Lực lượng nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở
Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 6/6, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).
Thực tiễn trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây và dự báo chiến tranh nếu xảy ra trong tương lai, ở bất kỳ quy mô, hình thái, phương thức chiến tranh nào thì DQTV luôn là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở; thực hiện phương châm toàn dân, toàn diện, tự lực, tự cường, làng giữ làng, xã giữ xã; tạo thời cơ cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng của cấp trên tác chiến trên địa bàn.
Vì vậy, trình bày Tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, mục đích xây dựng luật nhằm xây dựng DQTV vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại tờ trình, Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội đối với một vấn đề có ý kiến khác nhau là: Phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng.
Theo đó, loại ý kiến thứ nhất là: Quy định phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng trong dự thảo Luật nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp của DQTV trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới quốc gia; bảo đảm công bằng với các lực lượng khác.
Loại ý kiến thứ hai: Không nên quy định phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng trong dự thảo Luật, vì làm phát sinh chính sách mới.
Chính phủ đề nghị lựa chọn loại ý kiến thứ nhất.
Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực là tương thích với chế độ, chính sách của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam quy định tại Điều 50 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015. Bởi vì, dân quân thường trực làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phòng thủ dân sự... Mặt khác, trên thực tế, nhiều địa phương đã thực hiện và đề nghị dự thảo Luật cần quy định chính sách này để nâng cao hiệu quả hoạt động của dân quân thường trực.
Vì vậy, việc quy định phụ cấp đặc thù đi biển đối với DQTV khi làm nhiệm vụ trên biển; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực trên địa bàn biên giới, ven biển, đảo, trọng điểm quốc phòng trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm công bằng giữa các lực lượng và đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng năm 2018 và pháp luật có liên quan về chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân.
Tránh “chính quy hóa” lực lượng DQTV
Thảo luận tại tổ, các đại biểu tập trung vào 8 điểm chính, bao gồm: Vị trí, chức năng của dân quân tự vệ; giải thích từ ngữ; nguyên tắc tổ chức, hoạt động của dân quân tự vệ; nhiệm vụ của DQTV; tổ chức, mở rộng lực lượng DQTV; tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; hệ thống chỉ huy DQTV; Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, thôn, đội trưởng... cùng một số nội dung khác liên quan.
Cụ thể trong việc giải thích từ ngữ, có ý kiến đề nghị cần làm rõ các cụm từ “dân quân” và “tự vệ” vì dự thảo Luật có một số quy định về dân quân và tự vệ không giống nhau, như: về tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ, chế độ, chính sách... Hiện nay, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã chỉ là công chức trong khi công an là chính quy, sỹ quan CAND và Trưởng công an xã có bậc hàm cao nhất là trung tá.
Tuy nhiên, đối với tổ chức, mở rộng lực lượng DQTV, có ý kiến đề nghị, nghiên cứu về tổ chức của DQTV để tránh “chính quy hóa” lực lượng này, không phù hợp với đường lối chiến tranh nhân dân hoặc quy định cụ thể về điều kiện thành lập, quy mô tổ chức của đơn vị DQTV ngay trong luật để thực hiện thống nhất.
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về thành phần DQTV, cụ thể là DQTV cơ động. Đối với thời gian, nghĩa vụ thực hiện Luật Dân quân tự vệ, dự thảo Luật nêu tối thiểu 24 tháng hoàn thành nghĩa vụ DQTV. Độ tuổi tham gia DQTV biên độ lớn, từ 18 - 45 tuổi và kéo dài đến 50 tuổi, huấn luyện ít, dẫn tới có tình huống chủ yếu đi dân quân, không đi nghĩa vụ quân sự, tạo hệ lụy xã hội, gây ra sự bất bình đẳng.
Những góp ý nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Dân quân tự vệ hiện hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về DQTV, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.