Trách nhiệm và lương tâm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi công văn đến các UBND tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

Trước đó, dư luận đã xôn xao vì vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn xảy ra tại Trường Ischool Nha Trang, hơn 600 học sinh phải khám bệnh, gần 400 em phải nhập viện, 01 học sinh 6 tuổi tử vong. Đến nay vẫn còn hơn 20 học sinh và 7 giáo viên đang điều trị nội trú.

Đây không phải là sự cố đầu tiên liên quan đến an toàn thực phẩm xảy ra trong trường học với mức độ nghiêm trọng. Những vụ việc đáng tiếc này không chỉ khiến phụ huynh lo lắng mà còn là sự bất an của toàn xã hội, ảnh hưởng không chỉ sức khỏe, tính mạng của học sinh mà còn tác động xấu đến việc chăm lo giữ gìn và tăng cường thể chất cho thế hệ tương lai.

Để những sự cố đáng phê phán này xảy ra trước hết là thuộc trách nhiệm quản lý của nhà trường, sự lơ là của cơ quan chức năng, thiếu quan tâm của chính quyền sở tại và thái độ xem thường, thiếu chu đáo của những người cung cấp thực phẩm, chế biến thức ăn cho nhà trường.

Một vai trò lớn và hiệu quả là sự giám sát việc này của phụ huynh học sinh thì không được coi trọng đúng mức. Từng có nhiều trường hợp phụ huynh (tự phát) phát hiện thực phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc khẩu phần ăn của con em họ bị bớt xén, khi phản ảnh đến nhà trường lại không nhận được sự tiếp thu mặn mà, xử lý qua loa cho xong chuyện. Phụ huynh bị ngăn cản khi muốn vào bếp kiểm tra việc nấu nướng chuẩn bị bữa ăn, họ không thể tiếp cận được với quá trình đó làm sao có thể giám sát được.

Trước những sự cố gây nhức nhối lòng người này, dư luận đặt ra câu hỏi do thiếu trách nhiệm của người quản lý hay thiếu lương tâm của những người cung cấp bữa ăn? Hay đúng hơn là cả hai, vừa thiếu trách nhiệm vừa thiếu lương tâm mới để xảy ra những sự cố đó. Một xã hội phát triển tốt đẹp hay không phần nào được đánh giá bằng mức độ quan tâm và chăm lo cho thế hệ trẻ.

Đọc thêm