Trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho nữ vận động viên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nội dung trên được chia sẻ trong chương trình Truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ vận động viên diễn ra vào chiều 17/04, tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia.

Đây là hoạt động hỗ trợ các nữ vận động viên có thêm kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ và do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Cục Thể dục Thể thao- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Các nữ vận động viên chia sẻ tại chương trình Truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ vận động viên (Ảnh-PV)

Các nữ vận động viên chia sẻ tại chương trình Truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nữ vận động viên (Ảnh-PV)

Hàng năm, tại Việt Nam có rất nhiều vận động viên giã từ sự nghiệp thi đấu, trong đó có những người từng giành thành tích cao tại các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Theo số liệu của Cục Thể dục thể thao công bố tại Chương trình giao lưu trực tuyến “Hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho vận động viên thể thao” tổ chức cuối năm 2020, chỉ có 15 - 20% các tuyển thủ quốc gia, các vận động viên xuất sắc đã trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất sau khi dừng thi đấu thể thao chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, ước tính có khoảng 60 - 70% số vận động viên từng là tuyển thủ cấp tỉnh trở lên, có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp thể thao đã bắt đầu làm những công việc không liên quan đến kỹ năng mà họ từng được huấn luyện.

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhận định khởi nghiệp không phải là việc quá khó, yêu cầu phải có nhiều tiền hoặc kỹ năng chuyên môn sâu. Bất cứ ai đều có thể khởi nghiệp và trong số vận động viên chúng ta ngồi đây chắc chắn có người đã từng khởi nghiệp hoặc có ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, khởi nghiệp không phải luôn thành công. Ngoài những thách thức thường gặp phụ nữ khởi nghiệp còn phải đối mặt với nhiều rào cản định kiến giới, trách nhiệm với gia đình, con cái...

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chia sẻ tại chương trình (Ảnh-PV)

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chia sẻ tại chương trình (Ảnh-PV)

Thông qua chương trình truyền thông, Hội LHPN Việt Nam mong muốn được đồng hành cùng chị em trong quá trình chuẩn bị cho tương lai thông qua việc cung cấp cung cấp một số kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, qua đó giúp nữ vận động viên suy nghĩ, tìm ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch để một ngày không xa biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và thành công. Đồng thời, phát động Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2024 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”.

“Tôi mong muốn các nữ vận động viên hãy chuẩn bị cho mình một hành trang thật vững chắc cho giai đoạn tương lai – khi dừng thi đấu chuyên nghiệp. Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là một sự lựa chọn tốt, có thể tạo cho chị em nhiều cơ hội phát triển bản thân và ổn định cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ.

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam nhận định nữ vận động viên hiện nay có 3 thế mạnh nổi trội có thể tận dụng trong khởi nghiệp (Ảnh-PV)

Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam nhận định nữ vận động viên hiện nay có 3 thế mạnh nổi trội có thể tận dụng trong khởi nghiệp (Ảnh-PV)

Nói về thế mạnh của nữ động viên trong hành trình khởi nghiệp, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam nhận định nữ vận động viên hiện nay có 3 thế mạnh nổi trội. Thứ nhất, nữ vận động viên có sẵn thế mạnh về sức khỏe, kinh nghiệm khi tham gia hoạt động thể thao và có thể tận dụng những điều đó vào trong quá trình khởi nghiệp. Thứ hai, các chị em đã có cơ hội được ra nước ngoài thi đấu và có cho mình những góc nhìn ở nước ngoài. Thứ ba, một số nữ vận động viên đã có sẵn hình ảnh thương hiệu và tương đối nổi tiếng. Đó là ba thế mạnh nữ vận động viên có thể tận dụng khi khởi nghiệp để tạo ra những ý tưởng độc đáo.

Trong thực tế, đã có những nữ vận động viên vượt qua các rào cản đó để khởi nghiệp thành công và trở thành những nữ doanh nhân, nữ chủ doanh nghiệp thành đạt. Ví dụ như: Nhà vô địch SEA Games 30 ở nội dung chạy trung bình dài, vượt chướng ngại vật Nguyễn Thị Oanh từng khá thành công với việc kinh doanh giày thể thao. Nhà vô địch nhảy xa ASIAD 2018 Bùi Thị Thu Thảo kinh doanh dịch vụ ăn uống tại Ba Vì (Hà Nội).

Sau hơn 5 năm phát động cuộc thi khởi nghiệp, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức cung cấp kiến thức, thông tin và hỗ trợ ngày càng đa dạng đối tượng phụ nữ khởi nghiệp (phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, nữ phạm nhân đang chấp hành án ..). Chương trình thu hút hơn 5000 dự án/ý tưởng dự thi cấp Trung ương, trong đó 147 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc; tổng trị giá hỗ trợ gần 35 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2023, TW Hội phối hợp với nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam tổ chức thành công khóa học “Cắt may và thiết kế Áo dài” trực tuyến miễn phí cho gần 8.500 học viên trên cả nước, tạo điều kiện cho chị em khởi nghiệp với nghề cắt may áo dài truyền thống.

Tiếp sau thành công của chương trình truyền thông về khởi nghiệp cho nữ vận động viên tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2023, năm nay Hội LHPN Việt Nam tiếp tục tổ chức truyền thông khởi nghiệp, hướng tới đối tượng là các nữ vận động viên tại Hà Nội.