Trong những năm qua, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã biến KOLs và KOCs thành những người quảng cáo, bán hàng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi tiêu dùng. Nhưng trách nhiệm của những KOLs, KOCs này ra sao? Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã trao đổi với ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (HBVNTDVN) và Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.
Vừa qua HBVNTDVN nhận được nhiều đơn thư phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến việc mua sản phẩm trên không gian mạng và phía Hội cũng đã gửi công văn tới các cơ quan chức năng, ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?
- Ông Vũ Văn Trung: Vừa qua, HBVNTDVN đã có công văn gửi đến cơ quan chức năng, đề cập đến hai trường hợp: Thứ nhất, Phạm Quang Linh (tức Quang Linh Vlogs) và Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du Mục) với dấu hiệu quảng cáo “lố”, sai sự thật; Thứ hai, Võ Thị Hà Linh (tức Võ Hà Linh hay Hà Linh Official) kêu gọi trữ hàng, có dấu hiệu bán phá giá, bán hàng kém chất lượng. Những hành động này gây ra nhiều lo ngại trong cộng đồng người tiêu dùng, cũng như tác động không nhỏ đến thị trường.
Hành vi của một số KOLs, KOCs lợi dụng lòng tin của khán giả để quảng cáo sai sự thật, “thổi phồng” công dụng sản phẩm sẽ bị xử phạt ra sao, thưa Luật sư Diệp Năng Bình?
- Luật sư Diệp Năng Bình: Đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về chất lượng, khiến người tiêu dùng hiểu sai về sản phẩm, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng. Mà mới đây nhất là trường hợp các cá nhân Phạm Quang Linh và Nguyễn Thị Thái Hằng đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Đối với tổ chức vi phạm mức phạt cao gấp đôi, từ 120 - 160 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự theo quy định về Tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi thì có thể xử lý hành chính hoặc thậm chí là xử lý hình sự.
Thưa Luật sư, có KOLs, KOCs trong các buổi livestream đã kêu gọi cộng đồng tiêu dùng “găm hàng”, một số ý kiến cho rằng đây là hành vi có dấu hiệu của việc lũng đoạn thị trường, Luật sư đánh giá thế nào về hành vi này?
![]() |
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật. |
- Luật sư Diệp Năng Bình: Đối với những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng, nhưng lại kêu gọi fan (người hâm mộ) hay người dân “găm hàng”, về mặt đạo đức, họ đã không làm tròn trách nhiệm của một công dân - một người có sức ảnh hưởng đối với xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, mức xử phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa trong nhiều trường hợp là chưa đủ răn đe, còn thấp nếu so với việc thu lợi bất chính. Cụ thể, tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, đối với hành vi đầu cơ hàng hóa, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 20 triệu đồng đối với tổ chức khi có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa.
Đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng các KOLs, KOCs lợi dụng lòng tin của khán giả để quảng cáo sai sự thật, theo ông Vũ Văn Trung?
- Ông Vũ Văn Trung: Chúng ta đang sống trong thời đại “hỗn loạn” về thông tin. Những thông điệp do người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng truyền đạt rất dễ nhận được lòng tin của công chúng.
Tôi đánh giá chế tài xử phạt của chúng ta hiện nay đã có, như: Phạt tiền, buộc thu hồi sản phẩm, thậm chí cao nhất là xử lý hình sự… nhưng cái lợi tài chính đem lại do các hành vi này hiện nay là quá lớn, nhiều khi vượt quá cái thiệt khi bị phạt, khiến không ít KOLs, KOCs sa vào “vũng lầy”, sẵn sàng quảng cáo một cách bất chấp.
Thưa Phó Chủ tịch HBVNTDVN, bên cạnh trách nhiệm liên quan đến pháp lý, những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng còn có trách nhiệm gì trong việc này?
- Ông Vũ Văn Trung: Tôi muốn nói đến trách nhiệm đạo đức trong kinh doanh, không chỉ là trách nhiệm của những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng đối với người tiêu dùng, mà còn là trách nhiệm đối với sự tin tưởng, yêu mến của công chúng dành cho họ.
![]() |
Lạm quyền trong quảng cáo: KOLs, KOCs có đang vượt giới hạn? (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet). |
Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng quy định đối với quản lý KOLs, KOCs, vậy đâu là những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể áp dụng?
- Luật sư Diệp Năng Bình: Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã có cách làm nghiêm khắc để thị trường quảng cáo trở nên minh bạch hơn.
Tôi lấy ví dụ là Trung Quốc, quốc gia này có những chế tài xử phạt rất nghiêm khắc đối với người nổi tiếng có hành vi vi phạm pháp luật trong quảng cáo, bán hàng không đúng sự thật. Thậm chí, nhiều cá nhân đã bị người tiêu dùng “phong sát”.
Theo đó, người nổi tiếng, được hàng trăm triệu người biết đến nhưng khi bị “phong sát” sẽ không còn cơ hội xuất hiện trên truyền hình, biến mất khỏi tất cả phương tiện truyền thông, mạng xã hội… tại Trung Quốc.
Trong khi tại Việt Nam, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều người nổi tiếng vừa bị xử phạt cách đó không lâu, nhưng vẫn xuất hiện bình thường trên các phương tiện truyền thông, thậm chí tiếp tục quay sang quảng cáo cho các sản phẩm khác.
Ở đây, điều chúng ta cần học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế, đó là cần phải có biện pháp xử lý cứng rắn hơn để chính người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm về lời nói của bản thân khi tham gia quảng cáo.
Người tiêu dùng có thể làm gì để bảo vệ bản thân khi mua phải sản phẩm bị quảng cáo không đúng sự thật?
- Ông Vũ Văn Trung: Trong trường hợp này, khi quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm thì người tiêu dùng cần phải lên tiếng. Khi người tiêu dùng lên tiếng, sẽ có các đơn vị, tổ chức vào cuộc để bảo vệ cho quyền lợi chính đáng cho họ.
Người tiêu dùng nên tìm đến HBVNTDVN ở các tỉnh, thành phố để có sự trợ giúp. Qua đó, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ phát đi những kiến nghị đến các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm những vi phạm (nếu có).
Xin cảm ơn ông!
Khởi tố Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin tại họp báo.
Tối 4/4, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án Sản xuất hàng giả xảy ra tại Công ty Asia Life và Công ty Chị em rọt xảy ra tại TP HCM và Đắk Lắk.
Trong đó, Cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với Nguyễn Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Asia Life; Lê Tuấn Linh, Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt; Lê Thành Công, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng khởi tố Phạm Quang Linh, còn gọi là Quang Linh Vlog, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt và Nguyễn Thị Thái Hằng, tức Hằng Du Mục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị em rọt.
Quá trình điều tra, Bộ Công an xác định các bị can có dấu hiệu tội phạm Sản xuất hàng giả là thực phẩm và Lừa dối khách hàng.
X.L