Trào lưu vẽ tranh tường ở Sài Gòn: Không đơn giản là cầm cọ và vẽ!

(PLVN) - Vẽ tranh trên tường là một trong những trào lưu mạnh lên trong vòng vài năm gần đây ở Sài Gòn. Những nắp cống, cột điện, tường nhà… loang lổ một khi khoác áo mới bằng những bức tranh tường bỗng trở nên sinh động, nghệ thuật hơn. Nhưng, không chỉ cần “vẽ lên tường” là đủ…
Những bức tranh tường nội dung bảo vệ môi trường ở khu vực Linh Đông, Thủ Đức lúc ban đầu đẹp nhưng nay bắt đầu xuống cấp.

Những mảng bê tông “khoác áo mới”

Cách đây vài năm, người Sài Gòn ngỡ ngàng khi các nắp cống, cột điện vốn loang lổ nay lại được khoác thêm những mảng màu tươi đẹp. Có bức tranh rừng, biển, chim muông, hoa lá hay con người… Tuy nhiên, thời điểm ấy, những bức vẽ này cũng nhận được nhiều tranh cãi trái chiều vì đây là những bức vẽ do các bạn đoàn viên thanh niên “tay ngang” thực hiện, đôi chỗ còn nguệch ngoạc. 

Phong trào tranh tường lan mạnh khi bắt đầu có những nhóm tình nguyện vẽ lên những bức tường cũ, xấu xí của nhà hoang, ngôi nhà rêu phong ít người chăm sóc, hay những bức tường công trình dang dở. Ngoài làm đẹp cho tường và cảnh quan, hầu hết các bức tranh tường công cộng này còn truyền đi những thông điệp ý nghĩa: bảo vệ môi trường, sống xanh, giúp đỡ mọi người, đừng vi phạm luật giao thông…

Năm 2017, với chủ đề “Sài Gòn năm 2030”, người dân Sài Gòn đã choáng ngợp với các bức vẽ giả tưởng về một Sài Gòn trong tương lai được thực hiện tại 10 bức tường trên địa bàn quận 1 và quận 10. Đây là 10 bức tranh xuất sắc được chọn trong cuộc thi vẽ tranh tường nghệ thuật “Thành phố 2030” về chủ đề biến đổi khí hậu và năng lượng sạch do tổ chức môi trường CHANGE phối hợp cùng tổ chức 350.org và Hội Liên hiệp Thanh niên phường Đa Kao (quận 1) .

Cạnh đó, trong những năm qua, nhiều họa sĩ là sinh viên các trường mỹ thuật, hoặc những họa sĩ già đã về hưu vẫn lặng lẽ vác cọ đi khắp nơi để vẽ những bức tranh tường, biến mảng tường xấu xí thành các góc tươi đẹp,  thơ mộng. 

Mới đây nhất, người dân ngạc nhiên thêm một lần nữa trước bức tường dài 60m tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1. 60m tường là hơn chục bức họa với phong cách graffiti vẽ các thắng cảnh đẹp của đất nước: Tháp rùa hồ Gươm, chùa Cầu Hội An, ruộng bậc thang, con sông quê, bãi cát Phan Thiết...

Dự án này do hai bạn trẻ Nguyễn Tấn Lực (20 tuổi), sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM và Trang Khoa (22 tuổi), được một hãng sơn hỗ trợ, với sự cho phép của Trường mầm non Sapa, đơn vị sở hữu những bức tường nói trên.

Để tranh tường có thể thu hút du lịch

Những bức tranh tường làm đẹp hơn cho đường phố, đó là điều không cần bàn cãi. Nhưng cũng có trường hợp, tranh tường lại làm “mất mỹ quan” phố phường. Đó là khi tranh tường bị lạm dụng quá mức, vẽ quá nhiều ở các khu vực vốn có không gian trang trọng, cần “giữ nguyên hiện trạng”.

Cạnh đó, việc vẽ tranh tự do, tự phát cũng là một trong những nguyên nhân làm xấu đi những bức tường thành phố. Không ít trường hợp, những họa sĩ tập sự, vẽ nguệch ngoạc trên tường chỉ khiến những bức tường thêm bẩn, khiến TP phải chi tiền để bôi xóa, sơn lại tường.

Có một thời điểm, TP phải “đau đầu” bởi những họa sĩ tay ngang này, đặc biệt là những người theo trường phái graffiti, thường nhân lúc nửa đêm không ai chú ý, vẽ từ tường cho đến lô cốt, mặt đường… làm thành những sản phẩm “rác mỹ thuật” gây mất mỹ quan đường phố.

Ngoài ra, một việc quan trọng cần thực hiện đó là duy trì tình trạng đẹp của tranh tường. Khá nhiều bức tranh, ban đầu rất đẹp, nhưng sau thời gian gió mưa, phai màu, biến màu, xuống cấp đã trở nên xấu xí đi nhiều. Nhiều bức tranh lem luốc không nhận ra hình thù. Tuy nhiên, thiếu sự tu bổ, cuối cùng chính những bức tranh ấy lại kết thúc sứ mệnh làm đẹp cho tường, chuyển qua… làm xấu bức tường.

Thực tế, tận dụng tranh tường để làm đẹp phố phường, khiến thành phố đẹp hơn, văn minh hơn, thậm chí thu hút du lịch là hoàn toàn khả thi. Như những bức tranh tường nổi tiếng ở Penang (Malaysia), Melbourne (Australia), Amsterdam (Hà Lan), Brussels (Bỉ)…

Tranh tường tại các TP này vừa thể hiện được trình độ của nghệ thuật đường phố, vừa phản ánh được vẻ đẹp văn hóa địa phương, là điểm check in nổi tiếng với các du khách đến đây. 

Sài Gòn cũng có thể trở thành một điểm du lịch với những bức tranh tường đẹp, có dấu ấn. Tất nhiên, như đã nói ở trên, phải đảm bảo được 3 điều kiện: tay nghề của người vẽ, vẽ ở đâu cho hợp lý và thường xuyên bảo trì hoặc thay mới các bức vẽ xuống cấp. 

Đọc thêm