Hầu hết đơn thư được giải quyết kịp thời
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục THADS nhấn mạnh, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Thông tư số số 02/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong THADS, về cơ bản công tác khiếu nại, tố cáo đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả. Hầu hết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều được xem xét giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay Thông tư số 02/2016/TT-BTP cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cả về mặt căn cứ pháp lý và nội dung quy định, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng, công tác THADS nói chung. Cụ thể, một số quy định không còn phù hợp với thực tế, cùng với đó là sự ra đời của Luật tố cáo năm 2018 và Nghị định 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật tố cáo đã có nhiều quy định thay đổi so với trước đây, đặc biệt là việc áp dụng pháp luật về giải quyết khiếu nạn, tố cáo trong hệ thống THADS có lúc có nơi còn chưa thống nhất, đồng bộ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực cũng nêu rõ, với mục đích đánh giá những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiến tới xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2016/TT-BTP, Tổng cục THADS tổ chức Hội thảo này là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, rút ra những kinh nghiệm từ thực tiễn thi hành Thông tư số 02/2016 của Bộ Tư pháp các văn bản khác có liên quan.
Chia sẻ tại hội nghị trong vấn đề này, ông Nagahashi Masanori, Thẩm phán, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA cũng thể hiện sự vui mừng vì thời gian qua đã được làm việc và phối hợp với Tổng Cục THADS. Ông Nagahashi Masanori mong muốn được lắng nghe các bài tham luận trình bày trong hội thảo để hiểu thêm về thành quả mà Việt Nam đạt được cũng như nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo THADS ở Việt Nam; đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản trong công tác này.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Tại hội thảo, đại diện của Cục THADS thành phố Hà Nội đã chia sẻ khó khăn, vướng mắc về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể, Hà Nội là một trong những đơn vị có số lượng đơn khiếu nại, tố cáo trong THADS đứng đầu trong toàn quốc, tính chất phức tạp, nhạy cảm ngày càng tăng. Do ở gần các cơ quan Trung ương nên nhiều vụ việc mặc dù đã được các cơ quan THADS tại Hà Nội hướng dẫn, giải thích tận tình nhưng người khiếu nại, tố cáo vẫn khiếu nại, tố cáo vượt cấp nhằm tạo áp lực cho các cơ quan THADS tại Hà Nội. Trong khi đó, các cơ quan thay vì chỉ chuyển đơn đến cơ quan THADS có thẩm quyền giải quyết còn yêu cầu báo cáo (báo cáo với thời hạn quá ngắn), sao gửi hồ sơ...khiến các cơ quan THADS mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và chất lượng của việc xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận người dân còn thấp, còn tình trạng cố ý chống đối việc thi hành án. Nhiều trường hợp, đương sự còn lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối, cản trở, trốn tránh việc thi hành án khiến cho bản án, quyết định không thể thi hành được, trong khi đó chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý có hiệu quả những trường hợp đương sự cố tình lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để trì hoãn việc thi hành án hoặc gây rối với cơ quan thi hành án…
Còn tại thành phố (TP) Hồ Chí Minh, mặc dù công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giải quyết các vụ việc không ngừng được nâng cao, chú trọng đi vào chiều sâu, gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, thế nhưng theo đại diện Cục THADS TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế.
Trước hết là về quy định pháp luật, pháp luật về THADS còn chồng chéo, mâu thuẫn, thủ tục THADS rườm rà, phức tạp. Các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong THADS vẫn còn khá nhiều bất cập.
Hiện nay, các cơ quan Thi hành án dân sự tại TP Hồ Chí Minh phải thụ lý thi hành rất nhiều vụ án lớn, phức tạp, được dư luận xã hội và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm; trong đó, phần lớn tập trung các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, giá trị phải thi hành lên đến hàng ngàn tỷ đồng (ví dụ như: vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Công ty Cho thuê tài chính II, vụ Dương Thanh Cường, vụ Phạm Công Danh, vụ Phạm Văn Cử, vụ Ngân hàng Đông Á...). Quá trình tổ chức thi hành án liên quan đến tài sản có giá trị rất lớn, việc xử lý tài sản kéo dài trong nhiều năm, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền lợi của nhiều cá nhân, tổ chức nên rất dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Tiếp đó là những khó khăn liên quan đến nhân sự. Những năm gần đây, biên chế của các cơ quan THADS của thành phố liên tục bị cắt giảm nên việc phân công công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với địa phương có lượng án nhiều, giá trị phải thi hành lớn như Hồ Chí Minh.
Được biết, cơ quan THADS TP Hồ Chí Minh, bên cạnh nhiệm vụ tham mưu Thủ trưởng đơn vị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Thẩm tra viên của các đơn vị còn có nhiệm vụ tham mưu công tác tiếp công dân của lãnh đạo đơn vị, thẩm tra hồ sơ thi hành án xong của các Chấp hành viên toàn đơn vị, kiểm tra, tiếp nhận và ra quyết định thi hành án…nên Thẩm tra viên luôn trong tình trạng quá tải công việc, dẫn đến thiếu sự đầu tư chuyên sâu cho công tác tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều tồn tại, hạn chế, chẳng hạn như: chậm phân loại đơn, phân loại đơn không chính xác, đề xuất xử lý, giải quyết đơn chưa đảm bảo đúng quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Ngoài ra, một số Thủ trưởng cơ quan THADS chưa nhận thức đúng và đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nên chưa quan tâm đúng mức.