Trải nghiệm tour mới của đất Kinh kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhằm đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch hiệu quả, sau khi 16 tour đêm đặc sắc Hà Nội được giới thiệu, ngành du lịch Thủ đô mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội và phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm nội đô, gắn với di sản - di tích, làng nghề, ẩm thực.
Khu du lịch Ao Vua với thiên nhiên hữu tình hấp dẫn du khách. (ảnh: huyện Ba Vì)
Khu du lịch Ao Vua với thiên nhiên hữu tình hấp dẫn du khách. (ảnh: huyện Ba Vì)

Có thể nói, Hà Nội đang nắm bắt cơ hội đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn liền với bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của mảnh đất Thăng Long ngàn năm.

Ngắm Hà Nội bằng xe buýt

Thời gian gần đây, xe buýt Hà Nội city tour là loại hình du lịch được nhiều du khách yêu thích, đặc biệt là khách nước ngoài, bởi tính linh hoạt và tiết kiệm khi được ghé thăm nhiều địa điểm nổi bật của Thủ đô mà không cần quá lo lắng về phương tiện và các tuyến đường.

Hiện nay, tuyến du lịch bằng xe buýt Hà Nội city tour hoạt động từ 9h đến 18h30 mỗi ngày, với tần suất hoạt động 30 phút/lượt. Tùy theo mỗi lộ trình, du khách sẽ đi qua các địa điểm nổi tiếng như: Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Lớn, chùa Trấn Quốc, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò...

Đón kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, tour tham quan nội đô Hà Nội bằng xe buýt bổ sung thêm một điểm check-in mới tại Hanoi Sky - Đài quan sát Lotte, mang đến cho khách du lịch góc nhìn toàn cảnh thành phố từ độ cao 272m. Tham gia tour du lịch nội đô bằng xe buýt của Hà Nội city tour, du khách sẽ có thời gian check-in tại đài quan sát ở độ cao 272m, trải nghiệm thực tế ảo nhảy dù, ghé thăm khu triển lãm nghệ thuật, khu nhà hàng cao cấp với nhiều góc chụp hình ấn tượng.

Điểm ngắm cảnh nằm ở tầng 65 của tòa Lotte Center Hà Nội - một trong những tòa nhà cao nhất quanh khu vực này. Vị trí và góc nhìn lý tưởng giúp du khách có được những góc nhìn tuyệt đẹp về Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, đài quan sát này còn là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí như: “Giai điệu hoàng hôn”. Sau khi trải nghiệm các dịch vụ tại Hanoi Sky khoảng 30 phút, du khách đi tham quan, mua sắm tại tòa 65 tầng này.

Trước đó, ngành du lịch Hà Nội ra mắt sản phẩm du lịch đêm Hà Nội - “Giới thiệu Không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm”. Theo đó, 15 sản phẩm tour du lịch đêm Hà Nội, bao gồm: Show diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”; Tour tham quan Hỏa Lò về đêm với 3 chủ đề khác nhau; Không gian đi bộ, bao gồm: Không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội; Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm;

Không gian văn hóa Phố đi bộ Trịnh Công Sơn; Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây; Khu phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã; Không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông và khu vực phụ cận, quận Hai Bà Trưng; Rối nước Thăng Long, Hàng Trống; Tour đêm “Giải mã Hoàng thành” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long; Tour đêm “Chữ tâm chữ tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam;

Tour ẩm thực Tống Duy Tân - Tạ Hiện - Chợ đêm Đồng Xuân; Xe buýt hai tầng city tour vào buổi đêm; Tuyến xe điện Đồng Xuân; đi dạo bằng xích lô, Lễ hạ cờ 21h tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Phố sách Hà Nội; Chương trình nghệ thuật Huyền thoại tuổi thanh xuân - Sống một đời đáng sống tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Tour xe đạp: Đêm Thăng Long - Hà Nội; Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Tinh hoa đạo học.

Du khách thích thú khi tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng. (ảnh: Lâm Khánh)

Du khách thích thú khi tham quan Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng. (ảnh: Lâm Khánh)

Khám phá tour đêm ở ngoại thành

Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước đạt năm 2023. Trong đó, có 5 triệu lượt khách quốc tế (3,2 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 25% so với ước thực hiện năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 99,77 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với ước thực hiện năm 2023.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, năm 2024, Hà Nội vẫn đặt mục tiêu phát triển bền vững, hiệu quả, là “cửa ngõ” đón và phân phối khách du lịch ở phía Bắc và cả nước, là điểm đến du lịch “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.

Để đạt được điều đó, ngành Du lịch TP Hà Nội xác định phát triển kinh tế ban đêm là giải pháp quan trọng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có của Thủ đô, mang tới cho người dân cũng như khách du lịch những sản phẩm du lịch đêm đa dạng, đặc sắc, có chất lượng và giá trị cao.

Sau khi 15 tour đêm đặc sắc Hà Nội được giới thiệu, ngành du lịch Thủ đô đang lên phương án mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề, ẩm thực. Trong khu vực nội thành, Hà Nội sẽ đưa tour “Chợ đầu mối hoa đêm lớn nhất miền Bắc” tại Quảng An quận Tây Hồ; Điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm phục vụ khách du lịch và phát triển kinh tế đêm Hà Nội tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm.

Bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh, cùng với nỗ lực của thành phố, thời gian tới ngành du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản di tích, làng nghề theo tuyến trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức.

Ở tuyến này, du khách sẽ được tìm hiểu kiến trúc, giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân; làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu hiện đang là điểm đến thu hút đông du khách trong và ngoài nước; làng nghề tơ tằm, tơ sen Mỹ Đức. Đây là các tuyến du lịch có nhiều lợi thế về cảnh quan sinh thái, di sản, làng nghề, làng cổ.

Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết, tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Thường Tín kết nối dựa trên trục giao thông quốc lộ 21B, với 3 điểm chủ đạo là Đình Nội Bình Đà (Thanh Oai), làng Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) và xưởng dệt lụa tơ tằm Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức). Việc kết nối tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng sản phẩm du lịch liên kết các địa phương với nhau, tạo thêm sản phẩm du lịch mới và thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch ở từng địa phương.

Đồng thời thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì... Đây được xem là các hoạt động du khách trong nước và quốc tế vô cùng ưa thích.

Du khách có thể ngắm toàn cảnh Hà Nội tại một đài quan sát ở độ cao 272m. (ảnh: VOV)

Du khách có thể ngắm toàn cảnh Hà Nội tại một đài quan sát ở độ cao 272m. (ảnh: VOV)

Sở Du lịch Hà Nội cũng vừa tổ chức “Chương trình kết nối sản phẩm du lịch golf giữa Hà Nội” với các tỉnh, thành phố phía Bắc. Hiện tại TP Hà Nội đang phát triển 6 cụm sân golf với 10 sân golf tiêu chuẩn. Đây đều là những sân golf lớn, chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế với cảnh quan tự nhiên đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu phong phú của người chơi, nhất là du khách quốc tế khi đến Việt Nam.

Sở Du lịch Hà Nội cũng đang tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi số, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; số hóa hệ thống thông tin về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch Hà Nội. Chú trọng số hóa bằng giao diện ảnh 360 độ và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, theo ông Phùng Quang Thắng, mặc dù lợi ích của việc xây dựng tuyến du lịch rất lớn, nhưng các điểm du lịch còn rời rạc, chưa liên kết với nhau, chưa tạo được mạng lưới mang tính hệ thống du lịch. Giao thông kết nối các điểm tham quan với nhau chưa thực sự thuận lợi.

Vì vậy, ngành du lịch Hà Nội cần khắc phục những “điểm nghẽn” này để thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.