Tranh khắc gỗ đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh triều Nguyễn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 19/3, tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng (Bảo tàng Mỹ thuật Huế, 15 Lê Lợi, TP Huế) đã diễn ra khai mạc triển lãm “Tranh khắc gỗ đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh triều Nguyễn”, đem đến cách tiếp cận và những giá trị mới cho di sản đặc biệt này.
Một góc triển lãm tranh thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài.
Một góc triển lãm tranh thu hút sự quan tâm của du khách nước ngoài.

Cửu đỉnh được xem là biểu tượng cho sức mạnh của triều đình nhà Nguyễn và là đỉnh cao của văn vật Đại Nam. Sau khi đúc xong vào tháng Giêng năm Đinh Dậu (1837), 9 đỉnh được sắp thành một hàng ngang dưới thềm Hiển Lâm Các, nằm theo thứ tự đối diện với các án thờ trong Thế Miếu. Năm 2012, Cửu đỉnh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Sen, tranh khắc gỗ, ứng tác từ Cửu đỉnh.

Sen, tranh khắc gỗ, ứng tác từ Cửu đỉnh.

Từ năm 2022, với mong muốn tôn vinh và phát huy giá trị di sản nghệ thuật của tiền nhân, nhóm giảng viên, họa sĩ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã nghiên cứu, lập dự án thực hiện bộ tranh khắc gỗ về đất nước Việt Nam trên Cửu đỉnh.

Tranh khắc gỗ Cửu đỉnh trên Ngũ hành tương sinh.

Tranh khắc gỗ Cửu đỉnh trên Ngũ hành tương sinh.

Các bức tranh khắc gỗ này không chỉ là sự chuyển thể cơ học từ các tác phẩm đúc đồng trên Cửu đỉnh, mà còn hướng tới sự tìm tòi về hình thức biểu đạt mới trong cái nhìn “đối thoại thẩm mỹ” giữa cái cũ ổn định và cái mới tiếp biến, giữa quá khứ và hiện tại. Hình thức này vừa dựa trên ngôn ngữ nghệ thuật khắc gỗ dân gian (như lối cắt mảng, tạo nét), kết hợp với ngôn ngữ của nghệ thuật khắc gỗ hiện đại (như cách tạo không gian bằng chính những nét khắc, tạo mache) để tạo nên sự rung cảm khác biệt ở mỗi bức tranh khắc gỗ.

Mã (con ngựa), tranh khắc gỗ. Hình tượng con ngựa được khắc lên Anh đỉnh thuộc Cửu đỉnh.

Mã (con ngựa), tranh khắc gỗ. Hình tượng con ngựa được khắc lên Anh đỉnh thuộc Cửu đỉnh.

Tại triển lãm, gần 60 tác phẩm tranh khắc gỗ được sáng tác lấy cảm hứng từ hình mẫu trên Cửu Đỉnh triều Nguyễn bên trong Hoàng cung Huế đã được nhóm các họa sĩ trưng bày, giới thiệu đến công chúng.

Một số tác phẩm tại triễn lãm.

Một số tác phẩm tại triễn lãm.

Theo PGS.TS. Trang Thanh Hiền - Trưởng nhóm dự án: Những tác phẩm tiếp nối mạch nguồn từ Cửu đỉnh cho thấy một cách nhìn khác với di sản. Thay vì xem Cửu đỉnh là di sản văn hóa gắn với một thời đại đã qua, thông qua nghệ thuật tranh khắc gỗ, những người thực hiện dự án mong muốn tiếp thị Cửu đỉnh bằng hình thức mới. Với triển lãm này cùng những định hướng phát triển của dự án thời gian tới, nhóm tác giả hy vọng sẽ góp một phần nhỏ để đồng hành với tiến trình đưa Cửu đỉnh trở thành Di sản tư liệu thế giới.

Đọc thêm