“Bác sĩ tốt lắm, mỗi tội… chưa có giấy phép”
Tại khu “phố thẩm mỹ” Apgujeong nằm trong “khu nhà giàu” Gangnam (Seoul, Hàn Quốc), có khoảng hơn 200 cơ sở thẩm mỹ xếp san sát nhau, với đủ mọi loại quảng cáo lung linh, hứa hẹn “biến vịt thành thiên nga”.
Theo chia sẻ của H. – một du học sinh Việt Nam tại Seoul, công việc phiên dịch cho các đoàn khách du lịch kết hợp PTTM từ Việt Nam đã cho chị thấy nhiều bất cập của loại hình du lịch này. Ở Hàn Quốc, không phải cơ sở làm đẹp nào cũng uy tín, hội tụ đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm. Phần lớn những trung tâm PTTM qua môi giới Việt Nam dẫn tới Seoul đều thuộc hạng vừa vừa hoặc trung bình ở đây, nhưng du khách người Việt đều không nắm được điều này.
Chị H. chia sẻ: “Có đoàn này, tôi tình cờ biết được từ hai người trong công ty môi giới du lịch nói chuyện với nhau “bác sĩ này tốt lắm, mỗi tội… chưa có giấy phép”. Bỗng chốc tôi cảm thấy rùng mình”. Theo thông tin tìm hiểu, tôi nhận thấy trung tâm PTTM bên công ty môi giới chọn không phải là một cơ sở uy tín, không đầy đủ thiết bị y tế. Sau khi bệnh nhân phẫu thuật ngực xong, bác sĩ chỉ cung cấp cho cô một gen định hình ngực, mà đáng lẽ phải đầy đủ áo lót định hình và gen cố định ngực.
Bệnh nhân liên tục kêu đau thì người môi giới bắt đầu trấn an bằng những lời ngon ngọt như “bình thường ai phẫu thuật xong cũng như thế, em cứ yên tâm trung tâm này tốt lắm, bác sĩ này tốt lắm…”. Đáng chú ý, theo kinh nghiệm của H., dịch vụ phẫu thuật ngực ở một bệnh viện tầm trung thường tốn khoảng 5.000 USD (khoảng 116 triệu đồng), nhưng vị khách này phải ký hóa đơn tới gần 9.000 USD (khoảng 210 triệu đồng).
Từ trường hợp một du khách Trung Quốc bị chết não ngay trên bàn mổ khi đang tiến hành PTTM ở Seoul đầu năm nay, giới báo chí Trung Quốc đã phanh phui rất nhiều thảm kịch như vậy và cảnh báo người dân Trung Quốc về vô vàn những rủi ro và biến chứng có thể xảy ra từ việc du lịch kết hợp PTTM ở Hàn Quốc.
Ngay sau đó, Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết sẽ tiến hành đổi mới, đưa một loạt các biện pháp ngăn chặn du lịch y tế bất hợp pháp. Quy định bao gồm giám sát các trung tâm PTTM và môi giới du lịch, kiểm tra các bác sĩ đang hành nghề đã được cấp phép chưa đặc biệt những bác sĩ thực hiện PTTM cho bệnh nhân nước ngoài;... Tuy vậy, hiệu quả vẫn còn nhiều nghi vấn.
Gần đây nhất, vấn đề này lại càng nhức nhối và gay gắt hơn khi một ca sĩ người Thái Lan - Jeeranan “May” Kitprasan đã đệ đơn kiện một bệnh viện ở Hàn Quốc, đòi bồi thường tới 14 tỷ đồng, vì ca phẫu thuật ngực khiến cô suýt chết. Ca phẫu thuật thất bại, cô ca sĩ chảy máu không ngừng; lúc nguy kịch, May được chuyển tới bệnh viện đa khoa ở Seoul để chữa trị.
Qua khỏi cơn hiểm nghèo, cô ca sĩ về Thái Lan và phát hiện phần ngực mới phẫu thuật bị biến chứng, phải cắt bỏ ngay tại một bệnh viện tại Thái Lan. Chia sẻ với tờ Bangkok Post (Thái Lan), ca sĩ cho rằng cô còn bị tính giá “cắt cổ” cho một dịch vụ “rởm”, khoảng 800.000 baht (khoảng 570 triệu VNĐ), gấp khoảng 5 – 10 lần dịch vụ phẫu thuật ngực ở Thái Lan mà còn không bao gồm chi phí y tế bổ sung và phát sinh khi có biến chứng.
Trên thực tế, ngành công nghiệp PTTM của Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề có thể gây tổn hại tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân, cũng như ảnh hưởng tới danh tiếng của đất nước như một điểm đến du lịch y tế hàng đầu.
Du lịch y tế kiểu “may rủi”
Không chỉ giới chuyên môn ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam… mà chính giới chuyên môn tại Hàn Quốc cũng đã có nhiều cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn đối với loại hình tour du lịch kết hợp PTTM, đặc biệt là vấn đề an toàn cho du khách.
Trả lời tờ South China Morning Post (Trung Quốc), TS. Cho Sooyoung, bác sĩ PTTM - người phát ngôn của Hội đồng PTTM Hàn Quốc cho biết, theo luật hiện hành, các bác sĩ phẫu thuật sau khi được cấp phép, không bị giới hạn về việc hành nghề; quy định này đã được thực hiện hơn 100 năm qua do sự thiếu hụt của các bác sĩ phẫu thuật ở Hàn. Ngày nay, dù lực lượng bác sĩ đã được cải thiện, Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa cập nhật luật pháp, gây ra nhiều bất cập.
Ông Cho cho biết: “Ví dụ, tôi là một bác sĩ chuyên về PTTM, nhưng tôi vẫn có thể thực hiện mổ não hoặc mổ đẻ nếu tôi muốn, mà không hề phạm pháp. Hiện có khoảng 10.000 bác sĩ không chuyên tại Hàn Quốc thực hiện PTTM. Bệnh nhân người nước ngoài thường không được biết bác sĩ phẫu thuật cho họ có được chứng nhận hay không, hoặc nếu có thì là chứng nhận về nghiệp vụ gì”.
Theo số liệu của Hội đồng PTTM Hàn Quốc, các bác sĩ PTTM được chứng nhận hành nghề ít hơn nhiều so với số lượng thực có trên thị trường bây giờ, chỉ khoảng 2.000 người.
Ở Hàn Quốc, bác sĩ không chuyên khoa vẫn có thể quảng cáo d
ịch vụ của họ ở nước ngoài, mà không hề vi phạm pháp luật. Các quy định mập mờ về chứng nhận y tế ở Hàn Quốc có thể gây ra nhiều hiểu lầm, tạo lỗ hổng cho những kẻ cơ hội sử dụng để lừa phỉnh du khách không hiểu tiếng Hàn.
Tình trạng chung, du khách Việt qua Hàn Quốc thường không được cung cấp thông tin đầy đủ, hoặc lười tìm hiểu rõ về trung tâm y tế, bác sĩ phẫu thuật… mà phó thác, tin tưởng hoàn toàn theo lời môi giới tour du lịch, hướng dẫn viên, thông dịch viên; may thì gặp phải bác sĩ tốt, rủi thì gặp bác sĩ không đúng chuyên ngành, thậm chí là các bác sĩ thực tập, bác sĩ rởm.
Trong khi đó, ở Hàn Quốc, chi phí thẩm mỹ tại các bệnh viện dành cho khách ngoại quốc thường rất cao vì có các chi phí phụ cho khách nước ngoài như phiên dịch, chăm sóc, khách sạn… Khách du lịch dạng tự túc, chưa hiểu biết về các địa điểm, giá cả; chi phí còn tốn kém hơn.
Nắm bắt nhu cầu làm đẹp ngày càng gia tăng, xu hướng PTTM trong một tour du lịch nước ngoài đã ra đời, tạo ra làn sóng bùng nổ với tốc độ cực kỳ cao ở những nước có nền y tế phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan... Nhưng cũng chính vì tâm lý bất chấp để làm đẹp, nhiều du khách đã phải “trả giá đắt” cho sự thiếu hiểu biết, bất cẩn trọng với chính tính mạng của mình.