Văng vẳng âm vang “tiến lên, xung phong”
Trong không chí chào mừng ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975), chúng tôi theo chân người chiến sĩ năm xưa Lê Đức Phong (75 tuổi) – người trực tiếp tham gia trận đánh suối Mạch Máng hơn 50 năm trước. Ông Phong kể, trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông đã cùng đồng đội đánh một trận quyết tử.
Sau trận đánh ấy, rất nhiều đồng đội của ông đã hy sinh, mãi mãi nằm lại nơi đây. Nhìn lại từng tên liệt sĩ được khắc trên bia tưởng niệm, mắt ông Phong không kìm được giọt nước mắt: “Trận đánh ấy chúng ta cũng thiệt hại nhiều lắm, theo tôi biết thì nhiều hơn số liệu thống kê rất nhiều. Có 1 trung đội cùng sát vai chiến đấu, cứ ngỡ mở được đường máu, nào ngờ các đồng chí đồng đội thương yêu đã mãi nằm lại nơi này”.
Trong kí ức, cựu chiến binh Lê Đức Phong vẫn nhớ như in trận chiến năm ấy. Mỗi lần về lại nơi này, từng gốc cây, ngọn cỏ, những tiếng hô “Tiến lên!” “Xung phong!”… vẫn vang lên trong tâm trí ông. Và hình ảnh từng đồng chí, đồng đội ngã xuống nhưng vẫn khư khư ôm khẩu súng trong tư thế chiến đấu như đang diễn ra trước mắt.
Về cái tên suối Mạch Máng, người cựu binh giải thích, khi tham gia chiến đấu, ông đã được nghe người dân gọi với tên Suối Bà Cát, nhưng sau trận đánh ngày 4/5/1968 bỗng được nhân dân đổi thành suối Mạch Máng (suối Sọ).
Gọi là suối Sọ bởi vì sau đó nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng người ta còn thấy nhiều sọ người dọc theo con suối. “Có không dưới 4.000 quả trọng pháo đã được địch nhả xuống trong ngày hôm ấy. Có thể nói, đây là trận đánh kinh hoàng nhất đã diễn ra ở vùng đất Tân Bình trong suốt hai cuộc kháng chiến”.
Chiến công này cũng đã đổi bằng xương máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng bộ đội chủ lực Sư đoàn 7 và quân dân địa phương huyện Dĩ An, xã Tân Hiệp và Bình Trị thời bấy giờ. Từ đó, nhân dân đã đổi tên Suối Bà Cát thành suối Mạch Máng để khắc ghi tội ác của kẻ thù xâm lược và mãi mãi ghi công những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống.
Trở lại hồi ức trận đánh năm nào, cựu binh Lê Đức Phong kể tiếp: Hơn một ngày đêm bám trụ chiến đấu kiên cường, lực lượng chủ lực và dân quân của ta đã đánh trả hàng chục đợt tiến công của bộ binh Mỹ - VNCH với sự yểm trợ của phi cơ, pháo binh và xe thiết giáp. Chúng đã đổ xuống vùng đất này hàng trăm tấn bom đạn trong một ngày đầy máu lửa.
Kết quả, quân ta đã bắn cháy 4 xe tăng, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên giặc, bẻ gãy hoàn toàn trận càn quy mô lớn của chúng. Giờ đây, hơn 50 năm sau trận chiến, ông Phong vẫn thể quên được ký ức của những ngày chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, ông kể vanh vách như chuyện xảy ra mới hôm nào.
Nhớ về những kí ức xa xưa, ông còn nhớ như in mốc thời gian vào năm 1967, khi quân Mỹ rải chất độc da cam dioxin, cây không còn cái lá, đói rã người, không có thực phẩm ăn vì tất cả đều nhiễm dioxin, ông và đồng đội ban ngày trốn dưới hầm, ban đêm ra trận.
Chỉ tay về phía cánh rừng bạt ngàn, ông nói đó là nơi mình và đồng đội từng ẩn nấp, ở đó có Hố Lang: “Cái tên Hố lang ra đời vì thời ấy, chúng tôi trồng khoai lang ăn chống đói nên sau này đổi tên thành Hố Lang. Hố Lang là nơi chôn giữ bao nhiêu xương máu của đồng đội tôi đã hy sinh. Đội tôi có 15 người, đến lúc giải phóng còn được 2 người sống sót là tôi và 1 đồng đội khác”, ông Phong kể.
Tiếp bước đến gần tấm bia, giọng người lính năm nào run run: “ Đây là Mã 35, nơi đây vẫn còn đó như nhắc nhở thế hệ con cháu Tân Bình về tội ác chiến tranh. Tháng 3/1947, lính Pháp mở cuộc hành quân càn quét khu vực lò đường An Phú thì lọt vào ổ phục kích của ta.
Trên đường tháo chạy ngang qua ấp Tân Phước, hễ gặp đàn ông là chúng bắt theo về đồn. Đến 12 giờ trưa ngày 14/3/1947, chúng đưa 30 người bị bắt ra bắn, rồi bắt thêm 5 người khác đào huyệt và hành quyết, vùi tất cả 35 người chung một hố chôn tập thể”.
Tân Bình - vùng đất anh hùng
Trong những năm kháng chiến hào hùng của dân tộc, quê hương Tân Bình tự hào là địa bàn đứng chân của nhiều đơn vị quân dân, chính đảng tập kết trước khi vào chiến trường. Do đó, trong suốt hai cuộc kháng chiến, xã Tân Bình và Bình Trị có nhiều cơ sở cách mạng bảo vệ, đùm bọc các cán bộ cách mạng lão thành của Khu ủy miền Đông, Thủ Dầu Một, Biên Hòa và nhiều địa phương khác về đây bám trụ xây dựng và chỉ đạo phong trào, trở thành hậu phương tại chỗ ngay sát hang ổ của kẻ thù.
Từ đó, Tân Bình vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến, chấp nhận mọi khó khăn khốc liệt do kẻ thù tăng cường kìm kẹp. Có biết bao xương máu của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào địa phương và những người con ưu tú trên khắp mọi miền đất nước đã đổ xuống, tô thắm truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương Tân Bình.
Ông Lê Văn Năm (1931), người dân xã Tân Bình cho biết, ngày nay, trên con đường thênh thang chạy vào tận khu chiến trường ác liệt năm nào, với nhà cửa, ruộng vườn xanh tốt, ít ai biết rằng khi xưa đây là vùng hoang vắng, lầy lội khó đi.
Năm 2007, địa phương cho xây dựng mở rộng tuyến đường này và lấy tên là đường Mả 35 và sau đó đổi tên đường thành tên của người nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Tươi (tức Năm Lan). Cũng từ căn cứ Mạch Máng này, ngày 4/5/1968, sau một ngày cùng với lực lượng của Trung đoàn 165 chống càn ác liệt, chị Tươi đã vĩnh viễn ra đi, để lại cho đồng đội và nhân dân niềm tiếc thương vô hạn.
Ông Năm kể lại: “Chị Năm Lan tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi và hy sinh khi mới ở tuổi 28. 13 năm hoạt động cách mạng, nhưng chị đã làm nên những thành tích anh hùng. Tên của chị lúc ấy được chính quyền Mỹ - VNCH liệt vào danh sách đen đặc biệt.
Trong trận đánh cuối cùng của chị tại suối Mạch Máng, lúc tình thế ngàn cân treo sợi tóc, mặc dù bị thương nặng, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Năm Lan vẫn không cho anh em cứu chữa mà chị còn động viên anh em xông lên giết giặc trả thù cho đồng đội”.