Văn hóa & Pháp luật

Trăn trở sự xuống cấp của các thiết chế Văn hóa TP HCM: Cần có quy định mới để khuyến khích nguồn lực xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ rất nhiều năm nay, vấn đề xuống cấp các cơ sở văn hóa, thiếu các thiết chế văn hóa xứng tầm đã là trăn trở của các lãnh đạo TP HCM. Để thay đổi, có lẽ cần sự vào cuộc của các nguồn lực xã hội mà sự thay đổi của quy định pháp luật là yếu tố cần quan tâm đến hàng đầu.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong những bảo tàng hiếm hoi ở TP HCM có cơ sở vật chất mới, đi vào hoạt động hiệu quả.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong những bảo tàng hiếm hoi ở TP HCM có cơ sở vật chất mới, đi vào hoạt động hiệu quả.

Nỗi buồn xuống cấp cơ sở văn hóa

Một thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay, tuy TP HCM là một trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước, nhưng hệ thống các thiết chế văn hóa ở tình trạng hết sức “thê thảm”: Không chỉ thiếu mà còn xuống cấp nghiêm trọng, khiến cho người dân thành phố chưa được thực sự thụ hưởng đầy đủ nhiều giá trị văn hóa cần có. Để xảy ra tình trạng này là bởi cái “yếu” trong khâu đầu tư phát triển thiết chế văn hóa.

Ghi nhận thực tế cho thấy, trên địa bàn TP HCM hiện nay hệ thống thiết chế văn hóa các cấp đang dần xuống cấp, đa số đều sử dụng cơ sở vật chất cũ đã có từ trước 1975, nhiều đơn vị nghệ thuật không có rạp hát đúng chuẩn để phát huy hiệu quả hoạt động, thiếu trang thiết bị và thiếu đội ngũ cán bộ có năng lực.

Thống kê cho thấy, hiện TP HCM có trên 11 sân khấu kịch và khoảng 20 địa điểm có thể phục vụ tốt biểu diễn nghệ thuật đang hoạt động trên địa bàn. Trong số này, 5 nhà hát có thể đáp ứng được yêu cầu của hoạt động biểu diễn là Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Quân đội, Nhà hát Thành phố và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Riêng lĩnh vực Múa, TP HCM có khoảng 50 đoàn múa với khoảng 46 vũ đoàn tư nhân, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một địa điểm nào dành riêng cho loại hình này.

Trong lĩnh vực sân khấu, ngoài các đơn vị công lập, nhiều đơn vị làm nghệ thuật tư nhân cũng rơi vào khó khăn khi không có được một nơi biểu diễn ổn định. Nhiều sân khấu lớn, đóng góp nhiều cho ngành sân khấu TP HCM như sân khấu Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, Sân khấu Nhỏ... phải chịu cảnh di dời, ngưng hoạt động vì thiếu cơ sở vật chất và nhiều yếu tố khác, dẫn đến sự suy yếu của ngành sân khấu TP trong những năm gần đây.

Bên cạnh công tác biểu diễn nghệ thuật, các thiết chế văn hóa đọc, trưng bày... cũng đa phần xuống cấp. Ví dụ, Thư viện Khoa học tổng hợp TP HCM xây từ trước 1975 nay đã cũ kỹ, lạc hậu. Hệ thống bảo tàng trên địa bàn TP HCM hầu hết tận dụng cơ sở vật chất cũ từ trước 1975 và không phát triển được nhiều, không mấy phát huy được vai trò của mình mà chỉ hoạt động cầm cự. Trong số các bảo tàng ở TP HCM hầu như chỉ có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được xây mới và có nhiều hoạt động hiệu quả, thu hút du khách.

Là điểm để phát triển đời sống văn hóa cho người dân ở cơ sở, nhưng hệ thống các nhà văn hóa quận, huyện TP HCM nhiều nơi cũng đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc chưa phát huy hết vai trò của mình. Trung tâm văn hóa TP HCM nhiều năm qua chỉ đáp ứng chức năng hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu hoạt động tại chỗ cho người dân. Đây đáng ra là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa của TP nhưng nay đã xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, chưa được đầu tư đồng bộ, không thể đáp đáp ứng nhu cầu để tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Con người cũng là một trong những vấn đề không nhỏ trong các thiết chế văn hóa của thành phố. Hiện nay trình độ quản lý nghệ thuật của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn chưa bắt kịp được sự phát triển sôi động của ngành nghệ thuật biểu diễn theo hướng thị trường hóa. Thời đại 4.0 nhưng nhiều tiêu chuẩn quản lý đã lỗi thời, năng lực giám sát và điều chỉnh của người làm công tác quản lý chưa được đào tạo, cập nhật đầy đủ. Nhiều trường hợp, các chính sách, quy định ban hành chậm hơn cả thực tiễn và phải liên tục điều chỉnh cho phù hợp.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại TP HCM vẫn chưa có đột phá trong 10 năm trở lại đây.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại TP HCM vẫn chưa có đột phá trong 10 năm trở lại đây.

Thiếu các thiết chế văn hóa xứng tầm

Nhiều năm qua, thiết chế văn hóa dành cho những ngành nghệ thuật chuyên nghiệp, nhất là nghệ thuật dân tộc và nghệ thuật hàn lâm chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí không mấy phát triển. Cho đến nay, ngay cả giới nghệ sĩ và các lãnh đạo thành phố vẫn phải thừa nhận rằng, TP HCM thiếu những công trình lớn, xứng tầm để tổ chức những chương trình biểu diễn hàn lâm, đẳng cấp ở tầm quốc gia và quốc tế. Rất nhiều chương trình quy mô, những lễ kỉ niệm thiêng liêng của thành phố hiện nay hầu như được tổ chức biểu diễn ở sân khấu là... phố đi bộ Nguyễn Huệ vì chỉ có địa điểm này mới đủ sức chứa đáp ứng nhu cầu.

Số liệu từ Cục Thống kê TP HCM cho thấy, doanh thu ngành nghệ thuật biểu diễn tăng qua các năm, trong đó năm 2010 đạt 532 tỉ đồng, đến năm 2015 tăng lên 799 tỉ đồng và năm 2019 trên 1.000 tỉ đồng. Phần lớn là doanh thu từ các đơn vị ngoài nhà nước, doanh thu từ các đơn vị nhà nước chiếm tỉ trọng rất thấp. Tỉ lệ đóng góp của ngành nghệ thuật biểu diễn vào sự phát triển kinh tế của TP còn khiêm tốn, chưa tương xứng với vị trí vai trò của ngành. Năm 2010, ngành nghệ thuật biểu diễn chỉ đóng góp 0,07% cho GRDP và từ năm 2011-2018 vẫn giữ tỉ lệ 0,06% GRDP toàn TP, đến năm 2019 tăng lên bằng năm 2010 với 0,07%. Thống kê này cho thấy ngành nghệ thuật biểu diễn chưa có sự đột phá trong gần 10 năm gần đây, trong đó, sự thiếu thốn cơ sở vật chất, thiếu các thiết chế văn hóa phục vụ hoạt động nghệ thuật cũng là một trong các nguyên nhân quan trọng. Số liệu cũng cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa hoạt động nghệ thuật công lập và ngoài công lập và để phát triển hoạt động nghệ thuật của TP HCM, không thể thiếu sự đóng góp của các đơn vị hoạt động nghệ thuật tư nhân.

Mới đây, khi tiếp đoàn kiểm tra, khảo sát của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ năm 2022, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải đã thẳng thắn thừa nhận việc thiếu các thiết chế văn hóa xứng tầm đang là điều trăn trở lớn của TP. Lãnh đạo TP HCM vẫn rất quyết tâm và nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa không chỉ của nhân dân TP HCM mà còn của người dân cả nước và du khách, tuy nhiên, TP HCM cần được hỗ trợ các chính sách đặc thù để tăng cường xã hội hóa hoạt động văn hóa.

Thực tế, vấn đề yếu và thiếu các thiết chế văn hóa đã được đặt ra từ nhiều năm nay, được đem ra mổ xẻ trong nhiều hội thảo khoa học, ghi nhận nhiều đóng góp xác đáng của các nhà nghiên cứu, nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa mấy khởi sắc.

Có lẽ, thời gian tới, thành phố cần huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động văn hóa, cùng chung tay vào xây dựng các thiết chế văn hóa mới có thể đem lại sự thay đổi mạnh mẽ như mong muốn.

Về điều này, Phó Bí thư Nguyễn Hồ Hải cũng đưa ra nhận định, với các quy định quản lý tài sản công, các hình thức liên danh, liên kết khai thác hoạt động văn hóa hiện nay là rất khó. Chính vì vậy, vấn đề rất cần thiết hiện nay là nên có những quy định pháp luật mới để khuyến khích nguồn lực xã hội làm văn hóa.

TP HCM đã xây dựng Đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố đến năm 2030” với mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, xây dựng TP HCM trở thành thành phố văn hóa. Để trở thành một thành phố văn hóa, nhất định không thể tiếp diễn tình trạng thiếu, yếu, xuống cấp của các thiết chế văn hóa và thiếu các thiết chế xứng tầm với nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân. Chỉ có những quyết sách mạnh mẽ, những thay đổi phù hợp về quy định pháp luật mới mong đem đến sự đổi thay toàn diện cho không gian văn hóa thành phố mang tên Bác trong thời gian tới.