Trao truyền di sản tư liệu cho giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cùng với sự đa dạng trong phương thức công bố tài liệu, di sản tư liệu bắt đầu được xã hội, trong đó có giới trẻ tiếp cận nhiều hơn, đặt ra nhiệm vụ lớn lao cho những người có trọng trách bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.
Các đại biểu trong buổi tọa đàm “Di sản với giới trẻ”. (ảnh: Thùy Dương)
Các đại biểu trong buổi tọa đàm “Di sản với giới trẻ”. (ảnh: Thùy Dương)

Đưa di sản tư liệu vào đời sống

Đó là quan điểm của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng tại Tọa đàm “Di sản với giới trẻ” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) phối hợp Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa tổ chức tại Hà Nội. Tọa đàm hướng tới kỷ niệm Ngày truyền thống ngành Lưu trữ Việt Nam (3/1) và kết nối chặt chẽ hơn nữa giới trẻ với tài liệu lưu trữ và di sản.

Tọa đàm được tổ chức nhằm giới thiệu khai lược nguồn tài liệu lưu trữ và di sản tư liệu do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I quản lý. Qua đó, trao đổi về các định hướng và mong muốn kết nối chặt chẽ hơn nữa giữa giới trẻ với di sản thông qua nhiều kênh và hoạt động hợp tác.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, Tuyên ngôn quốc tế về tài liệu lưu trữ, được thông qua tại phiên họp thứ 36, Hội nghị toàn thể của UNESCO năm 2011, đã ghi nhận vai trò của tài liệu lưu trữ trong việc cung cấp bằng chứng xác thực về mọi mặt hoạt động, bảo đảm nền hành chính minh bạch cũng như gìn giữ ký ức chung của xã hội loài người. Đảng và Nhà nước ta cũng khẳng định, "Tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Chúng ta đang ở thời khắc của sự thay đổi về tiềm thức, tư duy, cách tiếp cận với di sản nói chung và di sản tư liệu nói riêng. Vì thế, việc giới thiệu rộng rãi những giá trị của tài liệu lưu trữ và di sản tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ông Đặng Thanh Tùng chia sẻ thêm, chúng ta đang xây dựng Luật Lưu trữ sửa đổi. Việc thay đổi cách tiếp cận, thay đổi nhận thức về di sản nói chung, tài liệu lưu trữ nói riêng, sửa đổi Luật Lưu trữ sẽ góp phần gợi mở thêm nhiều giải pháp, định hướng hợp tác để nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo tồn, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, di sản tư liệu. Đó là nguồn cổ vũ lớn lao cho những người làm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản. Những người làm công tác lưu trữ phải tự hào và vinh hạnh được giao sứ mệnh gìn giữ, phát huy đưa các tài liệu đó đến với công chúng.

Theo bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, tài liệu lưu trữ chỉ có thể phát huy giá trị khi đi vào cuộc sống. Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 đang lưu trữ những khối tài liệu đặc biệt có giá trị của cha ông để lại, trong đó có tài liệu đã trở thành di sản tư liệu thế giới - “Châu bản Triều Nguyễn”. Để thu hút ngày càng nhiều công chúng và giới trẻ ghé thăm, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 sẵn sàng để trở thành điểm đến văn hóa, phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, mong muốn qua lưu trữ để đem đến những câu chuyện về văn hóa một cách chính xác, hấp dẫn nhất về di sản, tài liệu lưu trữ.

Ứng dụng công nghệ vào tiếp cận di sản

Không chỉ Trung tâm Lưu trữ quốc gia, hiện nay, nhiều điểm di tích, lịch sử ở Việt Nam lan tỏa di sản cho giới trẻ. Bà Đường Ngọc Hà - Trưởng phòng giáo dục truyền thông (Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) cho biết, để thu hút khách tham quan, hàng năm, Văn Miếu tổ chức các triển lãm, trưng bày nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. “Thay vì trưng bày những tư liệu, diễn giải bằng chữ như trước đây, chúng tôi thay đổi bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, kể những câu chuyện hấp dẫn, thú vị nhưng vẫn mang giá trị lịch sử cao, dễ thu hút du khách, giới trẻ với ứng dụng công nghệ 3D”, bà Đường Ngọc Hà nói.

Theo Tiến sĩ Vũ Đức Liêm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): “Trong cách tiếp cận mới về giáo dục lịch sử và di sản, tôi cho rằng “văn bản gốc” đóng vai trò trung tâm. Nếu trước đây, các em học sinh, sinh viên chủ yếu học tập theo các nhận định lịch sử của các nhà sử học thì bây giờ, chúng tôi đã đưa vào giáo trình các văn bản gốc, tài liệu gốc để các em học sinh tiếp cận và cảm nhận rõ nét hơn về lịch sử của dân tộc Việt Nam”.

Theo Tiến sỹ Cam Anh Tuấn, Trưởng Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa đặc biệt của dân tộc, gồm di chỉ khảo cổ, hiện vật bảo tàng, công trình khoa học… Vấn đề cốt lõi là tài liệu đó phải có giá trị thực tiễn đối với xã hội. “Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, bất kỳ điều gì chúng ta viết ra đều có thể là di sản của một thời kỳ. Nhận thức được điều đó, các bạn trẻ sẽ có trách nhiệm hơn với những gì mình phát ngôn trong cuộc sống hay trên mạng xã hội. Trong lúc tìm hiểu, thực hành di sản, người trẻ sẽ tự tìm ra cách ứng xử phù hợp với di sản, cũng như phát huy giá trị di sản cho những thế hệ sau nữa. Điều này giống như một ngọn đuốc được truyền từ tay người này sang tay người khác”.

Đọc thêm