có 66 đường ngang (trong đó đường ngang có người gác 29, cảnh báo tự động có cần chắn tự động 33, biển báo 4) và 87 lối đi tự mở có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt rất cao.
Việc những lối đi tự mở, lối đi cắt ngang đường sắt tồn tại luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người dân. Như tại dọc tuyến đường Lê Duẩn song song với đường sắt, để thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán, một số người dân đã mở lối đi cắt ngang đường sắt để đi vào nhà và ngược lại. Hay tại TX Hương Thủy, TX Hương Trà, huyện Phú Lộc còn tồn tại một số lối tự mở ngang đường sắt vừa hẹp, nhỏ, khuất tầm nhìn hướng tàu chạy, trở thành “điểm đen” giao thông.
Mới đây, một vụ tai nạn xảy ra giữa tàu SE1 chạy hướng Hà Nội - TP HCM khi đến Km698+050 tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn TX Hương Thủy đã va chạm với xe máy do người đàn ông SN 1991 điều khiển, khiến người đi xe máy tử vong tại chỗ. Địa điểm xảy ra tai nạn được xác định là đường ngang dân sinh tự mở.
![]() |
Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, thời gian qua, địa phương rất tích cực phối hợp ngành đường sắt đóng, xóa nhiều lối đi tự mở băng qua đường sắt. Đây là những “điểm đen” vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt qua địa bàn huyện. Chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng, ngành liên quan xóa các lối đi tự mở còn lại trong năm 2025.
Với mục tiêu thu hẹp, giảm, tiến tới xóa bỏ tất cả các lối đi tự mở và các vị trí nguy hiểm, đe dọa với ATGT đường sắt trên địa bàn, thời gian qua, Ban ATGT TP Huế và các đơn vị, ban, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng. Kết quả, từ tháng 6/2021 - 31/6/2024, các địa phương trên toàn TP Huế đã đóng được 33/87 lối đi tự mở.
![]() |
Mới đây, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vào ngày 24/2/2025, UBND TP Huế cũng đã kiến nghị cơ quan thẩm quyền khẩn trương thực hiện đầu tư xây dựng các hầm chui, đường ngang để phát huy hiệu quả các đường gom do địa phương xây dựng, nhằm xóa bỏ hoàn toàn các lối đi tự mở trên hệ thống đường sắt quốc gia.
Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, về phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt tại địa phương, theo quy hoạch đã được phê duyệt, sẽ nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt hiện có thuận tiện cho việc vận chuyển hành khách và hàng hóa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đồng thời, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao và tuyến nhánh kết nối Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô phù hợp lộ trình quy hoạch mạng lưới đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt.
Bên cạnh đó, sẽ phát triển đường sắt tốc độ cao qua Huế, hình thành mô hình ga đường sắt và TOD (là mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng - đường sắt đô thị) theo các khu vực ga tại Phú Mỹ và Chân Mây. Trong quy hoạch của TP Huế cũng đã đưa vào các quy hoạch kết nối đường sắt với các trung tâm du lịch, đường sắt đô thị kết nối với cảng nước sâu Chân Mây.