Trao giải chặng đua “Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á”

(PLO) - Tối ngày 22/2, tại TP. Đà Nẵng, Ban tổ chức Cuộc đua Thuyền buồm Vòng quanh Thế giới Clipper 2015-2016 đã tổ chức lễ trao giải chặng đua "Đà Nẵng - Khám phá mới của Châu Á".
Lễ trao giải chặng đua :Đà Nẵng- Khám phá mới của Châu Á"
Lễ trao giải chặng đua :Đà Nẵng- Khám phá mới của Châu Á"
Các quan chức và hàng trăm thuyền viên đến từ nhiều nước trên thế giới cùng tham dự

Đây là chặng đua thứ 7, khởi hành từ Airlie Beach (Úc) tới Đà Nẵng (ngày 17/2) trong vòng 27 ngày, với sự tham gia của thuyền Đà Nẵng -Việt Nam, cùng hơn 220 thủy thủ quốc tế.

Ở chặng này, đội Derry~Londonderry~Doire đến từ Bắc Ireland giành chiến thắng; đội Garmin về thứ hai; đội GREAT Britain về thứ ba.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng trao giải cho đội về nhất
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng trao giải cho đội về nhất

Tại lễ trao giải, ông Đặng Việt Dũng, phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã chúc mừng các đội đua hoàn thành xuất sắc chặng chinh phục 6.000 hải lý.

“Chúng tôi rất vinh dự là cảng đăng cai Đông Nam Á và là nhà tài trợ phiên bản thứ 10 của cuộc đua. Đặc biệt, chúng tôi tự hào là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia cuộc đua này. Đà Nẵng trẻ và năng động đã sẵn sàng cùng với các thuỷ thủ quốc tế đương đầu với đại dương để chinh phục cuộc đua trên biển dài nhất hành tinh với hơn 40.000 hải lý”, ông Dũng nói.

Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng trao giải đội về nhì
 Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng trao giải đội về nhì

Theo ông Dũng, cuộc đua với phạm vi toàn cầu đi qua 14 cảng và sáu châu lục địa khác nhau, không chỉ giúp quảng bá Đà Nẵng mà còn cả văn hoá, con người Việt Nam. Việc tham gia của đội Đà Nẵng sẽ tạo được kết nối và tương tác với thế giới, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giao thương.

Cũng tại buổi lễ trao giải, huyền thoại đua thuyền, Ngài Robin Knox-Johnston (76 tuổi), nhà sáng lập và chủ tịch của Cuộc đua Thuyền buồm Vòng quanh Thế giới cũng có mặt để chúc mừng đội đua Đà Nẵng, Việt Nam.

Ngài Robin- Johnston tại lễ trai giải
Ngài Robin- Johnston tại lễ trai giải 

Ngài Robin Knox-Johnston là người đầu tiên đi thuyền một mình không ngừng vòng quanh thế giới trong những năm 1968-1969, được cộng đồng đua thuyền và thể thao quốc tế công nhận và kính trọng. Với thành tích này, Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đã phong ông tước hiệu CBE (Commander of the Order of the British Empire – Sỹ quan Đế chế Anh). Năm 1995, Nữ hoàng nâng tước hiệu của ông thành KBE (Knight Commander of the British Empire – Hiệp sĩ Đế chế Anh), do đó được chính thức gọi Ngài Robin Knox-Johnston.

Sự nghiệp thuyền buồm nổi trội của ông đã dẫn đến nhiều danh hiệu cao quý, bao gồm danh hiệu Hall of Fame của Liên đoàn Thuyền buồm Quốc tế ISAF. Ông cũng 4 lần được Hiệp hội Du thuyền Hoàng gia (Royal Yachting Association) tặng danh hiệu Thủy thủ của Năm.

Ngài Robin đạt kỷ lục đua vòng quanh thế giới nhanh nhất cùng Ngài Peter Blake vào năm 1994 và được trao cúp Trophee Jules Verne. Năm 2007 ông hoàn thành hành trình vòng quanh thế giới một mình lần thứ 2 trong cuộc đua VELUX 5 OCEANS Race.

Ngài Robin tham gia cuộc đua Rolex Sydney Hobart Yacht Race năm 2013 và 2015. Năm 2014 ông về đích thứ 3 tại cuộc đua xuyên Thái Bình Dương Route du Rhum ở độ tuổi 75.

Ngài Robin thành lập Cuộc đua Clipper với mong muốn mọi người có cơ hội đua vòng quanh thế giới vì có ít người đạt được điều này so với số người đã leo đỉnh Everest. Cuộc đua đầu tiên tổ chức vào năm 1996.

Ngài Robin trao giải tinh thần xã hội cho đội đua
Ngài Robin trao giải tinh thần xã hội cho đội đua 

Phiên bản mới nhất của Cuộc đua Clipper là lần thứ 10 và có sự tham gia của một đội đua đại diện cho Đà Nẵng, Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm của cuộc đua. Đây cũng là lần đầu tiên TP. Đà Nẵng đăng cai làm điểm dừng chân Đông Nam Á.

Lần đầu tiên đến Việt Nam, Ngài Robin cho biết ông rất ấn tượng với Thuyền trưởng Wendy Tuck của đội Đà Nẵng- Việt Nam cũng như cả đội, trong đó có thuyền viên địa phương Minh An.

Ông nói thêm: “Đua thuyền xóa đi giới hạn về ngôn ngữ, lãnh thổ và văn hóa. Nó chính là câu chuyện về ý chí của con người đối chọi với thiên nhiên. Nó giống như vở nhạc kịch lấy biển khơi làm sân khấu, nơi  thủy thủ đoàn phải vận dụng kỹ năng, chiến thuật và bí quyết quý giá để khéo léo hơn và vượt các đối thủ của mình”.