1. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi gần như là người đầu tiên biết việc hai nhà thơ đàn anh Vương Cường và Đoàn Xuân Hòa in tập thơ chung. Tất nhiên, mãi sau này, khi hai anh làm xong bản thảo, nhất là thiết kế bìa thì tôi mới biết được tập thơ mang tên “Thơ chọn” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2018. Vương Cường và Đoàn Xuân Hòa có nhiều điểm hợp nhau nhất là tính cẩn trọng, nghiêm túc trong công việc, vì thế, tôi càng thấy sốt ruột.
Trước hết mà nói, hai nhà thơ có nhiều điểm tương đồng. Cả hai cùng sinh ra và lớn lên trên đất Đô Lương, Nghệ An; dẫu Đoàn Xuân Hòa có gốc gác ở Quảng Trị nhưng anh chào đời trong không gian văn hóa xứ Nghệ, nơi có nhiều nhà thơ thành danh và nổi danh.
Khi còn sinh viên, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn quyết định, cả hai anh nhập ngũ trong một ngày, cùng trung đoàn và cùng ra trận.
Nói đến chiến trường Quảng Trị, hẳn nhiều người còn nhớ, ngày 1/5/1972, được sự viện trợ tối đa của Mỹ, chính quyền Sài Gòn dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích, mục tiêu chính là chiếm lại Thành cổ.
Ngày 14/6/1972, địch bắt đầu mở cuộc hành quân “tái chiếm lại Quảng Trị”. Đây là cuộc hành quân cực kỳ đẫm máu và tàn bạo. Ngày 28/6/1972, với sự chi viện của không quân và hải quân Mỹ, các sư đoàn chủ lực của quân đội chính quyền Sài Gòn ồ ạt tiến công.
Ngày 27/5/1972, hai người lính trẻ Vương Cường và Đoàn Xuân Hòa lên đường hành quân vào chiến trường. Đó là những ngày “đường ra trận mùa này đẹp lắm” như nhà thơ Trường Sơn Phạm Tiến Duật đã viết. “Thành cổ Quảng Trị ngày ấy là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa. Quân địch được trang bị vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh.
Quân số giữa ta và địch chênh lệch rất lớn. Trong những năm tháng chiến đấu tại đây, nhiều đồng đội của chúng tôi đã anh dũng ngã xuống, phần lớn không giữ được hình hài nguyên vẹn”, nhà thơ Vương Cường nhớ lại.
Chân dung nhà thơ Đoàn Xuân Hòa |
Những ngày hành quân gian khổ trên trùng điệp Trường Sơn, những trận đánh ác liệt, chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trên những “điểm chốt” đó và cả sau này trên đường hành quân cho đến ngày giải phóng, in đậm trong thơ hai anh.
2. Trong gia tài thơ của mình, Vương Cường có một mảng rất quan trọng là thơ thời chiến và hậu chiến viết rất hay, rất thấm về người lính.
Vương Cường làm thơ, đến với thơ từ rất sớm. Anh đã in ba tập thơ: “Bài hát đi tìm một người” – Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, năm 1997; “Đám mây hình thiếu phụ”- Nhà xuất bản Văn học, năm 2010; “Canh chừng lãng quên” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2016 trước khi in chung “Thơ chọn” cùng nhà thơ Đoàn Xuân Hòa.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong lời tựa của tập thơ “Canh chừng lãng quên” của Vương Cường đã viết rằng: “Không ai giao cho anh cái gánh nặng vết thương lòng, nhưng Vương Cường đã tự nguyện mang vác nó cho tới ngày chung cuộc.
Thơ anh đầy ắp những vết thương chiến tranh, dù cỏ đã phủ xanh, anh vẫn không thể quên “những tiếng cười rỏ máu”, những “câu thơ bị thương/lấp lánh”... Đó không chỉ là cuộc chiến tranh đã qua nhưng chưa bao giờ ra khỏi chính anh, mà nó còn là một cuộc chiến khác về lòng tự hào và sự ăn năn của những người còn sống”.
Vương Cường nhiều lần nhắc đi nhắc lại về sự hy sinh. Những linh hồn sống, những nghĩa trang và những bóng ma luôn đào xới xoáy sâu vào cõi tâm linh thi sĩ. “Tôi mơ”, “Cõng bạn đi chơi”, “Người chết hai lần chưa trọn cuộc đi”, “Bài thơ thầm ở Thành cổ”, “Lời đêm”, “Thăm đồng đội cũ”…
Chiến tranh đã lùi xa nhưng với nhà thơ Vương Cường vẫn luôn ám ảnh “Ở một chân trời nào đó” và “Giật mình nghe tiếng gió” đến nỗi “Một sớm mai thấy mình tóc bạc trắng”. Đây đều là những tứ thơ độc đáo giàu sức lay động, neo giữ hồn người.
Nhà thơ Vương Cường là người lính đi qua chiến tranh “Chỉ có pháo bắn thật gần/mới được cười thoải mái/bom nổ loạt thật dài/mới hát hết một câu…”, “và đội hình chúng tôi vượt qua/hàng dọc/thành một dấu cộng/mặt trời khi ấy chưa lên”.
Nhưng anh luôn có niềm tin mãnh liệt “Mặt trời sẽ lên thôi/chúng tôi đẩy mặt trời lên/để nhìn rõ Sài Gòn phía trước/để viên đạn bay đi khỏi lạc/bầy chim xòe quạt đón mặt trời”- (Khi ấy mặt trời chưa lên).
Bài thơ này anh viết khi đang cùng đồng đội vượt sông Đồng Nai, tiến vào giải phóng Sài Gòn, sáng 30/4/1975. Với một người lính khát khao cuộc sống bình yên, luôn dự cảm về hòa bình, không có lý do gì dân tộc không chiến thắng.
Thời gian luôn cần độ lùi để nhìn ra những giá trị. Nhà thơ Vương Cường đã và đang chắt lọc giá trị trong những bài thơ rất riêng và ám ảnh. “Có thể tôi kỹ tính chăng, nhưng tôi quan niệm thơ phải là sự khác biệt.
Nếu mà anh viết cũng giống tôi thì chẳng sinh ra thêm một nhà thơ nữa làm gì. Mỗi người thơ phải đi một con đường sáng tạo riêng để đến với thi ca. Vì thế tôi không thích dạng thơ vần điệu, thơ công thức”, Vương Cường tâm sự về sáng tạo thi ca của anh.
3. Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa trải lòng, “những ngổn ngang, ám ảnh, những xúc cảm không thể kìm nén, chẳng biết để vào đâu thì bật ra thành thơ vậy”. Trước “Thơ chọn”, nhà thơ Xuân Hòa cũng mới in 3 tập thơ riêng: “Lửa không cần trang phục”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 1994; “Phù sa lắng”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2002; “Bơi cùng sóng bạc đầu”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2017.
Là người lính được động viên vào những năm tháng ác liệt, đến năm 1975, Đoàn Xuân Hòa ra quân, quay về học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Những tưởng mọi sự đã bình lặng, chẳng ngờ cuộc đời anh lại thêm một “khúc quanh” đầy thử thách nữa.
Đến năm 1979, khi xảy ra Chiến tranh Biên giới, Đoàn Xuân Hòa tái ngũ. Lần làm lính thứ hai của anh kéo dài thêm 6 năm. Đến năm 1985, anh ra quân khi đang mang quân hàm Thượng úy.
Với Đoàn Xuân Hòa, “Sống sót qua chiến tranh/Với cha là đã lãi” và anh không khỏi ngậm ngùi khi nhớ “Bao bạn bè nằm lại/ Thay cha làm cỏ xanh”. Đó là 4 câu thơ được trích từ bài thơ gan ruột “Nói với con về tổ ấm” của anh.
Với Đoàn Xuân Hòa, Quảng Trị và đồng đội, chiến tranh và người lính luôn là một ký ức lớn. Và từ trong ký ức lớn ấy, anh luôn nhìn nhận ra thân phận con người, cũng lớn không kém. Anh bảo: “Tôi đã nhận thấy Mẹ Tổ quốc hiện thân cụ thể, sinh động qua một người đàn bà và tôi đã triển khai tứ thơ “Người đàn bà đội nước”: “Người đàn bà đội lên đầu/ Những vò đất nung/ Vẹn nguyên hình hài nước/ Dọc miền Trung/ Áo đất vàng cỏ cháy/ Tre trơ xương...”.
Bài thơ này, anh viết năm 2000, sau khi chiến tranh đã đi qua nhiều năm và là 1 trong 2 bài thơ đoạt giải B cuộc thi thơ 1998 – 2000 mang tên “Chào thế kỷ 21” của Báo Văn nghệ.
Cho đến bây giờ, Đoàn Xuân Hòa vẫn nghe “Ú ớ gọi nhau hò hét xung phong/Đạn như thóc vãi trời sao chi chít/Ngực bị nén như căn hầm vừa sập/Tay quờ quạng đêm rụng trắng hai vai” – (Đêm ngủ ở Đông Hà). Anh mang nặng nỗi ám ảnh lớn nên dù sống ở đâu, làm gì… Đoàn Xuân Hòa cũng đau đáu phận người.
Đó là thân phận của tình yêu “Đá mồ côi rụng xuống biển Đông/ Thay đầu chị ngàn lần mang tội chết/ Tình yêu viển vông chị đâu có biết/ Lông ngỗng trắng đường, tang tóc sau lưng”- (Đêm Mỵ Châu).
Đó là thân phận của những cựu chiến binh: “Ngày trở trời vết thương cũ quặn đau/ Nhưng không thể đau bằng những đứa con nheo nhóc/ Tiền là đạn bắn chỉ thiên cho các con ăn học/ Những giảng đường học phí tính bằng trâu” – (Đồng đội tôi ra trận thời bình). Đó là thân phận của những em gái thời kinh tế thị trường: “Chiều sông Tiền chưa lặng gió mưu sinh/ Lá vé số rải dày mặt đất/ Làm mát xa chuyển dịch nghề tầm quất/ Em nghĩ gì/ Mênh mang, mêng mang…”- (Em có về sông Hậu).
Sự ám ảnh luôn thôi thúc làm trăn trở trái tim nhà thơ về thân phận con người, về cuộc sống của thời hậu chiến. “Người đàn bà đội nước” và “Lời rao than tổ ong” là 2 trong 35 bài thơ của nhà thơ Đoàn Xuân Hòa trong “Thơ chọn” thật ấn tượng.
Con người quê kiểng nhẫn nại và chất phác, vô tư và hồn hậu, cật vật kiếm sống. Họ làm ta xúc động đến xót xa: “Ai mua than tổ ong đây!/Những tổ ong không mật/Lời rao cong dáng lưng gò gập/Bánh xe lăn nghiêng ngả thị thành”.
Những câu thơ như có góc cạnh, xù xì, sắc bén cứa vào trái tim người đọc. Tình thương ứa máu chảy tràn ra ngoài thành câu chữ.
“Văn học là nhân học” hay “Văn là người” từ lâu đã thành câu nói cửa miệng. Nhưng ngẫm cho cùng, văn thơ chỉ là một phần của người, phần hồn, phần tinh túy của tâm hồn. Tất nhiên có thơ hay và thơ không hay, cái đó lại còn thuộc tài năng của mỗi người. Vương Cường và Đoàn Xuân Hòa đã cho người đọc nói chung và bạn yêu thơ nhận diện ra phần “tinh túy” và khác biệt.