Trăm chuyện của ngành điện đều hướng đến "xóa độc quyền"

Sáng nay (6/6), trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến không đồng tình với dự thảo sửa đổi Luật Điện lực khi chưa đưa ra được những điều luật để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trong câu chuyện chống độc quyền cung cấp điện.  
Sáng nay (6/6), trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến không đồng tình với dự thảo sửa đổi Luật Điện lực khi chưa đưa ra được những điều luật để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trong câu chuyện chống độc quyền cung cấp điện.  
Các đại biểu làm việc tại tổ góp ý về Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi
Người dân luôn chịu thiệt
Vấn đề mấu chốt nhất khiến các đại biểu đặt ra nhu cầu xóa bỏ sự độc quyền của ngành điện chính là chất lượng sử dụng của người dân. 
Nhiều ý kiến cho rằng, sự độc quyền đã tạo ra bất công bằng. Người dân đóng tiền điện chậm thì bị cắt điện, nhưng người bán điện để mất điện gây thiệt hại thì chưa thấy nói chuyện bồi thường.
Đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, hầu như trong các trường hợp, người tiêu thụ luôn chịu thiệt. Ví dụ người dân chậm nộp tiền điện liền bị nhà cung ứng cắt điện, trong khi đó, việc cung ứng chất lượng kém, cắt điện làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt thì chưa thấy cơ chế bồi thường.
Do đó, theo đại biểu, từ những bất cập trong thực tế, trong dự thảo luật sửa đổi lần này cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn và bổ sung những điểm mới để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Huyền Trang (Quảng Nam) chỉ rõ, trong hợp đồng mua bán điện, không hề có điều khoản nào yêu cầu nếu cung cấp đủ thì đơn vị bán điện phải chịu trách nhiệm hay bị xử lý. 
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) phản ánh thực tế là khâu thanh toán tiền điện nhiều khi chưa minh bạch, người dân có khi bị trả nhiều hơn số điện tiêu thụ thực tế nhưng khi thắc mắc không được giải thích rõ. 
Chưa có công thức hợp lý cho giá điện. 
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (Tp. Hồ Chí Minh) cũng nhận định: Rất bất hợp lý khi Dự thảo luật đưa ra quá nhiều hạng mục để cấu thành giá bán điện. 
ĐB Nguyễn Lâm Thành, (Lạng Sơn) phân tích: Luật hiện nay quy định giá thành điện có 3 loại giá, 5 loại phí thì luật sửa đổi có tới 6 giá, 2 phí. Về bản chất, giá điện cơ bản chỉ có 3 loại là giá phát điện, bán buôn và bán lẻ. Còn lại, các phần chi phí về hệ thống phân phối, phụ trợ, điều độ, truyền tải là hoàn toàn nằm trong quá trình vận hành kỹ thuật sản xuất của ngành. Vậy mà, ngành điện chuyển tất cả các công đoạn này thành giá, trong khi nếu quy định đây là một loại giá thì sẽ phải có lợi nhuận ở đó. Cứ mỗi khâu lại được tính thêm một mức lợi nhuận thì cuối cùng, giá bán lẻ điện sẽ bị đẩy lên rất cao. Về bản chất kinh tế thì kết cấu đó không hợp lý.
ĐB Trần Văn Minh, Quảng Ninh cũng cho rằng, việc đưa ra loại phí điều tiết điện lực là không hợp lý. Đây là hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng lại được biến thành một loại phí cho doanh nghiệp chịu, như vậy là không thuyết phục, trái luật phí và lệ phí. 
Một thực tế mà các đại biểu yêu cầu các nhà soạn thảo luật cần phải nhìn nhận khi xây dựng luật là phần lớn đầu tư của ngành điện có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhiều dự án lớn có nguồn ODA. Ngân sách vừa rồi chi trả cho nước ngoài hàng trăm nghìn tỷ đồng chủ yếu là trả nợ cho ngành điện. Ngay cả chương trình phát triển điện ở Tây Nguyên đang được EVN quảng bá thì tới 80% là ngân sách, EVN chỉ lo 15-20%. Tài sản của EVN hiện có cũng là của ngân sách đầu tư nhiều năm nay. 
“Thế nhưng, với nhiều đặc lợi như vậy, ngành điện lại đang muốn chuyển thành giá thị trường hết, giá tự do hết là chưa hợp lý”, Đại biểu nguyễn lâm Thành (Lạng Sơn) bức xúc.  
Đa số đại biểu đã đề nghị cơ cấu giá điện cần phải cân nhắc lại, EVN phải chịu sự giám sát, thanh tra kiểm tra thường xuyên hơn, làm rõ các yếu tố tăng giá thành có nguyên nhân từ sự điều hành yếu kém của chính EVN.
Cơ chế “cá lớn nuốt cá bé”
Đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) kể lại một câu chuyện thực tế: “Khi tôi làm bí thư huyện, doanh nghiệp tư nhân làm thủy điện đã than phiền, quá trình đàm phán giá với EVN kéo dài lâu lắm, nhất là việc đấu nối lưới từ nhà máy tới trạm điện. Các doanh nghiệp nhỏ mà không có tiềm lực, không có mối quan hệ ở “bên trên” thì rất khó bán được điện. Đó chính là do cơ chế chính sách không minh bạch. Không có khung giá phát điện và nếu có mà khung càng rộng thì càng chết cho doanh nghiệp yếu thế”.
Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) nhận định: Khó có thể cạnh tranh lành mạnh, công bằngn trong ngành điện, bởi những nhà máy trên 30MW hoàn toàn là Nhà nước, như TKV, PVN, EVN. Còn doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường phát điện cạnh tranh chỉ là những thủy điện nhỏ, sản lượng rất khiêm tốn so với các các doanh nghiệp độc quyền nhà nước, họ sẽ luôn bị ép để bán giá thấp. 
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng cung cấp thêm thông tin: Vừa qua khi phát điện cạnh tranh thí điểm, các nhà máy thủy điện nhỏ đã bị EVN ép giá mạnh, giảm xuống chỉ còn 600 đồng/kwh, chưa tới một nửa giá bình quân hiện nay.
Hầu hết các đại biểu thống nhất rằng, những thiệt thòi của thủy điện nhỏ hay giá điện không minh bạch nằm ở nguyên nhân EVN còn độc quyền. 
Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đặt câu hỏi: “Không rõ vì sao ta cứ lấn cấn tách sản xuất và truyền tải ra độc lập?. Hiện nay, chúng ta khuyến khích phát triển các nguồn điện ngoài như thủy điện, phong điện nhưng việc mua điện trở lại của EVN là rất khó khăn. Vì hiện, EVN vẫn đang là người mua duy nhất. Tại sao chúng ta không xóa bỏ cơ chế độc quyền của EVN?”.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Hà Nội cho rằng: Chúng ta đã có xã hội hóa phần nguồn điện, phát điện nhưng thực chất mua buôn vào vẫn là độc quyền và bán lẻ ra cũng là độc quyền (EVN là người mua và bán duy nhất). Đã độc quyền thì không thể có sự cạnh tranh, không có định hướng theo thị trường. Nếu muốn điều tiết giá thị trường thì cốt lõi của vấn đề giá là xóa bỏ độc quyền EVN”, đại biểu Bình nhấn mạnh.
Nhật Thanh

Đọc thêm