Trẻ cậy cha, già cậy... ai?

(PLVN) - Người xưa thường có câu, “trẻ cậy cha, già cậy con” để nói về mối quan hệ phụ thuộc - nương tựa lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình ở mỗi giai đoạn cuộc sống. Tuy nhiên, ngày nay, câu nói ấy dường như không hoàn toàn chính xác khi mà đã có một sự thay đổi rõ rệt trong thói quen sống, tư duy và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hiện đại.
Cụ ông Mong Phước Minh và vợ trên những hành trình “phượt” khắp đất nước. (Ảnh: NVCC)

Khi người già không muốn “cậy con”

Ở tuổi ngoài 70, vợ chồng cụ ông Mong Phước Minh (ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) vẫn khiến cả cộng đồng kinh ngạc khi thực hiện những chuyến “phượt” xe máy khắp đất nước. Con cháu đã lớn, từ năm 2011, hai cụ bắt đầu thực hiện ước mơ son trẻ là đi du lịch khắp nơi trên chuyến xe máy. Hành trang gọn gàng mà đầy đủ, hai cụ đã tự rèn luyện sức khỏe và thực hiện những chuyến “phượt” từ Long Xuyên đi các tỉnh miền Tây, lên Tây Nguyên, qua cửa khẩu Bờ Y sang tận Lào. Rồi các cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), tận Hà Giang thăm cột cờ Lũng Cú... Những chuyến đi của hai cụ khiến người trẻ phải ngưỡng mộ và truyền cảm hứng cho rất nhiều người cao tuổi, rằng không bao giờ là quá trễ, quá lớn tuổi để sống cuộc sống mình mong muốn, thực hiện ước mơ của đời mình.

Không phượt đường trường như vợ chồng cụ Mong Phước Minh, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Lâm (65 tuổi), ở Tân Bình, TP Hồ Chí Minh chọn cách thức khác để hưởng thụ cuộc sống sau khi hưu trí. Các cụ không lựa chọn ở nhà, chăm cháu hay để con cái chăm sóc mà dùng một phần tiền dành dụm để thỏa ước mơ “đi khắp thế giới”. Mỗi năm vài lần, hai ông bà đăng kí các tour du lịch nhẹ nhàng, phù hợp với người cao tuổi. Cho đến nay, hai ông bà đã đến châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... Ngoài ra, ông bà còn dành thời gian để thường xuyên về quê, họp mặt lớp, thăm thú bạn bè cũ. Ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ: “Nhiều người hỏi vợ chồng tôi sao sức khỏe còn tốt mà không ở nhà phụ giúp con cái kinh doanh, rồi sau này vợ chồng bệnh tật, con cái nó còn lo lắng, quan tâm, chăm sóc. Nhưng từ trước khi sắp về hưu, vợ chồng tôi cũng đã nói với các con, ba mẹ cả đời làm lụng vất vả, dành dụm lo cho các con ăn học, có cơ ngơi như ngày hôm nay. Giờ cha mẹ về hưu, sẽ dành chút ít thời gian đầu giúp các con được điều gì thì giúp, sau đó ba mẹ sẽ sống cuộc đời của ba mẹ. Về phần chuyện đau bệnh tuổi già cha mẹ cũng đã đóng bảo hiểm và chuẩn bị số tiền hợp lý, khi ba mẹ bệnh nhẹ thì hai ông bà tự chăm nhau, bệnh nặng thì thuê người chăm, không phiền đến công việc các con. Các con cháu hiếu thảo thì thăm nom, động viên tinh thần ba mẹ là tốt rồi”.

Theo ông Lâm, chia sẻ của ông bị một số người cho là “rạch ròi”, lạnh lùng vì con cái phải có nghĩa vụ chăm sóc, lo toan cho cha mẹ lúc về già chứ đâu thể “chuyện ai nấy làm” như thế. Nhưng vợ chồng ông Lâm cho rằng, không ai lo cho bản thân tốt bằng chính mình. Một khi có kế hoạch rõ ràng, chu toàn, ông bà có thể tự sống vui, sống khỏe cuộc đời mình, không phụ thuộc vào con cháu để rồi phải buồn, vui... theo hành xử của con cháu đối với mình.

Giờ đây, có thể nhận ra nhiều sự thay đổi trong tư duy của người cao tuổi hiện đại. Một bộ phận người cao tuổi đã lên kế hoạch rõ ràng cho mình ngay từ khi chưa đến tuổi hưu, khi con cái bắt đầu trưởng thành. Họ lo đóng bảo hiểm, lo dành dụm tiền bạc, chuẩn bị tinh thần cho việc hưởng thụ tuổi già, lên kế hoạch cho trường hợp đau ốm, bệnh tật, hoặc lựa chọn các viện dưỡng lão để làm nơi gửi gắm lúc tuổi già. Không phải họ không có niềm tin vào con cái, cũng không phải do mối quan hệ giữa con cái - cha mẹ già đứt gãy, mâu thuẫn, mà đơn giản là nhiều người cao tuổi trong xã hội hiện đại đã có sự thay đổi đáng kể về mặt tư duy.

Nhận thức thay đổi, cuộc sống thay đổi

Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự tự lập của người già hiện nay là khả năng tài chính được cải thiện. Nhiều người đã làm việc chăm chỉ và tích lũy được tài sản đáng kể trước khi nghỉ hưu. Các chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu và các khoản tiết kiệm cá nhân đã giúp người cao tuổi có đủ khả năng tài chính để tự lo cho cuộc sống của mình mà không cần dựa vào con cháu. Nhiều người già hiện nay tự quản lý tài chính cá nhân của mình một cách hiệu quả. Họ biết cách đầu tư, quản lý chi tiêu và sử dụng các dịch vụ tài chính để đảm bảo cuộc sống ổn định. Sự tự tin trong việc quản lý tài chính giúp họ không phải dựa vào sự hỗ trợ của con cháu.

Người cao tuổi ngày nay có tinh thần tự lập cao, có ý thức tự chăm lo cho sức khỏe bản thân, không muốn phụ thuộc con cái... (Ảnh: LP)

Bà Hoài Như, chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh ở tuổi 66 vẫn cần mẫn bán hàng cho khách mỗi ngày. Tuổi cao nhưng bà rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh, tay chân thoăn thoắt. Bà kể là mỗi sáng, bà dậy lúc 5 giờ để đi bộ, thể dục rồi ăn sáng với các bà trong xóm, sau đó về mở cửa hàng buôn bán. Nhiều người thắc mắc các con cũng khá giả sao bà không ở nhà nghỉ ngơi hưởng phước mà lại phải làm việc vất vả hàng ngày, bà Hoài Như trả lời rằng bà không thấy vất vả, công việc là niềm vui của bà. Từ trẻ, chồng mất sớm, bà nuôi dạy hai con nên người, dựng vợ, gả chồng, nay đã có 4 đứa cháu. Tiền dành dụm bà chia làm 3 phần, 2 phần cho hai con, phần còn lại bà giữ lại để phòng khi bất trắc lúc về già. Bà không có lương hưu, không muốn phiền con cái nên túc tắc kinh doanh để lấy tiền tiêu xài cho chủ động. “Con cháu có nỗi lo của con cháu, mình cứ tự túc là hạnh phúc, không phiền đến chúng nó. Khi mẹ cần đến chúng nó có mặt là được rồi”, bà thoải mái chia sẻ.

Sự phát triển của các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự tự lập của người cao tuổi. Các trung tâm dưỡng lão, dịch vụ chăm sóc tại nhà và các cộng đồng hưu trí đã cung cấp những giải pháp thay thế cho việc sống cùng con cháu. Những dịch vụ này không chỉ đảm bảo chất lượng chăm sóc mà còn tạo ra môi trường xã hội năng động, giúp người già duy trì cuộc sống độc lập và phong phú.

Có thể thấy, người cao tuổi ngày nay có xu hướng coi trọng sự tự do và độc lập hơn. Họ không muốn trở thành gánh nặng cho con cháu và mong muốn tự quản lý cuộc sống của mình. Tư duy này phần nào phản ánh sự thay đổi trong quan điểm sống và cách tiếp cận cuộc sống của người già, hướng đến một cuộc sống tự do, an nhàn và tự chủ.

Một chuyển biến khác dễ dàng nhận thấy trong xã hội, đó là độ tuổi tham gia hoạt động thể dục, thể thao ngày càng nới rộng. Người cao tuổi ngày nay rất chú trọng đến sức khỏe và chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân. Họ thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục, kiểm tra sức khỏe định kỳ và tuân thủ các chế độ ăn uống lành mạnh. Việc chăm sóc sức khỏe chủ động giúp họ duy trì sức khỏe tốt và sống một cuộc sống năng động.

Cạnh đó, người cao tuổi không chỉ tập trung vào việc chăm sóc bản thân mà còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Họ tham gia vào các câu lạc bộ, nhóm thiện nguyện và các hoạt động cộng đồng khác. Những hoạt động này không chỉ giúp họ duy trì mối quan hệ xã hội mà còn mang lại niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống.

Ở tuổi 64, bà Nguyễn Thị Lệ, ngụ quận Bình Thạnh vẫn tích cực tham gia các hoạt động của khu phố cũng như hoạt động thiện nguyện do nhóm người cao tuổi trong phường tổ chức. Bà thường cùng các bà trong nhóm quyên góp sách vở cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi tặng quà cho người lao động nghèo ở địa phương. Bà Lệ cho biết: “Giờ về hưu rồi, mình vẫn còn khỏe mạnh, thay vì ở nhà cho con cái chăm nom thì tham gia các hoạt động xã hội, giúp đỡ người khác. Như vậy cuộc sống tuổi già cũng có ý nghĩa hơn, cạnh đó vận động, giao tiếp thường xuyên cũng làm tôi duy trì được sức khỏe và sự minh mẫn, con cái an tâm”.

Sự chuyển biến trong nhận thức của người cao tuổi hiện đại có thể coi là một xu hướng tích cực, phản ánh sự tiến bộ trong tư duy và phong cách sống của họ. Điều này không chỉ giúp người già có một cuộc sống tự do, an nhàn mà còn giảm bớt gánh nặng cho con cháu. Tất nhiên, để xu hướng này phát triển một cách tích cực nhất, còn cần có những chính sách và dịch vụ phù hợp, tạo điều kiện cho người già tự lập và sống một cuộc sống chất lượng.

Đọc thêm