Sau cú tông mạnh bằng xe máy vào trâu thả rông giữa đường, anh Cao Văn Tính (SN 1994, ngụ thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huê) bị văng xa chừng 20m, tử vong tại chỗ, nhưng cô gái ngồi sau xe chỉ bị trầy xước nhẹ. Sau sự việc, Công an đưa trâu về phường, không có chủ tới nhận nên đành phải thuê người đem đi tiêu hủy.
Tử vong vì tông trúng trâu thả rông
Khoảng 22h ngày 21/9/2017, khi anh Tính điều khiển xe máy hiệu Air Blade BKS 75 D1-163… chở một cô gái lưu thông trên đường Tản Đà (phường Hương Sơ, TP Huế) theo hướng TP Huế đi thị xã Hương Trà. Xe đang chạy với tốc độ khá cao thì đột ngột xuất hiện một con trâu cái đứng chặn ngang giữa đường. Tình huống quá bất ngờ khiến anh Tính không kịp xử lý rồi tông mạnh vào con trâu.
Cú va chạm khiến xe máy của anh Tính bị văng xa hơn 20m, nạn nhân tử vong tại chỗ, con trâu cũng lăn ra chết. Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng đã đến hiện trường điều tra và xác minh chủ sở hữu của con trâu. Chiếc xe máy bị văng ra xa nhưng không hề hư hỏng gì, còn cô gái ngồi sau xe cũng chị bị trầy xước nhẹ.
Cô gái may mắn “thoát hiểm” đó (17 tuổi, ngụ đường Đào Duy Anh, TP Huế) kể lại sự việc với XLPL: “Em là người yêu của anh Tính. Hôm đó chừng 21h15’, anh đến nhà em nói cả hai cùng nhau đi ăn cơm chiên. Tới nơi, vì quán đóng cửa nên Tính chở em đi lòng vòng hóng mát. Lúc đó, người yêu của em vẫn bình thường, không hề có mùi bia rượu. Đi đến đoạn cuối đường Tản Đà, xe chạy vận tốc chừng 60km/h thì bất ngờ có con trâu bụng rất to đứng giữa đường, anh Tính phóng nhanh nhằm vượt qua trước đầu con trâu thì gặp nạn”.
Cũng theo cô gái này, cô bị văng xa chừng 10m nhưng chỉ bị trầy nhẹ ở tay, không cần đến bệnh viện để điều trị. “Sau cú va chạm, em không tin mình vẫn nguyên vẹn. Lấy lại chút bình tĩnh sau phút thất thần, em liền tìm điện thoại để gọi điện báo cho gia đình anh ấy."
Nạn nhân được biết đến là người cần cù, có lối sống lành mạnh. Anh là con út trong gia đình có 7 anh chị em (5 gái, 2 trai). Tính làm nghề thợ mộc, những lúc mùa vụ, anh còn đi cày rồi đi gặt lúa bằng máy.
Gạt nước mắt, ông Cao Sang (64 tuổi) là bố của nạn nhân chia sẻ: “Chiều xảy ra chuyện, Tính có uống 3 chai bia rồi đã nằm ngủ 1 giấc, lúc dậy con tôi mới lấy xe đi chơi. Lúc đó, tôi có linh cảm không hay nên có khuyên Tính ở nhà nhưng nó không nghe”.
Người vợ tiếp lời chồng: “Tuy ai cũng hiểu vì kinh tế khó khăn người nông dân mới nuôi trâu nhưng cũng vì họ thiếu ý thức hoặc chuồng trại không kỹ càng, trâu mới xẩy ra, chạy rông giữa đường khiến con trai tôi mới bị chết oan như vậy. Đêm muộn, có con trâu chạy giữa đường ai mà chẳng tông. Đã nhiều ngày sau sự việc xảy ra nhưng cơ quan chức năng chưa hề có thông báo với gia đình ai là chủ chú trâu đó. Tôi không cần được đền bù cũng như đưa chủ trâu ra ánh sáng pháp luật nhưng muốn biết đó là ai. Qua đó, để những người nuôi trâu rút kinh nghiệm, tránh gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc như trên”.
|
Người nhà nạn nhân mong cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra chủ trâu đã gây ra vụ tai nạn thương tâm |
Để chuẩn bị cưới vợ vào cuối năm, nạn nhân đã đặt móng để xây nhà riêng. Căn nhà đang dang dở, vật liệu ngổn ngang thì chủ nhà đã qua đời 1 cách đột ngột khiến ai nấy đều đau lòng. Cách đây chừng 3 tháng, trên trang Facebook cá nhân của mình nạn nhân có đăng dòng trạng thái: “Đời là bể khổ. Hết khổ là đến cực lạc”.
Mẹ nạn nhân than thở: “Lúc con trai tôi đăng lên mạng mấy câu đó, tôi rất lo rồi có mắng nhưng nó chỉ cười. Tính vất vả học nghề thợ mộc hơn 3 năm, mới học xong rồi đi làm được 20 ngày thì xảy ra chuyện. Đúng đã hết khổ, giờ mong nó về với cực lạc”, bà òa khóc.
Không có người nhận, trâu bị đem tiêu hủy
Theo nhiều người dân nơi xảy ra vụ tai nạn, trên đường Tản Đà tuy là đường TP, phương tiện lưu thông khá cao nhưng thi thoảng vẫn có trâu chạy rông giữa đường nên đã từng xảy ra khá nhiều vụ tai nạn đáng tiếc. Gần nhất, vào sáng sớm ngày mà Tính gặp nạn có bà bán rau hành ở xã Hương Toàn (thị xã Hương Trà) đi chợ sớm không may cũng tông vào trâu khiến bà bị gãy tay.
Theo luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế), việc chăn thả trâu bò trên đường là hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Điểm C, khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm việc thả rông súc vật trên đường bộ. Với việc không quản lý trâu nhà, dẫn đến gây tai nạn cho người đi đường, chủ sở hữu trâu phải thực hiện việc bồi thường theo Khoản 1, Điều 603 Bộ luật Dân sự. Các chi phí bồi thường được quy định tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Trong trường hợp các bên (chủ sở hữu súc vật, đại diện hợp pháp của người đã chết) không thống nhất việc bồi thường thì có thể khởi kiện tại tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo vị luật sư này, với hành vi chăn thả súc vật trên đường gây nguy hiểm, chủ trâu có thể bị xử phạt tiền. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu chăn thả gia súc trên đường dẫn đến tai nạn chết người thì có thể bị khởi tố về tội “vô ý làm chết người”.
Trao đổi với XLPL, ông Nguyễn Văn Tài (Chủ tịch phường Hương Sơ, TP Huế), nói: “Sau vụ tai nạn hi hữu trên, công an phường cùng với Công an TP Huế có mặt tại hiện trường rồi đưa xác con trâu sắp sinh đó về UBND phường lúc đêm muộn. Sáng hôm sau, tôi chỉ đạo cho công an khu vực thông báo đến những hộ dân có nuôi trâu để họ tới nhận. Đến trưa cùng ngày, do không hề có ai tới nhận nên tôi có gọi chủ lò mổ đến nhưng họ không mua, thế là tôi tiếp tục xin chủ trương của cấp trên đưa con trâu này đi tiêu hủy (phường phải tốn tiền - NV)”.
Cũng theo vị Chủ tịch phường này, công an vẫn đang trong quá trình “truy tìm” chủ con trâu gây ra vụ tai nạn trên nhưng việc này gặp khó khăn, “Nếu chủ trâu thuộc người trong phường Hương Sơ thì dễ tìm được nhưng nơi khác đến thì khó, ngoài ra sợ con trâu trên của những “con buôn” hay chủ lò mổ thì việc “truy tìm” càng khó hơn. Tôi biết tình trạng trâu thả rông ở khu vực này là có nên đã nhiều lần cho ban quản lý tổ dân phố lồng ghép vào các buổi họp để tuyên truyền cho người dân biết việc để gia súc chạy rông là vi phạm pháp luật”.