Diễn biến vụ kiện DialAsie
Năm 2000, Công ty DialAsie (Pháp) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép thành lập Phòng khám thận và lọc thận quốc tế DialAsie thời hạn hoạt động là 25 năm. Ngày 10/3/2001, DialAsie ký Hợp đồng thuê nhà số 253 Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Co.op).
Trong quá trình hoạt động, DialAsie phát sinh mâu thuẫn với Saigon Co.op do DialAsie không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán tiền nhà cho Saigon Co.op. Tranh chấp đã được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) theo thỏa thuận trong Hợp đồng thuê nhà. Theo phán quyết của VIAC, DialAsie thua kiện.
Sau đó, DialAsie khởi kiện Saigon Co.op tại TAND TP.HCM và kháng cáo tại Tòa Phúc thẩm - TANDTC tại TP.HCM yêu cầu hủy phán quyết của VIAC nhưng không được chấp nhận. Ngày 15/8/2006, DialAsie bàn giao tòa nhà tại địa chỉ 253 Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM cho Saigon Co.op và chấm dứt hoạt động Dự án đầu tư.
Lấy lý do không được bảo hộ đầu tư tại Việt Nam, DialAsie khởi kiện Việt Nam ra Trọng tài Quốc tế tại LaHay – Hà Lan trên cơ sở Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam – Pháp năm 1992. Trong đơn khởi kiện, DialAsie cho rằng Việt Nam vi phạm nghĩa vụ đối xử công bằng và bình đẳng đối với Dự án đầu tư (Điều 3 Hiệp định Đầu tư Việt – Pháp); không đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ và an toàn cho Dự án đầu tư (Điều 5 Hiệp định Đầu tư Việt – Pháp). Các biện pháp của Nhà nước Việt Nam nêu trên là tước đoạt gián tiếp tài sản của nhà đầu tư.
Bộ Tư pháp là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xử lý vụ kiện và Công ty Luật Hogan Lovells làm tư vấn pháp lý cho Chính phủ Việt Nam giải quyết vụ kiện.
Kết quả và bài học kinh nghiệm
Sau 4 năm trời ròng rã theo đuổi vụ kiện, ngày 17/11/2014 Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại LaHay – Hà Lan đã ban hành phán quyết của Hội đồng Trọng tài xét xử vụ kiện nhà đầu tư DialAsie kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại TP.HCM.
Theo đó, Hội đồng Trọng tài đã bác bỏ toàn bộ các nội dung khiếu kiện của nguyên đơn và Chính phủ Việt Nam không phải bồi thường bất kỳ một khoản chi phí nào theo yêu cầu đòi bồi thường mà nguyên đơn đã nêu trong Đơn khởi kiện.
Có được thắng lợi này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự phối hợp của các Bộ, ngành, UBND TP.HCM và sự tham gia của các thành viên nhóm công tác liên ngành trong quá trình tham gia giải quyết dưới sự chủ trì của Bộ Tư pháp.
Tại cuộc họp tổng kết, đánh giá lại về vụ kiện nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam giữa các Bộ, ngành Trung ương và UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế - Bộ Tư pháp cho rằng: Tại thời điểm xảy ra vụ kiện, khái niệm về tranh chấp đầu tư giữa Chính phủ và nhà đầu tư nói chung và việc tham gia vào giải quyết từng vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế cụ thể nói riêng vẫn còn khá mới mẻ.
Các Bộ, ngành liên quan và UBND TP.HCM chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Do vậy, việc tham gia giải quyết vụ DialAsie chủ yếu tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cũng như vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.
Về thể chế, cho đến trước năm 2014, chưa có văn bản quy định cụ thể về cơ quan đầu mối chủ trì vụ việc, quy trình phối hợp giữa các cơ quan và trách nhiệm của từng cơ quan trong quá trình giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Do đó, quá trình phối hợp vẫn còn lúng túng, bị động. Việc thu thập tài liệu để xây dựng hồ sơ vụ kiện cũng gặp nhiều khó khăn do công chức tham gia hoặc trực tiếp xử lý vụ việc trước đó đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác; những người tiền nhiệm chỉ nắm được vụ việc qua hồ sơ.
Bên cạnh đó, một số hồ sơ, tài liệu do các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau nắm giữ nên việc bảo quản, lưu trữ tài liệu có nơi, có lúc chưa tốt. Về nhân chứng, cũng do đặc thù các vụ tranh chấp đã xảy ra từ rất lâu trước khi nguyên đơn khởi kiện nên việc xác minh thông tin, việc gặp gỡ với những nhân chứng trực tiếp tham gia vụ việc gặp nhiều khó khăn.
Có trường hợp, công chức tham gia hoặc trực tiếp xử lý vụ việc trước đó đã nghỉ hưu, chết hoặc chuyển công tác, có trường hợp nhân chứng là người nước ngoài… nên khó khăn trong việc gặp gỡ, trao đổi xây dựng báo cáo nhân chứng và thu thập thông tin.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng: Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang đối mặt với một số vụ kiện đầu tư quốc tế và một số nhà đầu tư đang đe dọa kiện Chính phủ Việt Nam thì thắng lợi trong vụ kiện này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng.
Thắng lợi này đã góp phần gìn giữ và nâng cao hình ảnh về môi trường đầu tư của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời có tác dụng răn đe các nhà đầu tư đang có ý định khởi kiện Chính phủ Việt Nam cũng như phòng ngừa các nhà đầu tư sẽ có ý định khởi kiện Chính phủ Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, thắng lợi này cũng phản ánh sự trưởng thành của các chuyên gia làm công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của Chính phủ Việt Nam.