Trách nhiệm của người thả gia súc gây tai nạn giao thông?

Bạn Phan Thế Huy (TP Cần Thơ) hỏi: Pháp luật có chế tài nào qui định việc xử phạt đối với người thả gia súc (vật nuôi) ra đường gây tai nạn giao thông không? Luật sư Lê Hiếu - Công ty luật TNHH Hiếu Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời:

Hiện tại, pháp luật chưa có khái niệm cụ thể về gia súc (hay còn gọi là súc vật). Tuy nhiên, theo từ điển thì súc vật/gia súc là những loài động vật đã được con người thuần dưỡng để trở thành những vật nuôi trong nhà, sống thân thiện với con người và môi trường xung quanh, con người có thể điều khiển được hoạt động của chúng để phục vụ cho các nhu cầu của mình.

Mặc dù không có khái niệm cụ thể nhưng pháp luật nước ta cũng có quy định rõ về trách nhiệm của chủ/người quản lý, chiếm hữu gia súc. Theo đó, nếu trong quá trình chăn, nuôi, thả..., chủ gia súc/người chiếm hữu không tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn giao thông, dẫn dắt gia súc đi vào đường giao thông gây tai nạn giao thông, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra có quy định rõ chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.

Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Trong trường hợp chủ/người nuôi thả gia súc hoặc dẫn gia súc đi trên đường gây tai nạn giao thông chết người thì người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội vô ý làm chết người" theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 . Theo đó, với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Đặc biệt, nếu vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm ngoài việc phải chịu trách nhiệm bồi

thường theo Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đọc thêm