Cộng đồng dân cư tỉnh Trà Vinh gồm các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và một số dân tộc thiểu số khác. Trong đó, người Kinh chiếm tỷ lệ cao nhất trên 67%, người Khmer chiếm 32%, là tỉnh có người Khmer sinh sống đông thứ 2 ở vùng ĐBSCL cũng như cả nước, người Hoa và dân tộc thiểu số khác chiếm tổng số gần 1%.
Đường giao thông nông thôn tại xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. |
Tìm về cơ sở, nơi đồng bào DTTS có đời sống đã "thay da đổi thịt"
Để tìm hiểu thêm về đời sống, điều kiện sinh hoạt của người dân nơi đây, đặc biệt là người đồng bào DTTS. Chúng tôi lần theo con đường liên xã được rải bê tông khá khang trang về với xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang nơi có hơn 70% đồng bào Khmer.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở Uỷ ban, ông Lê Văn Phước, Chủ tịch UBND xã đã vui vẻ cho biết: “Để thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I , từ đầu năm 2023 đến nay, xã Thạnh Hòa Sơn ngoài việc phổ biến giáo dục pháp luật cho đông bào DTTS thì chính quyền tập trung thúc đẩy công tác xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đầu tư sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch cho bà con trên địa bàn... Đến nay, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng, trong đó có Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cầu Ngang đã giải ngân cho gần 100 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc Khmer được vay tổng số vốn gần 7 tỷ đồng để phát triển sản xuất và làm nhà ở. Trong đó, xã Thạnh Hòa Sơn đã triển khai thực hiện xây dựng được 15 căn nhà cho hộ khó khăn về nhà ở. Từ nay đến hết năm 2023, chúng tôi phấn đấu giải quyết cơ bản nhà ở cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo khó khăn về nhà ở là đồng bào Khmer nhờ đó, bộ mặt nông thôn và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer đã không ngừng được cải thiện’’.
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc đã được chính quyền xét hỗ trợ cho vay 40 – 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cùng với số tiền các bà con tích góp thêm nhiều hộ gia đình đã làm được nhà cửa khang trang.
Nhiều hộ dân đồng bào DTTS ở xã Lương Hòa, huyện Châu Thành đã làm được nhà ở từ vốn vay của Ngân hàng chính sách huyện. |
Từ xã Thạnh Hòa Sơn, chúng tôi tiếp tục lên đường đến xã Lương Hòa, huyện Châu Thành với quãng đường hơn 40km tìm gặp gỡ ông Kim Ruône Bí thư Chi bộ (Ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành) là một người đồng bào dân tộc Khmer chính hiệu, ông được đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ ấp gần 20 năm nay. Ông Kim Ruône cho biết: Chương trình phát triển kinh tế - hội trong mấy năm qua được Đảng và Nhà nước quan tâm, chính quyền địa phương huy động mọi nguồn lực trong xã hội, sự chung sức và đồng lòng của người dân đã tích cực thực hiện góp sức cải thiện bộ mặt phum, sóc ngày càng phát triển.
Là một Bí thư chi bộ, được người dân ở Ấp tín nhiệm ông đã mạnh dạn tiên phong chuyển đổi mô hình kinh tế, gia đình ông có 1.000 m2 đất trồng lúa chuyển sang trồng mướp đắng, dưa chuột. Mỗi vụ sản xuất, sau khi trừ tất cả chi phí, ông thu lợi nhuận khoảng 4 - 5 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích. Từ hiệu quả này, nhiều hộ đã làm theo và đạt được hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn ấp đã chuyển đổi gần 20 (ha) đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Trước khó khăn của những hộ nghèo là đồng bào DTTS, ông Kim Ruône tự nguyện cho 2 gia đình trong ấp mượn đất sản xuất để cải thiện thu nhập, mỗi hộ 0,5 (ha) trồng màu. Nhờ có thêm thu nhập, 2 hộ này đã thoát nghèo.
Chuyển đổi cây trồng của người dân tỉnh Trà Vinh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Nhận được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: “Đi đôi với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, tỉnh Trà Vinh đã tập trung nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo; triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Trong năm 2023 tỉnh Trà Vinh được phân bổ hơn 451 tỷ đồng, theo kế hoạch, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ DTTS, hỗ trợ nhà ở cho hơn 520 hộ, chuyển đổi nghề cho khoảng 275 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 38 hộ, đầu tư xây dựng hai công trình nước tập trung... Cùng với đó, tỉnh xây dựng mới 58 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS; tiếp tục thực hiện 16 công trình chuyển tiếp của năm 2022; duy tu, bảo dưỡng 36 công trình; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ vùng đồng bào DTTS...”.
Đời sống tinh thần của đồng bào DTTS được nâng cao (Lễ hội đua Ghe của người Khmer). |
Thực hiện Chính sách phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, từ nay đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí khoảng 1.465 tỷ đồng để nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 – 4%/năm, không còn xã đặc biệt khó khăn, 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế… Đồng thời hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống chính trị ở cơ sở.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện nhiều chính sách, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trà Vinh đang khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer đã có bước chuyển biến tích cực.