Trào lưu 'phượt'... xe đạp

(PLVN) - Không sử dụng những phương tiện đi lại thuận tiện như xe máy, ô tô, nhiều người hiện nay đã chọn xe đạp để có những trải nghiệm du lịch độc đáo. Đối với những du khách “đặc biệt” này, các chuyến đi sẽ gắn với việc bảo vệ sức khỏe, môi trường và thỏa mãn niềm đam mê xê dịch.
Đạp xe đạp xuyên tỉnh đã cho người tham gia có được bài học quý giá. (Nguồn: Gia Bách)
Đạp xe đạp xuyên tỉnh đã cho người tham gia có được bài học quý giá. (Nguồn: Gia Bách)

Từ rèn luyện sức khỏe đến đam mê khám phá

Khởi hành từ Hà Nội, chỉ bằng một chiếc xe đạp thể thao đơn giản, nhiều người đã sử dụng để “thông hành” đi đến các tỉnh, thành trên đất nước Việt Nam. Cách đi “phượt” mới lạ này đang dần trở thành một xu hướng sống lành mạnh, năng động và được lan tỏa rộng rãi.

Bùi Nhật Minh (25 tuổi) hiện đang làm nhân viên IT (công nghệ thông tin) ở Hà Nội cho biết, tính đến năm 2023, anh đã có bốn năm “theo đuổi” bộ môn đạp xe đạp đường dài. Bắt đầu từ việc nhận thấy vấn đề về sức khỏe như tăng cân, đau lưng, thường xuyên bị chóng mặt do ngồi văn phòng suốt tám tiếng đồng hồ mỗi ngày, Nhật Minh đã quyết tâm thay đổi lối sống của mình. Anh chia sẻ: “Ban đầu, cũng như mọi người, tôi chọn đến phòng tập gym, chạy bộ, đi bộ quanh công viên gần nhà. Sau một thời gian luyện tập, tôi cảm thấy đây không phải là những bộ môn phù hợp với mình”. Theo lời “rủ rê” của một người bạn thân, Nhật Minh bắt đầu thử đạp xe quanh hồ Tây. Nửa năm đầu tiên, Minh nhận thấy sức khỏe được cải thiện nhiều hơn, cân nặng ổn định, cơ thể nhanh nhẹn, không còn bị ốm vặt nữa, cho nên anh đã duy trì đạp xe từ 15-17km vào mỗi buổi tối, nhằm mục đích giữ gìn sức khỏe.

Sau một thời gian, khi cơ thể đã thích nghi được với cường độ đạp xe liên tục, Nhật Minh bắt đầu chinh phục những quãng đường dài hơn: “Việc đạp xe quanh hồ Tây, hồ Gươm, xuyên suốt nội thành Hà Nội trở nên dễ dàng hơn với tôi sau một năm luyện tập. Chính vì vậy, tôi cùng nhóm bạn đạp xe của mình quyết định thực hiện chuyến đi ra ngoại thành Hà Nội”. Thời gian đầu, vì chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, Minh chỉ đạp khoảng 50km, đến những địa điểm gần như Ba Vì, Tam Đảo, Sóc Sơn,… Nhưng càng đi nhiều, anh đâm ra lại có niềm đam mê được đến những tỉnh, thành khác bằng chiếc xe đạp. Đến năm 2022, khi dịch bệnh COVID-19 trên cả nước đã ổn định, Minh mua lại một chiếc xe đạp thể thao cũ, kèm theo mũ, bao chân, bao tay để tiện cho việc đạp xe đường dài. Nhật Minh dành tất cả ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ để thực hiện các chuyến đi của mình: “Tôi bắt đầu đạp xe từ chiều tối ngày Thứ Sáu, cho đến trưa Chủ nhật sẽ về nhà”. Có những ngày, vì muốn đến các tỉnh, thành ở xa, mà Nhật Minh đã đạp xe thâu đêm, thậm chí đến 3 -4h sáng mới dừng lại để thuê nhà trọ nghỉ ngơi. Tính đến nay, anh đã đi đến phần lớn các tỉnh, thành ở Bắc Bộ như Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Ninh Bình,…

Khác với Nhật Minh, Tăng Ngọc Sinh (30 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) lại là một cô gái năng động, thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngay từ khi còn là học sinh, sinh viên. Sở thích của cô gắn với hoạt động gần gũi thiên nhiên, trồng cây, cắm hoa, đọc sách, đi du lịch,… Chính vì vậy, khi lựa chọn đạp xe xuyên tỉnh, Ngọc Sinh mong muốn tìm thêm một bộ môn thể thao mới, vừa bảo vệ sức khỏe, vừa khám phá, tìm tòi những điểm đến mới lạ. Cô chia sẻ: “Trong đợt dịch COVID-19, khi các phòng tập bị đóng cửa, chỉ còn những bộ môn hoạt động ngoài trời là được phép tham gia, tôi bắt đầu thử đạp xe”. Trong những ngày đầu, Ngọc Sinh mất cả tiếng để đạp hết một vòng hồ Tây, nhưng hiện tại, cô chỉ mất khoảng 30 - 40 phút cho một vòng hồ. Nhận thấy sức bền đã tốt, lại thêm các tuyến đường giao thông hiện nay rất đẹp, nên Ngọc Sinh cùng bạn bè thử đạp xe đến các tỉnh, thành khác: “Ban đầu, chúng tôi chỉ có dự định đạp xe tới những nơi gần như Cổ Loa, ai ngờ, đủ sức đi đến tận Bắc Ninh”. Đó là chuyến đi khởi đầu cho cung đường đạp xe xuyên tỉnh của Ngọc Sinh. Cô bắt đầu đạp xe đến những tỉnh, thành xa hơn như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Cô cho biết, mỗi lần đạp xe, cô cảm thấy được tự do, hạnh phúc ngắm nhìn cảnh đẹp của quê hương, đất nước Việt Nam.

Xu hướng sử dụng xe đạp để đi du lịch được nhiều người trẻ lựa chọn. (Nguồn: Nhật Minh)

Xu hướng sử dụng xe đạp để đi du lịch được nhiều người trẻ lựa chọn. (Nguồn: Nhật Minh)

Còn đối với Thu Huyền (28 tuổi, sinh sống ở Hà Nội), cô đã đến với bộ môn đạp xe đường dài rất tình cờ, vì một lần bị mất trộm các giấy tờ quan trọng và bằng lái xe máy, không đi được xe buýt do say xe, cô quyết tâm đạp xe đi làm. Đối với một người yêu hoạt động, luôn mong ước được đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, đây chính là một “lý do” giúp cô thay đổi phương tiện đi lại: “Đạp xe không chỉ là một bộ môn thể thao, mà còn giảm tải khí thải từ xe cộ ra môi trường”. Sau khoảng ba tháng đạp xe, Thu Huyền tham gia vào một nhóm đạp xe đường dài, đi đến các vùng núi như tỉnh Hà Giang, Sơn La, Yên Bái,… Cô chia sẻ, vì bản thân rất nhút nhát, nên không dám đạp xe đến những cung đường hiểm trở, mà chỉ dừng lại ở nơi có giao thông thuận lợi, đường đẹp và không quá dốc: “Tỉnh Yên Bái, Hà Giang có rất nhiều địa điểm đẹp để khám phá, việc đạp xe, giúp tôi cảm thấy an toàn hơn đi xe máy. Chỗ nào đường dốc quá, tôi có thể dừng lại để dắt xe, còn nếu đi xe máy, ô tô thì không thể làm như vậy được”.

Trưởng thành sau những chuyến đi

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là một câu nói mà Nhật Minh đã dùng để đúc kết lại những chuyến đi liên tục của bản thân anh. Từ một người rụt rè, gặp khó khăn trong vấn đề giao tiếp với mọi người. Hiện nay, Minh đã có thêm những người bạn mới sau mỗi chuyến đạp xe đến các tỉnh, thành. Anh chia sẻ về một kỷ niệm đáng nhớ, đó là một tối khi anh đang đạp xe ở Hòa Bình giữa rừng núi, hai bên đường lác đác một vài ngôi nhà, thì không may chiếc xe đạp của anh bị tuột xích và thủng lốp. Cứ nghĩ phải dừng lại cuộc hành trình, nhưng may mắn có một người dân đi làm về muộn đã chở anh và chiếc xe đến tiệm sửa xe nhỏ ở gần đó. Vì đã muộn, nên hôm sau xe mới được sửa, người dân đó đã mời anh ăn bữa tối, đồng thời cho anh ngủ nhờ tại nhà.

Và đi không chỉ là để kết nối, mà Nhật Minh cũng đã dám khám phá, thử thách bản thân, làm những điều mà anh từng nghĩ là không thể. Minh nói: “Mỗi lần đến được một tỉnh, thành mới, tôi đều vỡ òa trong vui sướng, vì không ngờ bản thân có thể vượt qua được những giới hạn”. Trong chuyến đi Hòa Bình, để tiết kiệm thời gian, anh đã đạp xe liên tục 24km từ trung tâm để đến khu mộ Đống Thếch tham quan, sau đó đi tiếp khoảng 25km nữa để tới động Đá Bạc, thác Thăng Thiên.

Không chỉ khám phá được vẻ đẹp của thiên nhiên, đạp xe đi phượt còn là hành động bảo vệ môi trường, giữ gìn sức khỏe. (Nguồn: Ngọc Sinh)

Không chỉ khám phá được vẻ đẹp của thiên nhiên, đạp xe đi phượt còn là hành động bảo vệ môi trường, giữ gìn sức khỏe. (Nguồn: Ngọc Sinh)

Đối với Ngọc Sinh, cô thích nhất là những ngày ngắm nhìn dòng sông Đuống (Bắc Ninh) hờ hững chảy về đêm. Hay những sáng tinh mơ hít thở không khí ruộng đồng ở miền quê. Mỗi lần như vậy, cô cảm thấy bản thân sống chậm hơn, không còn vội vàng như trước kia nữa: “Tôi chợt nhận ra, vẻ đẹp có thể đến từ bất kỳ nơi đâu. Đó có thể là người nông dân đang trong vụ gặt. Là người bán nước ở ngôi làng cổ, hoặc người khách du lịch nước ngoài lỡ lạc đường”. Cũng vì sử dụng xe đạp là phương tiện chính để đi lại, nên có đôi lúc, để hoàn thành cung đường, phải đến 8 - 9h tối cô mới được ăn một bữa cơm, nhưng điều đó không làm Ngọc Sinh cảm thấy phiền muộn hay bực bội, mà cô vẫn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Sinh chia sẻ, một điều cô tâm đắc nhất khi đạp xe đi du lịch, đó là có thời gian để tận hưởng không gian văn hóa, sinh hoạt của con người ở các vùng miền. Cô kể lại một lần đi đến làng cổ Đường Lâm, thay vì phải gửi xe máy, thuê xe, cô dùng chính chiếc xe đạp của mình len lỏi vào mọi ngóc ngách. Thậm chí đến tối, khi nghỉ lại một đêm tại homestay, cô đạp chiếc xe cùng lũ trẻ trong làng đi thăm thú ruộng lúa, ruộng mía ở xung quanh.

Còn Thu Huyền, mỗi chuyến đi đã dạy cho cô bài học về sự kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng đối đầu trước khó khăn, thử thách. Cô chia sẻ, có những ngày phải đạp xe liên tục trên cung đường Du Già - Mậu Duệ (Hà Giang), mệt đến mức muốn bật khóc, nhưng cô và những người trong nhóm đạp xe đều cố gắng vượt qua. Thành quả đạt được, đó là ngắm vẻ đẹp rực rỡ của những bông hoa gạo tháng ba đang nở giữa trời xuân Tây Bắc. Nhưng Thu Huyền cũng cho biết, việc đi đạp xe đường dài, ngoài việc ngắm cảnh đẹp, rèn luyện sức khỏe đặc biệt phải chú ý đến an toàn của bản thân: “Dù đi xe đạp sẽ an toàn hơn so với xe máy khi đổ đèo, nhưng vấn đề về lốp, săm xe, phanh cần phải được chú ý kỹ càng”. Huyền cũng nói thêm, người dân tộc Dao, Mông,… rất thân thiện, họ sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ hội “đi xe đạp phượt”: “Tôi và nhóm đạp xe thường được người dân cho ngủ nhờ, ăn những bữa cơm “cây nhà lá vườn” rất ngon miệng”. Chính vì vậy, mỗi chuyến đi đã trở thành kỷ niệm, đáng nhớ cho những “phượt thủ” bon bon trên chiếc xe đạp như Thu Huyền.