Trước thềm phiên họp này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trao đổi với một số đại biểu Quốc hội xung quanh các vấn đề chất vấn.
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng cho biết, qua nghiên cứu tài liệu và từ thực tế, ông quan tâm đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường và nhận thấy rằng chúng ta đang có nhiều e ngại về vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)... Bên cạnh đó, trước tình hình an ninh lương thực thế giới, vị Phó Trưởng Đoàn chuyên trách hết sức lo lắng về vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, từ đó quan tâm đến vấn đề khí hậu, hạn hán ở ĐBSCL, đặc biệt là nước ngọt cho sinh hoạt, nước cho nông nghiệp ở vùng Đồng bằng này. Đây sẽ là những vấn đề mà ông sẽ đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Qua nghiên cứu báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trước thềm phiên họp chất vấn, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết, đã nắm được phương án mà Bộ đưa ra cho các vấn đề. Chẳng hạn như với vấn đề nước ngọt ở ĐBSCL, sẽ công bố kịch bản nguồn nước lưu vực sông liên tỉnh và từ kịch bản được công bố, Trung ương và các địa phương sẽ điều hành, điều tiết nước để chủ động nguồn nước tại địa phương như thế nào. Ngoài ra, sẽ xây dựng các công trình thủy lợi lớn để điều tiết xâm nhập mặn; tập trung nguồn lực xử lý hạn mặn, xâm nhập mặn tại ĐBSCL.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: quochoi.vn) |
Vị đại biểu Đoàn Nam Định cũng chia sẻ, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong tháng 3, tháng 4/2024, lưu lượng nước về sông Tiền, sông Hậu giảm rất nhiều so với các năm trước. Trong các biện pháp chung, Bộ đã đưa giải pháp xây dựng hồ chứa nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Bộ cũng dẫn chứng giá trị kinh tế/1m3 nước của Việt Nam đạt 2,37USD, chỉ bằng 12% so với thế giới (giá trị kinh tế nước của thế giới là hơn 19 USD/m3). Đây là những vấn đề cần tập trung xử lý hiệu quả trong thời gian tới. “Chất vấn không phải thuần túy truy cứu trách nhiệm của Bộ trưởng, mà qua đây các đại biểu phát huy trí tuệ, đóng góp sáng kiến của mình vào việc xây dựng, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tôi kỳ vọng, phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn lần này sẽ có nhiều sáng kiến hơn của các đại biểu nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước ĐBSCL”, đại biểu Dũng bày tỏ.
Còn Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm cho biết, tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn lần này, bà quan tâm đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Theo đó, việc triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP thời gian qua với 10 nhóm quản lý ATVSTP, trong đó có quản lý ATVSTP với thức ăn đường phố, cho thấy, việc quản lý nhóm thực phẩm này rất đáng lo ngại nếu chúng ta không ban hành các văn bản điều chỉnh, hoàn thiện thể chế. Truyền thông đã đưa tin rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, nhưng việc xem xét, xử lý lại khó vì chế tài chưa đủ răn đe, mức xử phạt còn thấp.
Thời gian tới, nữ đại biểu Đoàn Quảng Bình mong Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công Thương sớm xem xét rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện những chính sách này, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước và nguồn nhân lực. Bởi công tác ATVSTP có sự tham gia của các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện chưa phân định cụ thể về quản lý nhà nước, chưa thể chế rõ đối với ngạch của Bộ Công Thương, mới có công văn hướng dẫn của Bộ về công tác quản lý lĩnh vực này. Đại biểu Tâm hy vọng Bộ trưởng có giải pháp hiện thực hóa làm sao để hạn chế tối đa vi phạm ATVSTP, nhất là đối với thức ăn đường phố.
Trong tuần làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận về một số dự án Luật, Nghị quyết gồm: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên; Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.