TP Thủ Đức đẩy mạnh phòng ngừa tội phạm cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ chăm lo an sinh xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (UBMTTQVN) của 34 phường trên địa bàn TP Thủ Đức (TP HCM) còn thường xuyên tiến hành công tác truyên truyền pháp luật. Mang kiến thức phòng chống các loại tội phạm đến tận nơi ở của người dân.
TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phòng ngừa tội phạm cuối năm
TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh phòng ngừa tội phạm cuối năm

Tối 7/12, người dân, đặc biệt là người lao động tạm trú tại khu phố 10, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức được tham dự chương trình tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn phòng chống tội phạm dịp cuối năm. Chương trình do UBMTTQVN phường Thạnh Mỹ Lợi, phối hợp với chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức tổ chức vào tối 7/12.

Tại chương trình, đại diện đơn vị chức năng chú trọng phân tích những thói quen sinh hoạt trong sinh hoạt của người dân vô tình tạo cơ hội cho đối tượng trộm cắp, như: dựng xe máy bên ngoài phòng trọ không khóa, không người trông coi; lúc ngủ quên đóng cửa sổ dẫn đến mất điện thoại di động, máy tính xách tay… Qua đó, lưu ý cư dân đề phòng kẻ gian từ bên ngoài vào gây án. Khi phát hiện người lạ có biểu hiện nghi vấn, cần chủ động thông báo cho chủ nhà và hàng xóm cùng giám sát qua camera hoặc trực tiếp.

Bà Nguyễn Thị Hà - Chủ tịch UBMTTQVN phường Thạnh Mỹ Lợi, cho biết: “Tăng cường công tác Dân vận không gì khác hơn là trực tiếp đến với người dân, để “nghe dân nói, nói dân nghe”. Chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp rất giá trị từ nhân dân. Đồng thời, cũng tranh thủ chuyển tải đến bà con những thông tin liên quan, góp phần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật”.

TP Thủ Đức đẩy mạnh phòng ngừa tội phạm cuối năm  ảnh 1

Cán bộ đến tận nhà trọ tuyên truyền pháp luật.

Bà Hà Thị Hồng Tiên, chủ dãy phòng trọ tại địa chỉ 1150/39/16, khu phố 10, phường Thạnh Mỹ Lợi chia sẻ: “Hàng năm, chính quyền địa phương và các đoàn thể luôn quan tâm, đến tận nơi phổ biến cho nhân dân về kiến thức phòng chống các loại tội phạm. Nhờ vậy, những khu nhà trọ có từ hàng chục năm nay đều đảm bảo tốt công tác phòng ngừa, không để xảy ra thiệt hại về tài sản”.

Từ miền Tây lên TP Hồ Chí Minh mưu sinh 18 năm, chị Đỗ Thị Luyến tâm sự: “Chúng tôi được phổ biến nâng cao tinh thần cảnh giác, cách nhận biết phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, được cán bộ ban ngành, đoàn thể hướng dẫn cặn kẽ các biện pháp tự bảo vệ tài sản, nên rất yên tâm và biết ơn chính quyền địa phương”.

Chương trình càng trở nên sinh động nhờ các ban ngành lồng ghép nội dung tuyên truyền kiến thức phòng chống HIV/AIDS, hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS; Kết hợp phổ biến chuyên đề phòng ngừa tệ nạn mại dâm và tác hại của ma túy.

Vừa được tận mắt xem các loại thuốc lá điện tử ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau, chị Lâm Thị Sơn Mai, 36 tuổi chia sẻ: “Đúng là “tai nghe không bằng mắt thấy”, tôi từng nghe nói nhiều đến tác hại của thuốc lá điện tử nhưng hôm nay được cầm tận tay. Điều này giúp tôi nhận biết được và giáo dục con em không tàng trữ, không sử dụng ma túy và thuốc lá điện tử ”.

Tại phường Long Thạnh Mỹ, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch UBMTTQVN phường này cũng vừa tham gia tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông dịp cuối năm cho hơn 400 người dân. Phường còn có sáng kiến khi thực hiện đố vui trực tuyến trên màn hình Led, về xử lý linh hoạt các tình huống giao thông bất ngờ trên đường.

Càng gần đến Tết, nhiều người hay có tâm lý vội vàng để giải quyết công việc mỗi khi ra đường, vô tình dẫn đến nguy cơ mất an toàn giao thông, dễ xảy ra tai nạn. Chúng tôi tập trung chiếu hàng loạt hình ảnh về các vụ tai nạn giao thông, giải thích nguyên nhân và đưa ra lời khuyên hữu ích để tham gia giao thông an toàn, đón một cái Tết trọn vẹn niềm vui”, bà Tuyết Nhung nói.

Trong khi đó, ở phường Long Trường, TP Thủ Đức, hơn 300 người từ 60 tuổi trở lên đã được nghe phổ biến kiến thức phòng chống tội phạm lừa đảo lợi dụng công nghệ cao. Bà Mai Thị Nhung- Chủ tịch UBMTTQVN phường này cho hay: “Thời gian gần đây, kẻ xấu trên không gian mạng có khuynh hướng nhắm đến người cao tuổi, chưa am hiểu nhiều về công nghệ thông tin. Cho nên chúng tôi tăng cường các hoạt động phòng ngừa, trang bị kỹ năng cần thiết để giúp người dân ứng phó, tránh rơi vào bẫy lừa đảo”.

Đúc kết những mô hình sáng tạo trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP Thủ Đức nhận xét: “Với phương “châm phòng hơn chống”, chúng tôi đầu tư nhiều cho công tác phòng ngừa. Từ đó giúp nhân dân tránh được những rủi ro, sơ suất có thể gây thiệt hại tài sản, tính mạng. Điều đáng mừng là từ chủ nhà trọ đến người tạm trú, đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn an ninh trật tự, nên luôn ủng hộ và tham gia nhiệt tình”.

Cũng theo ông Phương, không chỉ chăm lo an sinh xã hội, UBMTTQVN của 34 phường còn thường xuyên tiến hành công tác truyên truyền pháp luật. Mang kiến thức phòng chống các loại tội phạm đến tận nơi ở của người dân. Ở chiều ngược lại, người dân cũng cảm nhận được sự quan tâm đặc biệt mà chính quyền địa phương dành cho mình. “Họ càng thêm yên tâm, tin tưởng, tiếp tục gắn bó và xem thành phố như là quê hương thứ hai của mình”, ông Phương nhấn mạnh thêm.

Đọc thêm