Dự án chống ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng được UBND TP Hồ Chí Minh và nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) cho khởi công từ tháng 6/2016. Dự án gồm 6 cống ngăn triều: Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân và Tân Thuận.
Cuối tháng 4/2018, dự án phải tạm ngưng thi công dù đã hoàn thành 72% tiến độ. Ngày 3/5, đại diện Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam cho biết có thông báo gửi Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh về việc tạm dừng thi công dự án này.
Tuy nhiên, trong một văn bản gửi cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng là Công ty Meinhardt đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi tiền đã tạm ứng cho nhà thầu Trungnam Group ở giai đoạn đầu dự án do không phù hợp quy định pháp luật.
Đáp lại, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP Hồ Chí Minh, đơn vị được UBND TP Hồ Chí Minh ủy quyền quản lý dự án lại cho rằng, đề xuất của Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng về việc thu hồi hơn 1.518 tỷ đồng tạm ứng cho siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ là không có cơ sở.
Trước đó, đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng (Công ty Meinhardt) và Trungnam Group cũng xảy ra bất đồng liên quan đến vật liệu sử dụng trong dự án này. Trong đó, Công ty Meinhardt cho rằng, Trungnam Group sử dụng thép Trung Quốc để làm cửa van tại cổng kiểm sát triều Phú Xuân và và Cây Khô là không đúng thiết kế. Quan điểm giữa đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng, nhà đầu tư Trungnam Group và UBND TP Hồ Chí Minh đang rất khác nhau. Đơn vị tư vấn thậm chí còn từ chối làm việc với Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh vì cho rằng bị đe dọa từ “các đối tượng xã hội” theo như lời của đại diện Trung tâm chống ngập trả lời một số cơ quan báo chí.
Dự án đã được thi công đến 72% nhưng đang bị dừng 5 tháng nay vì các vấn đề liên quan đến nguồn vốn |
Về vấn đề tiền tạm ứng mà đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng nêu ra, trao đổi với phóng viên, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN và MT, cho rằng: “Cần phải làm rõ nguồn vốn tạm ứng cho nhà đầu tư dự án (tức Trungnam Group) lấy ở đâu ra. Nếu nhà đầu tư được ứng tiền từ ngân sách thì đó là một việc làm rất bất thường mà theo tôi là không thể có chuyện ấy”.
“Theo quy định của pháp luật, khi triển khai hợp đồng BT thì làm gì được ứng tiền ngân sách. Nếu ứng tiền ngân sách cho nhà đầu tư, tôi nghĩ chắc họ thừa tiền ngân sách. Hiện không có bất cứ một quy định pháp luật nào cho phép nhà đầu tư theo hình thức BT được ứng tiền ngân sách”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Về bản chất dự án BT, bên lề Tọa đàm “Phát triển kinh tế tư nhân: Rào cản và giải pháp” được tổ chức hôm 5/10 vừa qua, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, loại hình đầu tư Xây dựng - Chuyển giao (BT) là một phần của PPP (đối tác công tư), cho nên muốn đi nhanh bền vững thì phải kết hợp hài hòa các nguồn vốn trong đó BT; không thể nhà nước bỏ hết vốn ra thì mới có triển khai thực hiện dự án.