Trả hồ sơ vụ 2 anh em bị chiếm đoạt tiền tỷ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  TAND TP Hà Nội vừa đưa bị cáo Vũ Thúy Vân (SN 1972, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là ông Nguyễn Bá Ánh và ông Nguyễn Hồng Điệp.
Trả hồ sơ vụ 2 anh em bị chiếm đoạt tiền tỷ

Dùng tài sản của người khác để vay ngân hàng

Theo cáo trạng, trong năm 2010, 2011, khách hàng cá nhân muốn vay vốn ngân hàng rất khó khăn, khó đáp ứng được các điều kiện của ngân hàng, chỉ có doanh nghiệp mới đáp ứng được. Lợi dụng việc này, Vũ Thúy Vân đã cùng một số người thân, bạn bè, thành lập một số công ty. Đồng thời, Vân trực tiếp và thông qua đối tượng Đặng Thị Lan (SN 1955, ở Ba Đình, Hà Nội), Phạm Tố Loan (SN 1978, ở quận Ba Đình) thu thập giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) bằng cách tìm người có nhu cầu vay tiền, thỏa thuận cho họ vay tiền có thời hạn theo lãi suất ngân hàng. Để đảm bảo cho việc trả nợ, người vay tiền phải ủy quyền hoặc chuyển nhượng GCNQSDĐ của mình cho Vân toàn quyền sử dụng để cầm cố, thế chấp vay vốn ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác.

Sau khi có GCNQSDĐ, Vân và đối tượng liên quan đã thế chấp vào ngân hàng để đảm bảo cho công ty do Vân quản lý điều hành vay vốn với số tiền nhiều hơn số tiền Vân cho người có GCNQSDĐ vay nhằm lấy tiền chênh lệch để làm ăn.

Cụ thể, Vũ Thúy Vân là Phó Giám đốc Cty CP Đầu tư xây dựng Quốc tế Hà Nội (Cty Hà Nội). Tháng 4/2011, Giám đốc Cty Hà Nội ủy quyền cho Vân ký hợp đồng vay vốn Ngân hàng Techcombank – Phòng giao dịch Cửa Bắc. Vân đã nộp cho chuyên viên khách hàng doanh nghiệp, Phòng giao dịch Techcombank Cửa Bắc hồ sơ tài chính của công ty làm cơ sở cho việc xét cấp hạn mức tín dụng đều thể hiện kinh doanh có lãi.

Ngày 19/5/2011, ngân hàng cấp hạn mức cho công ty của Vân vay 25 tỷ đồng và hạn mức mở thư tín dụng là 5 tỷ đồng. Căn cứ hạn mức được cấp, Vân đã sử dụng 4 tài sản đảm bảo vay hơn 11 tỷ đồng để thanh toán tiền mua hàng thiết bị điện tử. Vân không có khả năng trả nợ nên bỏ trốn.

Kết quả điều tra xác định, trong số các tài sản đảm bảo trên, có tài sản đảm bảo của bà Nguyễn Thị Liên (SN 1957, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Bà Liên khai qua hàng xóm, bà biết Vân và nhờ Vân làm dịch vụ vay ngân hàng 700 triệu đồng, phí hoa hồng 5% trên số tiền vay (35 triệu đồng). Vân đưa hồ sơ vay vốn cho vợ chồng bà ký nhưng không đọc kỹ nội dung. Sau đó, Vân chuyển tiền vay vào tài khoản của hàng xóm của bà. Hàng xóm của vợ chồng bà Liên đã rút ra, chuyển cho bà Liên 300 triệu đồng, còn 400 triệu đồng người này vay lại. Bà Liên nói không biết Vân sử dụng GCNQSDĐ của vợ chồng bà thế chấp vay bao nhiêu tiền. Ngân hàng đã phát mại, bán được hơn 2 tỷ đồng và yêu cầu bà Liên giao nhà.

Tương tự vợ chồng bà Liên là bà Đặng Thị Lợi (SN 1957, ở Ba Đình, Hà Nội). Theo cáo trạng, tài sản đảm bảo là bất động sản ở phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) đứng tên Đặng Thị Lan. Tuy nhiên, thực tế xác định bất động sản này nằm trong ngõ nhỏ, chủ tài sản là bà Đặng Thị Lợi, hiện gia đình bà Lợi vẫn đang cư trú ở đó chứ không phải Đặng Thị Lan.

Bà Lợi khai, bà đã thỏa thuận với Đặng Thị Lan và Vũ Thúy Vân nhờ thế chấp sổ đỏ của mình vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng. Số tiền này, bà Lợi sẽ sử dụng 1 tỷ đồng, Lan và Vân sử dụng 500 triệu đồng. Khoảng tháng 5/2011, bà Lợi ký vào một số tài liệu hồ sơ vay vốn, do tin tưởng không đọc, bà Lợi không biết nội dung văn bản. Một thời gian sau, có người đến nhà giới thiệu là người của ngân hàng (sau này mới biết đó là nhân viên của công ty thẩm định) đến kiểm tra nhà đất. Bà Lợi đã chỉ thửa đất theo GCNQSDĐ của mình cho người trên xem, chụp ảnh. Sau đó, bà Lợi nhận được 970 triệu đồng (cộng tiền lãi 3 tháng là 1 tỷ đồng). Từ đó, bà Lợi cũng không thấy Lan đến thu tiền lãi.

Khoảng tháng 3/2011, khi được ngân hàng cho biết nhà đất của mình mang tên Lan và đã thế chấp vay hơn 4 tỷ đồng, bà Lợi đã nhiều lần tìm Lan để giải quyết nhưng không tìm được. Năm 2015, ngân hàng đã phát mại bán bất động sản trên với giá hơn 2 tỷ đồng, yêu cầu bà Lợi phải giao nhà cho người mua. Do đó, bà Lợi tiếp tục tố cáo Lan về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt nhà của bà.

Theo cáo trạng, do Cty Hà Nội không còn hoạt động, không có khả năng trả nợ nên ngân hàng xem xét hỗ trợ miễn toàn bộ nợ lãi sau khi xử lý xong tài sản đảm bảo. Ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng. Với các cán bộ có sai phạm nhất định, ngân hàng đã xem xét xử lý. Ngân hàng xác định chưa thất thoát vốn vay nên chưa có hậu quả thiệt hại.

Chiếm đoạt tài sản của 2 anh em

Cũng theo cáo trạng, Vân còn vay tiền của ông Nguyễn Bá Ánh và ông Nguyễn Hồng Điệp. Cụ thể, qua quan hệ xã hội, ông Ánh quen biết Vân. Đầu tháng 6/2011, ông Ánh cho Vân vay 1,2 tỷ đồng, thời hạn 1 tháng, có sự chứng kiến của Đặng Thị Lan. Lan đồng ý lấy nhà đất của mình tại xã Thượng Mỗ (Đan Phượng, Hà Nội) để đảm bảo cho việc trả nợ của Vân. Vân viết giấy vay tiền, Lan viết giấy đặt cọc bán nhà cho ông Ánh.

Ngày 7/6/2021, Vân mang giấy ủy quyền của Lan đến phòng công chứng ký hợp đồng công chứng, chuyển quyền sở hữu nhà đất của Lan cho ông Ánh. Sau đó, Vân giao cho ông Ánh hợp đồng đã ký và GCNQSDĐ của Lan cho ông Ánh giữ để làm tin. Đến hạn, Vân không có tiền trả nên đã bảo ông Ánh cho Vân mượn lại GCNQSDĐ của Lan để Vân đi vay tiền trả cho ông Ánh.

Ngày 8/8/2011, ông Ánh đưa GCNQSDĐ cho Vân. Vân viết giấy nhận GCNQSDĐ, hẹn vài ngày sẽ vay tiền chỗ khác trả cho ông Ánh. Sau đó, ông Ánh nhiều lần điện thoại cho Vân, Lan hẹn gặp để giải quyết nhưng cả hai không đến gặp, không trả lại tiền rồi bỏ đi khỏi địa phương. Qua tìm hiểu, ông Ánh mới biết GCNQSDĐ Lan đã chuyển nhượng cho ông đã được Lan thế chấp vay hơn 1,2 tỷ đồng của ngân hàng.

Ngoài ra, năm 2010, 2011, Vân còn 3 lần viết giấy vay tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng của ông Ánh, thời hạn vay từ 10 ngày đến 3 tháng. Khi đó, Vân đưa 3 GCNQSDĐ của 3 người, gồm anh Lý Văn Bảo (ở Hoài Đức, Hà Nội), Nguyễn Văn Lũy (ở Thạch Thất, Hà Nội) và Nguyễn Thị Anh (ở Thạch Thất, Hà Nội) kèm theo giấy ủy quyền của họ cho Vân sử dụng để chuyển nhượng mua bán, cầm cố, thế chấp cùng hợp đồng công chứng Vân chuyển nhượng quyền sử dụng các nhà đất đó cho ông Ánh để làm tin. Thực tế không có việc chuyển nhượng.

Tương tự ông Ánh, năm 2011, ông Nguyễn Hồng Điệp cũng nhiều lần cho Vân vay tổng cộng 5,8 tỷ đồng (có giấy biên nhận vay tiền). Ông Điệp khai cho Vân vay số tiền trên để Vân mua bán nhà đất, hai bên không thỏa thuận lãi suất, nếu mua bán thành công, Vân sẽ chi “hoa hồng” cho ông Điệp. Tổng cộng từ ngày 17/5/2011 đến ngày 7/6/2011, Vân đã vay của ông Điệp 5,8 tỷ đồng. Sau đó, Vân mới trả được cho ông Điệp 500 triệu đồng. Đến ngày 30/9/2011, Vân viết giấy chốt công nợ ông Điệp số tiền 5,3 tỷ đồng sau đó bỏ trốn, không trả ông Điệp.

Tại tòa, ông Điệp cho biết số tiền ông cho Vân vay là do ông làm ăn được và vừa bán một mảnh đất ở Hòa Lạc được hơn chục tỷ. Sau khi cho Vân vay, Vân có trả ông được ít tiền rồi mất liên lạc. Ông và ông Ánh nhiều lần đi tìm Vân nhưng không được. “Thi thoảng chúng tôi có nhận được cuộc gọi của Vân qua các số máy lạ. Tuy nhiên, khi chúng tôi gọi lại thì không liên lạc được”, ông Điệp nói và cho biết cực chẳng đã, anh em ông mới phải làm đơn tố cáo Vân ra công an.

Quá trình xét hỏi tại tòa, bị hại Ánh nói bị cáo Vân khai rất gian dối và loanh quanh. “Thời điểm bị cáo gặp khó khăn, tôi giúp đỡ bị cáo nhưng bị cáo lại quay lại “cắn” tôi”, ông Ánh nói và cho rằng bị cáo khiến ông bị mất tiền, mất của, mất công sức…

Có mặt tại tòa, vợ chồng anh Bảo cho biết số tiền 200 triệu, họ mượn hộ cô em họ - hàng xóm của vợ chồng họ. Theo lời vợ chồng họ, gia cảnh của người em kia cũng khó khăn, do đó vợ chồng họ mới đồng ý cho mượn GCNQSDĐ để vay 200 triệu đồng. Mượn tiền hộ, họ còn phải còng lưng trả lãi hộ vì cô em kia bỏ trốn. “Lúc đó, chúng tôi liên tục bị số điện thoại lạ gọi, đòi tiền lãi. Chúng tôi còn bị một nhóm người đưa đi cả ngày rồi đưa vào quán cà phê bắt ký các giấy tờ. Do lo sợ con cái ở nhà, vợ chồng tôi mới ký vào các giấy tờ họ đưa”, vợ anh Bảo nói và khẳng định vợ chồng họ chỉ cho mượn GCNQSDĐ để vay tiền chứ không bán nhà.

Trước lời khai trên, HĐXX đã hỏi bị cáo Vân: “Tức là không có việc mua bán gì giữa vợ chồng anh Bảo”. Bị cáo đáp “thỏa thuận hợp đồng là do người khác đưa đến”. Nghe vậy, vợ chồng anh Bảo khẳng định không biết mặt bị cáo, nghĩ bị cáo là người của ngân hàng. Trước lời trần tình trên, vị chủ tọa nói: “Người ta là nông dân, toàn đi lừa những người không biết gì. Người ta vay tiền, cấu kết với người khác rồi lừa gạt người ta, giờ người ta khốn khổ”. “Bị cáo không biết ạ”, Vân phân bua. “Không biết là thế nào, cầm một đống sổ”, chủ tọa nói.

Sau một hồi xét xử, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung, bởi tại tòa, ông Điệp có xuất trình một số tài liệu liên quan tới GCNQSDĐ, vay tiền.

Đọc thêm