Tranh chấp khi đá bóng, người đàn ông 35 tuổi vỡ tinh hoàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nam bệnh nhân N.V.T (35 tuổi, Bắc Ninh), bị sưng đau bìu phải sau va chạm khi chơi thể thao.  
Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân cho biết, lúc chơi bóng đá, bất ngờ bị đối thủ đá vào vùng kín gây đau nhói, về nhà bệnh nhân tự chườm lạnh nhưng không đỡ. Sau 1 ngày gặp tai nạn, bệnh nhân đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thông tin, anh T. vào viện trong tình trạng tinh hoàn phải sưng nề, bầm tím, tụ máu lớn vùng bìu phải. Khi phẫu thuật có khoảng 300g máu cục, tinh hoàn phải vỡ hai vị trí kích thước 2x3cm và 1x2cm, mất 50% nhu mô. Các bác sĩ đã tiến hành lấy máu tụ, khâu cầm máu, bảo tồn tinh hoàn phải.

Hiện, sau 3 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định và đã được ra viện. Ngày ra viện, anh T cho biết, anh tiếp tục chơi bóng đá nhưng sẽ sử dụng các đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn cho “cậu nhỏ”.

PGS.TS Nguyễn Quang – Chủ tịch Hội y học giới tính Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết, chấn thương bìu, vỡ tinh hoàn là tai nạn thường gặp khi chơi thể thao, đặc biệt là các môn thể thao đối kháng như đấu võ, bóng đá… Nhiều trường hợp trì hoãn điều trị khi gặp chấn thương tinh hoàn dẫn đến vùng bìu bị nhiễm trùng, xơ dính, tạo khối áp xe bên trong vùng chấn thương, nặng nề hơn bệnh nhân có nguy cơ phải cắt bỏ tinh hoàn, nỗi đau dai dẳng đi theo suốt cuộc đời.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, ngoài những môn võ thuật đối kháng trực tiếp, với những môn thể thao thông thường như bóng đá, bóng chuyền, bóng bầu dục, cầu lông… nam giới cũng cần trang bị đồ bảo hộ để bảo vệ “cậu nhỏ” của mình, tránh những chấn thương không đáng có. Khi bị chấn thương hoặc có các dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến ngay cơ sở chuyên khoa uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.

Đọc thêm