Trao quyền cho thanh niên thực hiện 'lời hứa' với khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một nội dung quan trọng được đàm phán tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) là trao quyền cho giới trẻ và cộng đồng. Thanh niên toàn cầu đang nỗ lực thực hiện “lời hứa” với khí hậu, thanh niên Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Thanh niên là lực lượng quan trọng ứng phó BĐKH
Thanh niên là lực lượng quan trọng ứng phó BĐKH

Thanh niên phải hành động ngay từ bây giờ

Thanh niên là lực lượng quan trọng giúp thúc đẩy những thay đổi tích cực trong xã hội. Tuy nhiên, khi nói về biến đổi khí hậu (BĐKH), nhận thức của không ít bạn trẻ vẫn còn rất mơ hồ.

Khi được hỏi khái niệm BĐKH là gì, hầu hết thanh niên sống trong khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) kể ra được những từ khoá như “trái đất nóng lên”, “hiệu ứng nhà kính”, “nước biển dâng lên”, … nhưng những vấn đề khác như “khoa học khí hậu”, “chuyển dịch năng lượng”, “thị trường các bon”, “giải pháp dựa trên cộng đồng”… đều còn tương đối mới lạ với họ.

Đơn cử, Nguyễn Hoài Lê (23 tuổi), đang làm việc tại một khách sạn ở Cầu Giấy cho biết: “Tôi từng nghe nói trái đất sẽ nóng lên từ 1-2 độ trong tương lai nhưng chưa bao giờ tìm hiểu những lý do vì sao”. Còn chị Hoàng Phương Thảo (27 tuổi), gia sư tiếng Hàn, cho hay: “Tôi cũng quan tâm đến môi trường và thỉnh thoảng đọc một số tin tức về lũ lụt, hạn hán miền Trung nhưng nếu được hỏi biến đổi khí hậu là gì, tôi tự nhận kiến thức của bản thân còn rất ít”.

Nhiều năm nay, Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH. Theo Tổng Cục Phòng chống Thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước đã xảy ra 17 trận động đất nhẹ, 32 trận mưa đá, dông lốc; 05 đợt không khí lạnh, gió mùa đông bắc, rét đậm, rét hại; 4 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 01 trận lũ quét tại Lào Cai và 08 vụ sạt lở bờ sông. Còn trong thời điểm hiện tại, một số tỉnh khu vực Trung Bộ như Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế đang chịu tác động mạnh mẽ của mưa lớn gây ngập lụt nặng.

Việt Nam nằm trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH

Việt Nam nằm trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH

Trong năm 2019-2020, Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung liên tục xảy ra hạn hán với quy mô lớn và mức độ khốc liệt nhất kể từ năm 2016. Bão lớn cấp 4 và 5 cũng được ghi nhận diễn ra thường xuyên hơn nhiều trong vòng 35 năm trở lại đây.

Trước sự tác động ngày càng khốc liệt hơn của BĐKH, thanh niên không chỉ chiếm phần đông lực lượng lao động trong xã hội mà còn là nguồn năng lượng cho sự tích cực, sáng tạo, nhiệt huyết hành động trong cuộc chiến chống lại BĐKH. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tính dân số thanh niên (người từ đủ 16 đến 30 tuổi) năm 2019 là 22.898.886 người, chiếm 23,8% dân số cả nước.

Tuy nhiên, nếu không có hành động ngay từ bây giờ, thanh niên sẽ phải đối mặt với một tương lai bị giảm sút chất lượng sống và kìm hãm sự phát triển kinh tế bởi hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng khí hậu. Đơn cử, nếu hoạt động của con người và lượng khí thải tiếp tục với tốc độ hiện tại, ở Việt Nam dự kiến đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng từ 0,6 độ C tới 4 độ C.

Đây là một tương lai không sáng sủa cho những người trẻ tuổi – thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Những hệ quả trực tiếp đã được các chuyên gia dự báo, bao gồm tỉ lệ tử vong nhiều hơn và thương tật nghiêm trọng do thời tiết khắc nghiệt; nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng; nguồn cung cấp thực phẩm bị ảnh hưởng đáng kể, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và dinh dưỡng kém hơn; ô nhiễm không khí, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và khả năng làm việc của thanh niên…

Trao quyền cho thanh niên Việt Nam

Các chính phủ trên thế giới đều nhận thấy tương lai là của thế hệ trẻ, thanh niên sẽ làm chủ và là người ra quyết định và ngày càng coi trọng vai trò của thanh niên trong giải pháp ứng phó BĐKH.

Các quốc gia tập hợp trước thềm hội nghị COP26 - Hội nghị lớn nhất thế giới về Biến đổi khí hậu

Các quốc gia tập hợp trước thềm hội nghị COP26 - Hội nghị lớn nhất thế giới về Biến đổi khí hậu

Ông Đào Xuân Lai, đại diện Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam, nhấn mạnh: “Thanh niên không chỉ đóng góp tiếng nói bây giờ mà cả trong quá khứ và trong tương lai. Có thể không ngay lập tức hôm nay, ngày mai, tiếng nói của các bạn được thực thi ngay nhưng chính các bạn sẽ biến những suy nghĩ của mình thành hành động”.

Kể từ năm 2020, UNDP đã hợp tác với cộng đồng thanh niên Việt Nam thông qua sáng kiến Youth4Climate, thuộc chương trình toàn cầu “Lời hứa khí hậu”. Trong Báo cáo đặc biệt năm 2021 “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu”, giới trẻ Việt Nam đã nhấn mạnh một công cụ cần có để cải thiện hành động khí hậu của họ trong tương lai là một cổng thông tin học tập đáng tin cậy, cung cấp thông tin chính xác và minh bạch về khí hậu. Theo đó, UNDP đã hỗ trợ thanh niên Việt Nam phát triển triển Cổng thông tin về Biến đổi khí hậu, đã chính thức ra mắt trước thềm hội nghị COP26.

Mai Hoàng – Đại diện nhóm thanh niên xây dựng Cổng thông tin về biến đổi khí hậu, cho biết: “Đây là một trang web động chứ không phải một trang web tĩnh, nên mỗi thanh niên đều có thể đóng góp để hoàn thiện cổng thông tin này”. Cổng thông tin về biến đổi khí hậu cho thanh niên Việt Nam cung cấp các thông tin quan trọng về khoa học khí hậu, nông nghiệp và lâm nghiệp, năng lượng, chất thải, kinh tế tuần hoàn và chính sách khí hậu. Bên cạnh đó, cung cấp công cụ tìm kiếm các dự án vì khí hậu do thanh niên lãnh đạo và cập nhật liên tục các cơ sở dữ liệu về tham vọng khí hậu của thanh niên.

Cổng thông tin về Biến đổi khí hậu cho thanh niên Việt Nam

Cổng thông tin về Biến đổi khí hậu cho thanh niên Việt Nam

Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức xã hội về khí hậu, hai đại diện khác thuộc dự án, Xuân Mai và Phương Thanh cho biết: “Chúng tôi yêu cầu giáo dục toàn diện, phổ cập về biến đổi khí hậu và hiểu biết khí hậu để trao quyền cho mọi người ở mọi lứa tuổi với kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.

Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đánh giá, mạng lưới thông tin về BĐKH có rất nhiều và được viết phục vụ các mục đích rất khác nhau, nên từng đối tượng cần lựa chọn để đọc và hành động đúng. Ông cho hay: “Quả thực, góc nhìn thanh niên và góc nhìn chính phủ rất khác nhau. Tuy nhiên như câu nói của người Việt chúng ta ‘đâu cần thành niên có, việc khó có thanh niên’, tôi hy vọng rằng các bạn cùng chung tay với chính phủ để thực hiện những giải pháp mà chúng ta đã cam kết, đã và đang thực hiện đối với Việt Nam, cũng như ứng phó BĐKH trên toàn cầu”.

Thanh niên là một trong những nội dung đàm phán quan trọng trong COP26

Thanh niên là một trong những nội dung đàm phán quan trọng trong COP26

Sắp tới, các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới sẽ tập trung tại Glasgow (Scotland) cho hội nghị COP26, để đàm phán, quyết định các hành động khẩn cấp nhắm giải quyết vấn đề BĐKH. Một trong những nội dung đàm phán quan trọng là việc trao quyền cho giới trẻ và cộng đồng. Theo đó, Liên Hợp Quốc quan tâm đến việc nâng cao tiếng nói của giới trẻ và chứng minh vai trò quan trọng của việc trao quyền và giáo dục cho cộng đồng trong tiến trình hành động vì khí hậu.

Nói cách khác, một trong những yếu tố thành công để nâng cao tham vọng về khí hậu là đảm bảo có sự tham gia của thanh niên trong các cuộc đàm phán về khí hậu và hoạch định chính sách; thực hiện, giám sát và trách nhiệm giải trình về tiến trình NDC (Đóng góp quốc gia tự quyết định) theo cam kết của từng quốc gia tại thoả thuận Paris năm 2015 về BĐKH.

Đọc thêm