Trăn trở "vừa chạy vừa xếp hàng"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Quốc hội có ý kiến đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc ở bậc trung học phổ thông trong Chương trình phổ thông mới thay vì là môn lựa chọn. Trong khi, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã mất nhiều năm chuẩn bị với môn Sử liệu có bị “vỡ trận”?
Nhiều việc phải làm nếu môn Sử THPT mới không còn là môn “lựa chọn” theo định hướng nghề nghiệp. (Ảnh minh họa)
Nhiều việc phải làm nếu môn Sử THPT mới không còn là môn “lựa chọn” theo định hướng nghề nghiệp. (Ảnh minh họa)

Đề nghị môn Sử THPT trở lại… bắt buộc

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, môn Lịch sử cần được xác định vị trí đặc biệt quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông theo đúng tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng tinh thần Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, đồng thời bảo đảm mục tiêu “chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử…”, hình thành nhân cách, lòng yêu nước, sự hiểu biết, nhận thức về truyền thống dân tộc của học sinh và cho thế hệ trẻ.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, đội ngũ chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội, quy định môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với môn học; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử. Bộ GD-ĐT cần tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, Chương trình môn Lịch sử nói riêng để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện.

Liên quan đến đề nghị đưa môn Lịch sử thành môn bắt buộc trong chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT cho biết, đơn vị đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và Dự thảo chương trình các môn học được đăng tải, xin ý kiến toàn dân trong năm 2017, 2018.

Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân và ý kiến của chuyên gia ở trong và ngoài các Hội đồng thẩm định, Bộ đã báo cáo Ban Tuyên giáo T.Ư, xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các tổ chức có liên quan. Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành.

Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay học sinh vốn lười học Lịch sử hay buộc phải học để nhằm mục đích thi cử.

Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay học sinh vốn lười học Lịch sử hay buộc phải học để nhằm mục đích thi cử.

Bộ GD-ĐT khẳng định, cách sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia. Tuy nhiên, sau khi có các ý kiến về việc môn Lịch sử là môn bắt buộc hay tự chọn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới và môn Lịch sử bậc THPT. Riêng với việc dạy học môn Lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định, bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Từ lớp 10, học sinh sẽ học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu người học vừa đảm bảo phù hợp điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các nhà trường.

Đây là điểm mới, áp dụng cho học sinh lớp 10 năm đầu tiên năm học 2022-2023. Trước khi Bộ GD-ĐT ban hành chương trình GDPT mới, đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về việc đưa bộ môn Lịch sử vào nhóm môn tự chọn. Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay học sinh vốn lười học Lịch sử hay buộc phải học để nhằm mục đích thi cử. Nếu giờ đây, chương trình mới áp phương thức lựa chọn, liệu sẽ có bao nhiêu em chọn bộ môn này để theo học. Nếu không có học sinh chọn Lịch sử hay rất ít em chọn liệu môn học này có bị xóa sổ một lần nữa được đặt ra…

Thầy cô có kịp “ trở tay”?

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là khi sắp triển khai chương trình GDPT mới ở bậc THPT, vẫn còn không ít học sinh hoang mang, không hiểu về chương trình. Nhiều ý kiến cho rằng, sau khi công bố chương trình GDPT mới đến nay, Bộ GD-ĐT đã buông lỏng, không tổ chức truyền thông một cách hiệu quả, có trách nhiệm đầy đủ cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ chương trình mới sẽ thế nào, có gì khác biệt hay các em cần chuẩn bị tâm thế ra sao để lựa chọn? Khi xã hội không hiểu hoặc hiểu mù mờ, sẽ có phản ứng như hiện nay là điều dễ hiểu.

Việc tập huấn cho giáo viên cũng tổ chức qua hình thức trực tuyến nên một số thầy cô chưa hiểu rõ về chương trình. Trong khi thầy cô là những người quyết định thành bại chương trình mới, cũng là người tư vấn cho phụ huynh, học sinh hiểu. Chưa kể, các nhà trường cần thông báo công khai để học sinh lớp 9 tìm hiểu, lựa chọn thử. Từ kết quả đó, nhà trường sẽ nắm bắt được môn học nào các em chọn ít, chọn nhiều để có thể chủ động và đưa ra giải pháp điều chỉnh.

Điều các nhà trường và các ý kiến lo ngại hiện nay là đến năm học mới, khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc thì chương trình và SGK lại phải thay đổi theo và thiết kế Chương trình phổ thông mới ở bậc THPT sẽ gần như bị “vỡ trận”. Thời điểm này, các trường THPT đã xây dựng các mô hình lớp học theo tổ hợp các môn cho học sinh lựa chọn đều hoang mang, vì không biết số phận môn Lịch sử như thế nào?

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng việc xây dựng, thiết kế chương trình giáo dục phổ thông mới trong đó phân chia môn học bắt buộc và môn học lựa chọn như hiện nay là hợp lý với Luật Giáo dục 2019, Nghị quyết 29.

Do đó, với đề nghị mới nhất của các cơ quan về việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có 2 khả năng xảy ra. Khả năng thứ nhất là giữ nguyên chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành, điều chỉnh môn Lịch sử từ môn lựa chọn thành môn bắt buộc ở bậc trung học phổ thông.

Khả năng thứ hai là phải cấu trúc lại toàn bộ từ chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng như chương trình của môn học này. Bởi cách thiết kế bài học như hiện nay không thể xem đó là nội dung bắt buộc với tất cả học sinh được, vì sẽ dẫn đến tình trạng quá tải với số lượng lớn học sinh THPT khi các em đã có định hướng phân hóa.

Cùng với đó, trong bối cảnh năm học mới sắp đến, yêu cầu đưa môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc, khi đó các chuyên gia cũng không thể xóa đi, xây dựng lại chương trình mới chỉ trong thời gian 3 tháng để kịp cho năm học mới 2022-2023. Thay vào đó, có thể chuyển một phần của chương trình Lịch sử bậc THCS sang chương trình THPT đảm bảo theo cấu trúc tiếp nối. Vì Lịch sử ở bậc THPT được thiết kế gồm các nội dung, kiến thức nâng cao.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với môn Lịch sử cấp THPT cũng cho biết, bà đồng tình khi cho rằng phải thay đổi nội dung, phương pháp dạy học môn Lịch sử để tạo sự yêu thích, hứng thú cho học sinh khi học môn học này. Tuy nhiên, không phải vì học sinh không yêu thích mà bắt buộc các em phải học môn Lịch sử khi đã lên đến cấp THPT.

Theo bà Thuý, việc xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã mất nhiều năm chuẩn bị và thực hiện. Do đó, đại biểu này cho rằng, việc sửa môn Lịch sử thành bắt buộc không đơn giản như gõ bàn phím, thay từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” là xong”.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, nếu sửa chương trình môn Lịch sử thành bắt buộc ở cấp THPT thì phải sửa cả chương trình môn học này ở cấp THCS vì hiện nay chương trình phân môn Lịch sử ở cấp học này đã đưa toàn bộ những nội dung nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi về lịch sử Việt Nam và thế giới.

Nếu bắt buộc ở cấp THPT, nghĩa là dạy học bắt buộc là đại trà. Do vậy, nếu đưa chương trình môn Lịch sử vốn được thiết kế, biên soạn theo hướng lựa chọn, phân hóa, “nâng cao” ở cấp THPT để bắt tất cả học sinh học là hoàn toàn không phù hợp. Hiện chỉ còn 3 tháng nữa là năm học mới bắt đầu, đây cũng là năm đầu tiên đổi mới dạy học theo hướng lựa chọn với lớp 10, trong đó có môn Lịch sử. Vì thế, sửa môn Sử vào bối cảnh này có phù hợp không hay là “đẽo cày giữa đường”? - bà Thúy đặt câu hỏi.

Và như thế, môn Sử theo Chương trình GDPT mới, đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng, chương trình sẽ ra sao? Năm học mới, câu chuyện “vừa chạy, vừa xếp hàng” với môn Sử lớp 10 là điều khó tránh khỏi…

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (Hà Nội), không quá lo lắng về việc có ít học sinh lựa chọn môn Lịch sử. Bởi những năm qua, trong chương trình hiện hành, học sinh đăng ký tổ hợp Khoa học tự nhiên - Khoa học xã hội có tỷ lệ tương đương nhau (47-53%). Dù hiện nay chưa có khảo sát học sinh lớp 9 lên 10 nhưng từ thực tế đó dự báo, học sinh sẽ lựa chọn cân đối các môn tự chọn ở cả hai nhóm.

Đọc thêm