Non xanh nước biếc
Nằm ở cực Nam của Đồng bằng châu thổ sông Hồng và cách Hà Nội 96 km theo hướng Đông Nam, quần thể danh thắng Tràng An hiện ra là một vùng non nước, thiên nhiên kỳ bí và không bị ảnh hưởng nhiều bởi các hoạt động của con người. Đáy nước trong xanh, không khí trong lành, rừng rậm còn hoang sơ, vách núi đá trùng điệp. Từ đó, đã tạo nên một khu vực hòa lẫn giữa thiên nhiên và văn hóa, với ba khu là khu di tích lịch sử văn hóa tâm linh Cố đô Hoa Lư, núi chùa Bái Đình, khu Danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư.
Quần thể hang động nơi đây còn được ví như một trận đồ bát quái với nhiều dãy núi, hồ nước, hang động khi có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện. Trong đó, có những hang xuyên thủy dài 2 km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây… Mỗi hang là một vẻ đẹp đặc trưng, mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước.
Tràng An nhìn từ trên cao |
Hòa quyện với cấu trúc và vẻ đẹp non xanh, nước biếc đó, nơi đây còn là thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm khắp cảnh quan, quanh năm có sương sớm, mây chiều, khí núi thoắt ẩn, thoắt hiện. Tại đây, thảm thực vật nguyên sinh phát triển rậm rạp trên đá vôi, bám cả vào vách đá và đỉnh núi với những chú dê lớn nhỏ đang mải mê gặm cỏ ở các thung lũng, trâu đầm mình trong nước trên các bãi phù sa…
Cùng những ngôi chùa, đền, phủ tựa mình bên vách đá với mái ngói cổ kính, rêu phong, trầm mặc tạo ra một yếu tố văn hóa kín đáo, trang nghiêm, gợi đến sự vĩnh hằng trong tín ngưỡng tâm linh. Tất cả đã pha trộn với nhau để tạo lên tác phẩm là một Tràng An nhiều màu sắc, đa dạng và đầy sức quyến rũ khó cưỡng.
Tràng An còn gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư |
Không những vậy, Tràng An còn gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư. Theo sử sách, vào năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Kinh đô Hoa Lư được phân chia thành 4 thành gồm: Đông – Tây – Nam – Bắc. Trong đó, có Thành Nam rộng lớn, là vùng núi cao hiểm trở để phòng thủ, che chở kinh thành, hiện được gọi là Tràng An. Và kinh đô Hoa Lư một thời từng được ví như một kinh đô đá với đặc điểm núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện.
Tràng An thay đổi diện mạo du lịch Ninh Bình
Thưởng ngoạn khung cảnh đặc sắc nơi đây mà ít ai biết rằng, từ xa xưa, cả vùng đất này là ruộng nước sình lầy "chiêm khê, mùa thối", xen kẽ là những dải đồi trọc, núi đá, một thời được mệnh danh là vùng đất "bốn B" (buồn, bực, bụi, bẩn), vì nghề chính của người dân là phá núi lấy đá đốt vôi làm vật liệu xây dựng.
Hoàng hôn buông xuống quần thể danh thắng Tràng An |
Thế nhưng, ngày nay, với diện tích 12.254 ha, Quần thể danh thắng Tràng An bao gồm nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được nhận diện. Ðó là 29 di tích lịch sử cấp tỉnh, 20 di tích cấp quốc gia, tiêu biểu là khu du lịch sinh thái Tràng An; khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư; Tam Cốc - Bích Ðộng. Bên cạnh đó, hàng nghìn héc-ta rừng đặc dụng xanh ngút ngàn, hút hồn du khách thập phương tìm đến du lịch tâm linh tại Ninh Bình, nhất là từ năm 2014, tổ chức UNESCO công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Chỉ tính năm 2018, Tràng An đã đón trên 6,25 triệu lượt khách trong nước và quốc tế, trong tổng số 7,3 triệu lượt khách du lịch đến Ninh Bình. Doanh thu du lịch cho tỉnh Ninh Bình lên tới đạt 3.200 tỷ.
Tràng An làm thay đổi hoàn toàn diện mạo du lịch Ninh Bình |
Nếu như trước đây người dân địa phương chủ yếu làm nông nghiệp, thì từ khi du lịch phát triển, với trên 2.000 đò thuyền do Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường làm chủ sở hữu và người dân trực tiếp quản lý đã có rất nhiều người dân địa phương và vùng lân cận đã về đây tham gia vào việc chèo đò đưa khách.
Theo đó, với vé người lớn là 150.000đ/lượt/người; trẻ em cao dưới 1,4m vé là 80.000đ/người/lượt; giá vé hướng dẫn viên là 300.000đ/tour. Du khách đến Tràng An sẽ được ngồi trên những con thuyền truyền thống lướt nhẹ qua các dãy núi, ngắm nhìn làn nước trong vắt tới đáy, khám phá những hang động kỳ bí, được trải nghiệm sự gắn kết gần gũi với môi trường và tận hưởng cảm giác thanh bình của khu danh thắng. Do đó, chèo đò phần nào đã góp phần làm gia tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho bà con, nâng cao kỹ năng và tăng cường hiểu biết về văn hóa, xã hội cũng như ngôn ngữ.
Bà Phạm Thị Hoa (50 tuổi, quê Hà Nam) cho biết, ở quê làm ăn khó khăn, gần 10 năm nay, bà đã cùng chồng con về Tràng An “lập nghiệp” bằng nghề chèo đò. Tràng An không chỉ giúp gia đình bà có thêm thu nhập mà chính mỗi lần chèo đò đưa khách thăm quan là mỗi lần bà Hoa được mở rộng tầm mắt chiêm ngưỡng, tăng sự hiểu biết của mình về từng cảnh vật nơi đây. Bởi vậy, du khách khi đi đò của bà Hoa, họ không những cảm nhận được sự đôn hậu, tận tình, chu đáo từ người chèo đò mà còn được bà giới thiệu chi tiết, tỉ mỉ về những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp có ở Tràng An.
Du khách trên thuyền thưởng ngoạn vẻ đẹp của Tràng An |
Bởi vậy, về với Tràng An hôm nay, du khách không những được ngược dòng thời gian trở về với nét vàng son của lịch sử mà còn được hòa mình vào trong văn hóa tâm linh truyền thống hay bồng bềnh trên những con thuyền nhỏ.
Năm du lịch quốc gia 2020 là sự kiện tiêu biểu ở Ninh Bình, là cơ hội quảng bá Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương đối với bạn bè quốc tế. Đây cũng chính là cơ hội để Tràng An tỏa sáng hơn nữa, khẳng định vai trò đúng đắn của một biểu tượng du lịch tại Ninh Bình.