Trách nhiệm của Bộ Văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trận đấu giữa Đội tuyển Việt Nam với một quốc gia Đông Nam Á tranh cup AFF Cup đã thu hút sự chú ý của cả những người không đam mê bóng đá, vì một sự cố phát sinh khiến dư luận bức xúc.
Trách nhiệm của Bộ Văn hóa

Trong khoảng thời gian hai đội làm các thủ tục chào sân, trong phần hát Quốc ca, khán giả theo dõi trên mạng xã hội YouTube không nghe được lời hát Quốc ca với lý do “bản quyền”. Trên màn hình YouTube hiện dòng thông báo: “Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ”; “Chương trình đang tạm thời bị gián đoạn vì lý do bản quyền. Mong quý vị khán giả thông cảm và quay lại sau”…

Sự việc khiến mọi người ngỡ ngàng, phẫn nộ. Không thể để xảy ra chuyện ngay chính Quốc ca của nước mình cũng không được nghe.

Nguyên nhân đến từ việc gần đây một đơn vị có tên BH Media cho rằng được hãng đĩa “Hồ Gươm Audio, Video” ủy quyền bảo vệ các tác phẩm của hãng đĩa này trên môi trường YouTube. Có thể trong trận bóng đá, bản Quốc ca được phát là do “Hồ Gươm Audio, Video” hòa âm phối khí. Có lẽ để tránh việc video bị báo cáo sai phạm và gỡ khỏi nền tảng Youtube, nên một số kênh đã chủ động tắt tiếng khi Đội tuyển Việt Nam hát Quốc ca.

Theo họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao, ca khúc “Tiến quân ca” của cố nhạc sĩ Văn Cao đã được gia đình hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. “Nếu ca khúc “Tiến quân ca” còn thuộc về gia đình thì vấn đề nó khác. Nhưng thực hiện nguyện vọng của cha tôi, gia đình đã hiến tặng ca khúc “Tiến quân ca” cho nhân dân, Nhà nước. Nhân dân còn bức xúc nữa là gia đình tôi. Cơ quan chức năng phải lên tiếng”.

Một ngày sau đó, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL đã làm việc với các cơ quan liên quan về sự việc. Bộ này cho biết có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ, phát huy giá trị của Quốc ca. Pháp luật Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Nên Bộ VH,TT&DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Chưa rõ đơn vị đứng ra tự nhận là bảo vệ bản quyền bản hòa âm phối khí có phản ứng lập luận ra sao. Nhưng một số ý kiến cũng cho rằng trước tiên, Bộ VH,TT&DL cần tổ chức một bản thu Quốc ca, công bố rõ ràng đó là bản chính thức phát trong mọi sự kiện, là tài sản toàn dân, ai cũng có quyền sử dụng. Đó mới là động thái đúng đắn để giải quyết tận gốc mọi vấn đề của sự việc.

Đọc thêm