Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao tặng giải thưởng. Ảnh: VGP/Diệp Anh
Lễ trao tặng được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tham dự buổi lễ có còn có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Báo cáo về quá trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất sát sao.
Nhận thức sâu sắc được trách nhiệm của mình, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã luôn thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Thi đua khen thưởng, đồng thời phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan để rà soát trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thi đua khen thưởng theo đúng cải cách hành chính, bảo đảm điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tác giả trong quá trình xét thưởng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải Nhà nước về Văn học, nghệ thuật.
Theo đó, công tác xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2021 được thực hiện theo đúng các quy định, thủ tục, hồ sơ quy định tại Nghị định 90, Nghị định 133 của Chính phủ và kế hoạch xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải Nhà nước về Văn học, nghệ thuật do Bộ VHTTDL ban hành.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ trao tặng giải thưởng. Ảnh: VGP/Diệp Anh
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, các hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật được thực hiện qua 3 cấp của Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và Hội đồng cấp Nhà nước.
Ở lần xét tặng này, tác giả chỉ phải nộp một bộ hồ sơ duy nhất đến Hội đồng cấp cơ sở là điều kiện để xem xét trong suốt quá trình xét tặng tại Hội đồng 3 cấp thay vì phải nộp cả 3 cấp như trước đây. Đó là điểm mới trong xét tặng, giảm thiểu sự phiền hà, tiết kiệm cho tác giả khi phải làm hồ sơ, bảo đảm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.
Trải qua 3 cấp của Hội đồng đã có 27 tác phẩm, cụm tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 144 tác phẩm, cụm tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật.
Với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, trách nhiệm cao của các cấp Hội đồng, công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2021 đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Ngày 17/10/2022, Chủ tịch nước đã ký các quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật cho các tác giả, đồng tác giả; cụ thể có 16 tác giả, cố tác giả có các tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật; có 112 tác giả, cố tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin, Bộ VHTTDL đã khẩn trương xây dựng nghị định mới để thay thế nghị định 90 và nghị định 133 về công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời để đáp ứng các quy định của Luật Thi đua khen thưởng có hiệu lực từ năm 2023.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác giả. Ảnh: VGP/Diệp Anh
Phát biểu tại Lễ trao tặng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, trân trọng, khuyến khích, biểu dương và tạo mọi điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời với 3 nguyên tắc: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa đã trở thành ngọn cờ tập hợp các tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ theo tiếng gọi non sông, tham gia vào cuộc kháng chiến vĩ đại do Đảng lãnh đạo, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Trải qua các cuộc kháng chiến dành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, lớp lớp văn nghệ đã dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân, dành cả cuộc đời, trí tuệ và tài năng của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sáng tác những tác phẩm giá trị góp phần to lớn làm nên những kì tích, khẳng định phẩm giá con người Việt Nam trước bom đạn kẻ thù. Nhiều người đã anh dũng hi sinh trong tư thế nghệ sĩ, chiến sĩ, nhiều tác phẩm ra đời trong những năm tháng đó đã trở thành di sản quý báu của dân tộc.
Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ văn nghệ sĩ đã kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, tiếp tục có những tác phẩm đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và phương thức thể hiện, sâu sắc về tư tưởng, phản ánh được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, cùng những vấn đề mới nóng của thời cuộc, của đất nước hôm nay.
"Trong buổi lễ trang trọng này, chúng ta dành tình cảm sâu sắc để tri ân văn nghệ sĩ đã anh dũng hi sinh trong sự nghiệp cách mạng, cùng nhau vinh danh văn nghệ sĩ bằng tài năng sáng tạo và sức lao động bền bỉ đã làm ra các tác phẩm, cụm tác phẩm có giá trị đặc biệt xuất sắc về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ và nhận thức của nhân dân, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của ngành văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các tác giả, thân nhân tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Diệp Anh
Chủ tịch nước biểu dương, chúc mừng những thành tựu to lớn mà đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, chúc mừng các tác giả, thân nhân các tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022.
Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới, với tinh thần tôn vinh những văn nghệ sĩ đã dâng hiến trọn đời cho cách mạng, cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, thấu hiểu sự sáng tạo đặc biệt, sự đóng góp vô giá và ảnh hưởng rộng lớn của các văn nghệ sĩ cho cách mạng, cho dân tộc, để ứng với tấm lòng biết ơn chân thành và sâu sắc của chúng ta không được bỏ sót các tác phẩm thực sự có giá trị, không để các văn nghệ sĩ xứng đáng nhưng chưa được tôn vinh.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân tiếp tục tin tưởng, chờ đợi những tác phẩm văn học, nghệ thuật mới, ngang tầm với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Thông qua những tác phẩm văn học, nghệ thuật đa dạng và phong phú, trực tiếp bồi đắp và nâng cao phẩm chất công dân, phẩm chất con người Việt Nam trong thời đại mới; lan tỏa, nâng tầm những giá trị tốt đẹp; khơi dậy tinh thần lạc quan, niềm say mê lao động, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, tổ chức, bộ ngành, địa phương tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật và của văn nghệ sĩ trong phát triển văn học, nghệ thuật và xây dựng nền văn hóa Việt Nam.
Tiếp tục tập hợp, đoàn kết lực lượng văn nghệ sĩ người Việt Nam, kịp thời tôn vinh, biểu dương các văn nghệ sĩ có nhiều thành tựu cống hiến cho đất nước; chú trọng thiết lập môi trường dân chủ, tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, mở rộng biên độ tự do trong sáng tác hơn nữa; phát huy tài năng văn học nghệ thuật, chăm lo đời sống của văn nghệ sĩ để văn nghệ sĩ có thể sống được với nghề bằng tài năng và sự cống hiến.
Chủ tịch nước lưu ý, đặc biệt quan tâm, khuyến khích các văn nghệ sĩ trẻ dấn thân vào thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, khám phá những vẻ đẹp của con người Việt Nam; đổi mới tư duy sáng tạo, tìm kiếm những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ nhằm truyền tải một cách thuyết phục, chiều sâu tư tưởng và nhân văn, phù hợp với giới trẻ, hấp dẫn được công chúng, đưa văn hóa đi cùng với thời đại, lan tỏa tình yêu cuộc sống và những khát vọng đẹp đẽ.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn-Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho các tác giả. Ảnh: VGP/Diệp Anh
Các cơ quan cần nghiên cứu, xây dựng những cơ chế hiệu quả để quảng bá, giới thiệu những tác phẩm hay, xuất sắc đến với công chúng trong và ngoài nước thông qua văn học, nghệ thuật; nâng cao sức hấp dẫn của bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam; đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, đồng thời xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.
Tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho 8 tác giả, đồng tác giả và truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho 8 tác giả, đồng tác giả đã có cụm tác phẩm đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tặng giải thưởng Nhà nước cho 87 tác giả, đồng tác giả và truy tặng giải thưởng Nhà nước cho 25 tác giả, đồng tác giả đã có tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc về văn học, nghệ thuật góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.