Tránh hình thức trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

(PLVN) - Theo Chủ tịch Quốc hội, phải có văn bản luật để thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, đi vào cuộc sống, tránh hình thức, phô trương.
Phát huy quyền làm chủ của người dân ở cơ sở. (Ảnh minh họa)
Phát huy quyền làm chủ của người dân ở cơ sở. (Ảnh minh họa)

Ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật này quy định chung về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong nội bộ cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ một số cơ quan, tổ chức đặc thù); trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân

Góp ý vào dự thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là dự án Luật quan trọng và khó vì phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều loại hình, nhiều chủ thể. Do đó cần được nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng, kể cả ở cơ quan trình và cơ quan thẩm tra để đảm bảo chất lượng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là dịp thể chế hóa chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Phương châm là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ. Bởi suy cho cùng, thành quả của sự nghiệp đổi mới mà dân không tham gia thì không thành công, dân không được thụ hưởng thì không có ý nghĩa.

Bên cạnh đó, nội dung dự thảo cần xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ ở cơ sở với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Qua Luật này thể chế hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ. “Yêu cầu phải có văn bản luật để thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, đi vào cuộc sống, tránh hình thức, phô trương”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thực hành dân chủ ở cơ sở là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa chính trị - xã hội rất nhân văn và sâu sắc. Tuy nhiên, qua đánh giá thì công tác thể chế hóa các chủ trương của Đảng cũng có phần chưa được đầy đủ và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở còn nhiều hạn chế, khiếm khuyết cần khắc phục.

Vì vậy, qua thảo luận các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm cụ thể hóa các văn kiện của Đảng, những chủ trương mới, đặc biệt là những chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, việc xây dựng luật này cũng phù hợp với Kết luận 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, việc ban hành Luật này là nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Do đó, nhiệm vụ của Luật là phải thiết kế cho được quyền của người dân là chính và trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện dân chủ cơ sở. Đồng thời, quyền đi liền với nghĩa vụ, trách nhiệm, do đó, các điều luật phải cụ thể, chi tiết, rõ ràng hơn về cơ chế, phương thức công khai thông tin, bàn và quyết định tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra và thụ hưởng.

Về bố cục và kết cấu dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, thiết kế rõ 3 loại hình thực hiện dân chủ cơ sở là xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị; doanh nghiệp. Về xác định rõ phạm vi cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí xác định cơ sở bao gồm cả thôn, tổ dân phố - là nơi mà người dân trực tiếp thực hiện quyền dân chủ…

Đối với việc thực hiện dân chủ trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của việc có hay không loại trừ và mức độ loại trừ đến đâu, nếu có. Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm về vấn đề thực hiện dân chủ với nhân dân trong mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị.

Điểm mới của Luật lần này là Chính phủ đề nghị bổ sung chế định thanh tra nhân dân (hiện đang điều chỉnh tại Luật Thanh tra sửa đổi) sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định kỹ hơn chế định thanh tra nhân dân sang Luật này vì đây là hình thức cụ thể, thiết chế cụ thể để thực hành dân chủ ở cơ sở.

Đọc thêm