Cầu Việt - Trung là cây cầu bắc qua suối Nậm Cúm, nối Cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu (Việt Nam) với Cửa khẩu Kim Thủy Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây là một trong những vị trí trọng điểm mà cách đây 40 năm về trước, quân xâm lược Trung Quốc đã ồ ạt tràn qua nước ta.
Ông thủng thẳng kể, tháng 5/1976, ông nhập ngũ. Sau khi tham gia huấn luyện xong, ông được điều chuyển về công tác tại Đồn 33 (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ). Tại đây, chiến sĩ Tao Văn Nó được phân công làm Tiểu đội phó Tiểu đội canh gác bảo vệ đầu cầu Việt - Trung với 12 cán bộ, chiến sĩ. Vào thời điểm tháng 6 - 7/1978, tình hình khu vực biên giới đã có những căng thẳng nhất định, phía địch đã nhiều lần có những hành động khiêu khích, ban đêm chúng thường đột nhập vào trạm để quấy rối và bắt cóc người. Tiểu đội của chiến sĩ Nó ngăn cản và kháng cự lại thì chúng đã dùng súng bắn trả làm một số chiến sĩ bị thương. Từ những hành động đó, linh tính đã mách bảo chiến sĩ Nó sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra chuyện lớn.
Và chuyện gì đến cũng đã đến. Vào khoảng 6 giờ sáng ngày 17/2/1979, trong lúc ông đang đứng gác, đồng đội của ông vẫn đang ngủ, bỗng có một “cơn mưa” pháo từ bên kia biên giới trút sang phá tan không gian yên tĩnh của buổi sáng sớm. Ông hốt hoảng kêu gọi tất cả các đồng chí trong Tiểu đội vào vị trí chiến đấu. Sau những “cơn mưa” pháo, hàng ngàn quân địch được trang bị vũ khí ồ ạt tràn sang lãnh thổ nước ta bằng cả đường bộ và đường sông.
Ông Tao Văn Nó cho biết: Với tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc đó chênh lệch quá lớn, phía địch có hàng ngàn quân với sự yểm trợ của xe tăng và pháo. Tiểu đội chúng tôi mỗi người chỉ được trang bị 1 con dao găm, 1 khẩu súng AK với 500 viên đạn và 5 quả lựu đạn mỏ vịt, 20 quả lựu đạn chày. Trước tình hình đó, chỉ huy Đồn 33 đã lệnh cho chúng tôi rút quân để đảm bảo an toàn, nhưng trong lúc “mưa bom bão đạn” như thế, chúng tôi đã bị mất liên lạc, không nhận được lệnh rút quân. Do đó, Tiểu đội chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ và đánh trả quyết liệt với quân địch.
Đến khoảng 5 giờ chiều, khi quân địch tràn sang mỗi lúc một đông không nhìn thấy ai, pháo cứ nổ ầm ầm. Các đồng chí trong Tiểu đội ai cũng hết đạn không có khả năng kháng cự nữa nên mới tự tản ra để rút vào rừng. Chiến sĩ Nó bị lọt vào vòng vây của địch. Trong lúc nguy hiểm tưởng chừng như không thể sống để quay về nữa anh đã nhanh trí nghĩ ra một kế để thoát thân. Anh đã giả là lính Trung Quốc và hét lên bằng tiếng Quan hỏa: “Tất cả anh em, các đồng chí xem đằng trước, đằng sau, nếu đằng trước đúng quân địch tất cả chạy lên đằng trước đuổi quân địch đi”. Quân địch thấy thế ồ ạt chạy về phía trước, còn chiến sĩ Tao Văn Nó từ từ lùi lại phía sau và trốn thoát vào rừng.
Ngày thứ 2 (18/2/1979), trong lúc đang trốn ở trong rừng vừa đi tìm đồng đội, vừa chờ quân tiếp viện đến thì Tao Văn Nó đã trúng phải mìn của địch và bị mảnh vỡ của mìn găm vào chân. Đến ngày thứ 4 (20/2/1979), sau khi bơi qua sông và lên được đường lớn, ông đã gặp một chiếc xe tiếp viện từ Lai Châu lên, lúc đó chiến sĩ Tao Văn Nó mới thốt lên: “Các đồng chí ơi, cứu tôi với, tôi bị thương, ngày thứ 4 rồi, đói quá rồi”. Sau đó, anh được đưa về Huyện đội Phong Thổ và được đưa đi điều trị vết thương, tuy nhiên do điều kiện lúc bấy giờ vết thương của tôi chỉ được chữa lành ngoài da, còn mảnh mìn vỡ vẫn nằm trong người.
Tiểu đội của ông đã anh dũng hi sinh, mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Còn ông, sau khi được đưa đi chữa trị vết thương, ông tiếp tục quay lại Đồn 33 công tác cho đến tháng 5/1982 thì xuất ngũ.
Mang theo mảnh đạn trong người trở về địa phương, mỗi khi trái nắng trở trời lại khiến chân ông đau nhức. Nhưng với phẩm chất anh “Bộ đội cụ Hồ” không khuất phục trước bất kỳ khó khăn gian khổ nào, ngoài việc tích cực tham gia lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình, ông còn thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn bà con trong bản kỹ thuật và kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, ông còn tích cực tham gia các công tác xã hội tại địa phương, thường xuyên khuyên dạy con cháu cũng như thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử của cha ông; khuyên dạy con cháu tập trung làm ăn, không sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, ma túy...
Trước khi chia tay, những mong muốn mà ông Tao Văn Nó chia sẻ đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với chúng tôi. Ông bày tỏ: “Mặc dù cuộc chiến không những đã cướp đi sinh mạng của nhiều người đồng đội tôi, mà còn để lại cho tôi nhiều nỗi đau về thể chất cũng như tinh thần, nhưng với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, tôi mong muốn quan hệ giữa hai nước Việt - Trung luôn luôn hữu hảo, nhân dân hai nước luôn được sống trong hòa bình, cùng nhau hợp tác làm ăn để phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đất nước mình ngày càng giàu mạnh”.