TP Vĩnh Yên thực hiện tốt cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc sẽ tập trung kiểm tra các nhóm hàng, mặt hàng thiết yếu cần tập trung bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát trong dịp Tết.
Tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Tuyên truyền, vận động người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã triển khai kế hoạch “Bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên”.

Theo đó, kế hoạch nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Qua đó kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thành phố sẽ tập trung kiểm tra các nhóm hàng, mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thịt gia súc (đặc biệt là thịt lợn), gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm,..; thực phẩm công nghệ: Dầu ăn, các loại gia vị; Rau củ quả tươi, đường, sữa (sữa nước, sữa bột,...).

Các mặt hàng có tính nhạy cảm về cung cầu, giá cả và có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ như trong dịp Tết Nguyên đán: Mứt Tết, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát,… Các loại hàng hóa phục nhu cầu sinh hoạt hàng ngày: Đồ điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng,...

Thành phố Vĩnh Yên thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Thành phố Vĩnh Yên thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch Bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thành phố chủ động, tích cực phối hợp với các Sở, Ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn.

Nắm bắt kịp thời thông tin cung cầu của thị trường, dự báo tình hình thị trường, giá cả nông sản, hàng hóa hàng tháng hoặc theo mùa vụ trên các phương tiện thông tin giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh có phương án điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các doanh nghiệp căn cứ theo nhu cầu của thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể, chi tiết để chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các quy định của pháp luật về giá, phí, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Đồng thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá lên cao, gây bất ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu; xử lý các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường và tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng.

Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh; tích cực khai thác, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống tại địa phương.

Tăng cường liên kết vùng giữa các huyện trong hoạt động kết nối cung - cầu, hợp tác thương mại vùng miền nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và tạo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ cho thị trường Tết.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với ổn định thị trường để đẩy mạnh công tác đưa hàng Việt có mặt tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, khu Công nghiệp,… giúp người tiêu dùng tiếp cận, mua sắm trong các dịp Lễ, Tết.