BTC cho biết, cuộc thi có 33 thí sinh đến từ 9 tỉnh, thành phố trong cả nước đăng ký tham dự ở hai nội dung chính là pha phin truyền thống (24 thí sinh), pha Pour V60 - pha bằng kỹ thuật sử dụng bộ lọc giấy của Nhật Bản trên nền nguyên liệu cà phê Việt Nam (27 thí sinh). BTC đã thành lập Ban kỹ thuật cuộc thi gồm 9 thành viên, Ban giám khảo cuộc thi gồm 9 thành viên ở mỗi nội dung thi.
Các thí sinh sẽ trải qua 2 vòng thi: Vòng loại và chung kết. Với nội dung Pha cà phê phin truyền thống, ở vòng loại, thí sinh sử dụng cà phê đã rang pha phin do Ban Tổ chức chuẩn bị thực hiện bài thi gồm có: 1 loại Arabica và 2 loại Robusta; Thí sinh được quyền phối trộn giữa 3 loại cà phê BTC cung cấp để thực hiện bài thi Pha phin truyền thống, trong đó tỷ lệ phối trộn phải có ít nhất 30% cà phê Robusta; Thí sinh báo tỷ lệ phối trộn giữa các loại cà phê với BTC để nhận cà phê đã rang pha phin từ BTC; Thí sinh thực hiện 3 ly cà phê Pha phin truyền thống cho 3 giám khảo; Thời gian chuẩn bị: 15 phút (trong thời gian chuẩn bị thí sinh có thể thi sớm nếu đã sẵn sàng); Thời gian thực hiện: 10 phút.
Với nội dung Pha Pour V60: Vòng loại - Thí sinh tự chuẩn bị cà phê đã rang Pour để thực hiện bài thi; Cà phê sử dụng tham dự thi phải là cà phê có nguồn gốc ở Việt Nam; Sử dụng ít nhất 30% cà phê Robusta để thực hiện bài thi Pour V60; Thí sinh thực hiện Pour 3 bình; mỗi bình Pour thí sinh chia đều cho 3 giám khảo; Mỗi giám khảo, thí sinh phục vụ 3 ly cà phê pha Pour V60 (1 ly/bình Pour V60); Thời gian chuẩn bị: 15 phút (trong thời gian chuẩn bị thí sinh có thể thi sớm nếu đã sẵn sàng); Thời gian thực hiện:10 phút.
- Vòng chung kết ở cả hai nội dung, các thí sinh cũng trải qua những phần thi tương tự, có khác biệt một đôi chút về thời gian thực hiện và số lượng sản phẩm gửi tới ban giám khảo.
Ban tổ chức cũng đã đưa ra những tiêu chuẩn rất khắt khe để lựa chọn thí sinh chiến thắng.
Cuộc thi dự kiến bế mạc và trao giải vào chiều 13/3.
Thông qua cuộc thi, các hoạt động phong phú cũng đã được tổ chức như tập huấn, đào tạo, quảng bá, xúc tiến thương mại. Tất cả những hoạt động này đều mang tính chuyên nghiệp theo định dạng của thế giới dành cho nông dân, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cà phê nhân chất lượng cao, nghệ nhân rang chuyên nghiệp.
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột |
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết:Từ năm 2019, dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội tiên phong khởi xướng nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo dựng và phát triển chuỗi giá trị cà phê chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh của thị trường cà phê đặc sản. Cà phê đặc sản Việt Nam được đánh giá cao tại nhiều sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại, tại một số cuộc thi danh tiếng trên thế giới.
"Cuộc thi pha chế cà phê đặc sản Việt Nam 2023 nhằm phát hiện, tôn vinh, quảng bá hình ảnh các tài năng xuất sắc trong pha chế cà phê; tạo động lực cho người pha chế cà phê không ngừng luyện tập, nâng cao kỹ năng và sự sáng tạo để tạo ra thức uống cà phê hảo hạng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người tiêu dùng. Cuộc thi còn là sân chơi, nơi hội tụ của những người yêu thích, nhiệt tình, tâm huyết với cà phê, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo ra không gian kết nối có sức thu hút đối với cộng đồng cà phê", ông Trịnh Đức Minh nhấn mạnh.
Qua 4 lần tổ chức ở quy mô nhỏ, cuộc thi Pha chế cà phê đã và có tác động tích cực, lan tỏa hình ảnh chất lượng cà phê Việt Nam trên thị trường. Cuộc thi là dịp giới thiệu, quảng bá, phát triển ngành cà phê đặc sản Việt Nam, văn hóa cà phê Việt Nam, góp phần tăng tiêu dùng nội địa và giá trị của ngành cà phê Việt Nam. Thông qua cuộc thi, ban giám khảo đánh giá được trình độ pha chế thủ công của lực lượng pha chế Việt Nam. Đây cũng là điểm nhấn của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, góp phần hiện thực mục tiêu: “Buôn Ma Thuột - điểm đến của cà phê thế giới”.