Theo đó, đối với cấp xã, khi phát sinh việc nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã), chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm: Phân công cán bộ tiếp đại diện của những người khiếu nại để nghe trình bày nội dung khiếu nại.
Trường hợp khiếu nại phức tạp, chủ tịch UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tiếp, nghe đại diện của những người khiếu nại trình bày nội dung khiếu nại; Chỉ đạo Công an cấp xã giữ gìn trật tự công cộng nơi có nhiều người khiếu nại tập trung; Thuyết phục, hướng dẫn người khiếu nại thực hiện việc khiếu nại đúng quy định của pháp luật.
Đối với cấp huyện, thủ trưởng cơ quan nơi có người khiếu nại tập trung có trách nhiệm cử cán bộ hoặc trực tiếp tiếp đại diện của những người khiếu nại tại nơi tiếp công dân để nghe trình bày nội dung khiếu nại.
Trường hợp vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền thì Thủ trưởng cơ quan thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu vụ việc khiếu nại không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn người khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trưởng Ban tiếp công dân cấp huyện nơi có người khiếu nại tập trung có trách nhiệm: Chủ trì hoặc tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tiếp đại diện của những người khiếu nại; Khi cần thiết, đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc khiếu nại và các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc khiếu nại hoặc cử người có trách nhiệm tham gia tiếp đại diện của những người khiếu nại.
Đối với cấp tỉnh, nghị định nêu rõ, thủ trưởng cơ quan nơi có người khiếu nại tập trung có trách nhiệm cử cán bộ hoặc trực tiếp tiếp đại diện của những người khiếu nại tại nơi tiếp công dân để nghe trình bày nội dung khiếu nại.
Trường hợp vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền thì Thủ trưởng cơ quan thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu vụ việc khiếu nại không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn người khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đối với các cơ quan Trung ương, trưởng Ban tiếp công dân Trung ương có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với đại diện các cơ quan Trung ương có liên quan và người có thẩm quyền của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vụ việc khiếu nại tiếp những người khiếu nại; Khi cần thiết, đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vụ việc khiếu nại tham gia hoặc cử người có trách nhiệm tham gia tiếp đại diện của những người khiếu nại; Yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc khiếu nại; tham gia tiếp đại diện của những người khiếu nại; Theo dõi, đôn đốc Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc giải quyết khiếu nại do Ban tiếp công dân Trung ương chuyển đến; Phối hợp với Chủ tịch UBND cấp tỉnh vận động, thuyết phục để công dân trở về địa phương.
Ngoài ra, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Chủ tịch UBND, cơ quan Công an, cơ quan Thanh tra các cấp và các cơ quan có liên quan trong việc xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm, hỗ trợ, phối hợp với Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Ban tiếp công dân Trung ương tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành có liên quan trong việc xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung khi được yêu cầu.