Tổng giám đốc NAPTIP Julie Okah-Donli cho biết, khoảng 5.000 nạn nhân Nigeria được hồi hương với sự trợ giúp của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời nhấn mạnh, Nigeria sẽ liên tục nêu vấn đề buôn bán người trong các diễn đàn quốc tế và tăng cường các hoạt động chống di cư trái phép.
“Hồi sinh” nạn buôn người
Tuyên bố của bà Julie Okah-Donli được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Nigeria khẳng định, đã xác định gần 2.800 công dân bị giam giữ tại các trại tị nạn ở Libya trong điều kiện cực kỳ tồi tệ. Nhân Ngày Di cư Quốc tế (18-12), Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước cùng hợp tác trong việc quản lý hoạt động di cư để quyền con người của những người liên quan đều được bảo vệ. Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing đã kêu gọi về sự di cư an toàn trong một thế giới đang chuyển động.
Và động thái kể trên khiến dư luận quan ngại về sự "hồi sinh" của nạn buôn bán nô lệ tại Libya. Hơn 10 ngày trước (13-12), Quốc hội Libya ngoài việc khẳng định không có hiện tượng người di cư bị buôn bán như nô lệ, còn nhấn mạnh, những thông tin của hãng CNN là hoàn toàn bịa đặt, không có căn cứ, đưa tin với ý đồ chính trị và gây mâu thuẫn giữa các quốc gia. Giới chức Libya cũng tuyên bố, đang mở những cuộc điều tra chính thức trên diện rộng để làm rõ thông tin “đang tồn tại những chợ nô lệ". Đồng thời cam kết, sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để đưa những người di cư châu Phi mắc kẹt tại nước này về nước trong thời gian sớm nhất. Đó được coi là phản ứng của Chính phủ Libya sau khi HĐBA LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin của hãng CNN - nhiều người di cư châu Phi bị bán với giá 400USD/người tại các trại “nô lệ ở Libya”. Hãng CNN đã phát đi những hình ảnh về một cuộc bán đấu giá nô lệ người da đen, trong đó khách mua là những người đến từ Bắc Phi.
Ủy viên EU phụ trách vấn đề di cư Dimitris Avramopoulos |
Trong tuyên bố hôm 7-12, Đại sứ Koro Bessho của Nhật Bản cho biết, 15 nước thành viên của HĐBA LHQ đều lên án việc mua bán người di cư và coi đó là hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ngang với tội ác chống lại loài người. Trước đó, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề người dư cư Dimitris Avramopoulos cho biết, EU đang nỗ lực để tìm giải pháp bền vững giải quyết vấn nạn người di cư và buôn bán nô lệ đang diễn ra tại Libya. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian cũng nhấn mạnh, Paris đã đề nghị IOM và Cao ủy LHQốc về người tị nạn công bố báo cáo chi tiết về nạn buôn người tại Libya. Liên minh châu Phi (AU) cũng lên án nạn buôn người di cư châu Phi ở Libya và kêu gọi các nước thành viên hỗ trợ những người tị nạn này.
Hơn 10 ngày trước (9-12), IOM và Chính phủ Niger cho biết, họ bắt đầu hồi hương gần 4.000 người di cư Niger ở Libya. Trước đó (8-12), IOM cho biết, 376 người di cư bất hợp pháp đã tình nguyện hồi hương từ Libya về Gambia và Nigeria. IOM cũng vừa công bố báo cáo cho thấy, hơn 33.000 người di cư đã chết trên biển Địa Trung Hải trong lúc cố đến các bờ biển châu Âu kể từ năm 2000. Và theo số liệu của IOM, từ đầu năm 2017 đến nay, khoảng 161.000 người di cư và tị nạn đã đến châu Âu bằng đường biển, trong đó khoảng 75% người đến Italia và những người còn lại đến Hy Lạp, Cyprus, Tây Ban Nha. Bộ trưởng Nội vụ Italia Marco Minniti cho biết, Trung Âu sẽ cung cấp cho Libya 40 triệu USD để giúp quốc gia Bắc Phi này chống lại làn sóng di dân. Về phần mình, lực lượng chức năng Libya đã tiến hành tuần tra dọc biên giới phía Đông Nam nhằm kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn lậu và buôn người. Theo giới truyền thông, khu vực phía Nam Libya hiện đang là điểm đen của các hoạt động buôn lậu dầu và buôn bán người nhập cư. Bởi Libya là điểm khởi hành chính của hầu hết người di cư châu Phi tìm cách vượt biên tới châu Âu qua Địa Trung Hải./.