Trẻ em với giấc mơ giáo dục được khai phóng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mong muốn nhìn thấy con lớn lên sẽ trưởng thành và thành đạt là điều chính đáng của bất kỳ bậc phụ huynh nào. Tuy nhiên, không ít phụ huynh đã thay con định đoạt mọi chuyện khi can thiệp trực tiếp vào cuộc sống của con, đưa ra lựa chọn về ngành nghề, quyết định tương lai của con mà không cần biết tới các tiềm năng, sở thích, ước mơ của con.
lĐược theo đuổi niềm đam mê, năng lực của mình là hạnh phúc của những học sinh.
lĐược theo đuổi niềm đam mê, năng lực của mình là hạnh phúc của những học sinh.

Đừng biến con thành những “con rối”

Nhìn thấy con ngồi thu lu cuối giường trong phòng ngủ, chị Hoàng Lâm, 45 tuổi (Mỹ Đình, Hà Nội) trào lên nỗi hối hận khôn cùng. Thanh Tùng là con trai duy nhất với người chồng quá cố của chị. Chồng chị là bác sĩ chuyên khoa tim mất đi khi mới 34 tuổi trong một lần tai nạn. Chị ở vậy nuôi con trai khôn lớn. Bao tình yêu và niềm hy vọng, chị đều dành cho Tùng. Từ nhỏ chị hướng con trai đi theo ngành Y, làm bác sĩ như bố. Nhưng Tùng lại mắc chứng bệnh sợ máu. Mỗi lần thấy máu là Tùng cảm thấy căng thẳng, người run lên, đổ mồ hôi liên tục. Đã nhiều lần, Tùng nói với mẹ điều đó nhưng chị Lâm lờ đi và động viên con trai cố học khối B và chứng sợ máu sẽ hết dần theo năm tháng. Tùng thương và nghe theo lời mẹ.

Trong một lần đi vào trường âm nhạc của một người bạn, Tùng phát hiện mình rất thích chơi piano. Ấn vào phím đàn, Tùng như thấy một thế giới tươi đẹp mở ra trước mắt. Trò chuyện với giáo viên âm nhạc với những tâm lý giáo dục khai phóng, Tùng được giáo viên đánh giá có năng khiếu, có tố chất trở thành nghệ sĩ thành danh. Phấn khởi, Tùng về kể với mẹ và mong muốn chuyển hướng sang học nhạc. Nghe vậy, chị Lâm quắc mắt: “Không đàn ca, sáo nhị gì cả, con tập trung vào học theo ngành Y của bố đi”.

Chị Lâm ngày đêm đốc thúc con học. Tùng đã đỗ trường Y như mong ước của mẹ. Ngày đi thực tập, tiếp xúc với bệnh nhân, tiếp xúc với máu, nỗi sợ hãi của Tùng ngày càng trầm trọng. Tùng bị trầm cảm lúc nào không biết. Tùng sợ tới trường, lúc nào cũng ngồi cuộn tròn trong phòng trốn tránh cuộc sống.

Thạc sĩ, bác sĩ Quách Thúy Minh, Trung tâm Tâm bệnh – Tự kỷ phân tích: “Hội chứng rối loạn tâm lý là khi chúng ta không điều chỉnh được suy nghĩ, tâm trạng, cảm xúc và hành vi của mình. Hội chứng này nếu kéo dài và lặp đi lặp lại sẽ gây nên 2 trạng thái. Rối loạn tâm lý ở mức nhẹ là những lo lắng, buồn chán, mệt mỏi, khó ngủ, chán ăn, ít giao tiếp... Ở mức nặng là những rối loạn hành vi cảm xúc không kiểm soát được như thu mình xa lánh mọi người, trầm cảm, lo âu nặng, phá phách chống đối, nghiện game, tự gây đau đớn... thậm chí còn nghĩ tới việc tự tử. Cha mẹ cũng cần phải tự điều chỉnh để giải tỏa áp lực với chính mình, không nên quá kỳ vọng, ép con học quá sức”.

Thực tế xã hội từ lâu cho thấy, chỉ có rất ít các bậc phụ huynh để quyền tự quyết định chọn nghề nghiệp cho con và chỉ tham khảo, thảo luận, góp ý để con sáng suốt chọn đúng ngành nghề mình đam mê yêu thích và có tương lai. Còn lại thì đại đa số các bậc cha mẹ đều muốn con theo học ngành nghề theo ý của mình chọn, nghĩa là con bắt buộc phải đi theo định hướng nghề từ cha mẹ, mà cha mẹ không cần biết con có thích, hoặc có đủ năng lực để xét tuyển, thi tuyển vào hay không. Nhiều cha mẹ đã ra “chỉ thị” bắt con: “phải thi vào ngành này”, hay “phải học ngành kia”... Vẫn biết rằng, suy nghĩ và định hướng của cha mẹ đối với nghề nghiệp cho con cái là không sai, khi luôn muốn con có ngành nghề tốt để mai này ra đời có công việc tốt, thu nhập cao..., nhưng làm như vậy sẽ là áp đặt một cách cứng nhắc, vô hình trung nó trở thành sự ức chế, trầm cảm đối với con. Ra trường, nếu đi làm cũng chỉ là sự gượng ép, khó phát triển năng lực bản thân. Và khi ấy, con của họ cũng chỉ là “con rối” trong chính cuộc đời mình.

Khoảng cách giáo dục giữa thế hệ cũ và mới là câu chuyện muôn thuở và ngày càng trở nên gay gắt khi xã hội phát triển. Sự bất đồng quan điểm giữa cha mẹ và con cái đã kéo dài khoảng cách thế hệ và làm tổn thương đến tình cảm của cả hai phía.

Giám đốc học thuật NIJI Group - Phan Hồ Điệp, chuyên gia giáo dục chia sẻ, cha mẹ luôn mong muốn sẽ là người bạn đồng hành với con nhưng những gì cha mẹ thể hiện đôi khi lại khiến con thấy chới với và không có mong muốn kết nối. Những cách thức giao tiếp chưa đúng, mong muốn được kiểm soát nhiều chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đứa con khi bước vào độ tuổi trưởng thành muốn rút vào thành trì cá nhân, không có nhu cầu trò chuyện với bố mẹ.

Càng mong muốn được quản lý, nắm giữ, điều hành cuộc đời con, bố mẹ càng có xu hướng bị con “đẩy” ra xa hơn. Và gặp những vấn đề như trầm cảm, cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng. Trẻ cũng có thể khó khăn trong việc ra quyết định và thiếu niềm tin, hy vọng để vượt qua thử thách.

Chuyên gia giáo dục NIJ I- Phan Hồ Điệp mong muốn mỗi trẻ đều được tỏa sáng theo cách riêng của mình.

Chuyên gia giáo dục NIJ I- Phan Hồ Điệp mong muốn mỗi trẻ đều được tỏa sáng theo cách riêng của mình.

Muốn rút ngắn khoảng cách thế hệ, không có cách gì khác đỏi hỏi các bậc cha mẹ hãy lùi lại một bước để điềm tĩnh quan sát, nhận diện con theo cách mà con muốn, học cách giao tiếp và là một tấm gương trong lối sống cho con. Đừng nuôi một đứa trẻ trong tưởng tượng rằng phải ngoan, phải biết nghe lời, phải học giỏi, phải đứng đầu lớp, phải nổi bật, phải tự tin mà hãy nuôi dạy, đồng hành đứa con của chính mình. Cần thấu hiểu những giai đoạn phát triển của con để có cách nói chuyện cho đúng.

Các bậc cha mẹ cũng cần dạy con những điều cần thiết như sự đồng cảm, lòng biết ơn, cách thức ra quyết định… Vì không chỉ có bố mẹ cần hiểu con mà con cũng cần hiểu và thông cảm với bố mẹ.

Mỗi trẻ sẽ tỏa sáng theo cách riêng của mình

Hiện không ít trẻ ước mơ về một môi trường học tập - nơi theo đuổi giáo dục khai phóng, đa dạng môn học, phong phú phương pháp, muôn màu trải nghiệm, không giới hạn độ tuổi, không có đường biên của sự sáng tạo, ý tưởng.

Một trong những quan điểm chưa chính xác về giáo dục khai phóng là khiến người học quá tự do đến mức thiếu tính kỉ luật hoặc không giúp người học định hình được chính xác điều mình muốn. Nhưng thực chất, giáo dục khai phóng giúp người học tự do trong sự kỉ luật. Giáo dục khai phóng là cơ sở để giúp người học tiếp cận với những điều mới một cách háo hức, say mê. Điều đó cũng tạo điều kiện để khích lệ việc học suốt đời.

Giáo dục khai phóng hướng đến đào tạo mẫu người tự chủ, tự trị và phát triển toàn diện, tối ưu nhất. Nó phá vỡ, cởi bỏ mọi khuôn mẫu của người học để họ đạt sự sáng tạo đỉnh cao. Có thể nói, giáo dục khai phóng là giấc mơ của bất kỳ nền giáo dục nào trên thế giới, tuy nhiên mô hình này còn khá mới ở Việt Nam.

Theo chuyên gia giáo dục NIJI và là mẹ của “thần đồng” Đỗ Nhật Nam - Phan Hồ Điệp, giáo dục khai phóng được thể hiện qua nhiều lĩnh vực, nhiều yếu tố như: không giới hạn độ tuổi, không giới hạn nội dung học, luôn có các cách để kích thích tư duy, gợi mở sự sáng tạo. Mỗi người học đều sẽ cảm nhận thấy nguồn năng lượng tích cực từ người dạy và từ chính bản thân mình để biến nó trở thành những giá trị của bản thân, góp phần trong sự phát triển của bản thân.

Có một sự so sánh khá thú vị giữa giáo dục truyền thống và giáo dục khai phóng đó là với giáo dục khai phóng, người ta tiếp nhận cái mới với sự tò mò, háo hức, mong muốn tìm hiểu, còn giáo dục truyền thống là tiếp nhận trong nỗi lo sợ. Sự khác biệt này cũng là sự khác biệt trong tư duy. Khi nào tư duy càng rộng mở, khao khát thay đổi và sáng tạo thì khi ấy, việc dạy học sẽ như một “kích thích” phù hợp để tạo nên sự bùng nổ tích cực trong mỗi người.

Thực ra giáo dục khai phóng chỉ là một trong nhiều con đường, cách thức của giáo dục. Nó đã nằm sẵn trong bản thể của mỗi người. Chúng ta chỉ cần khơi gợi, kích thích, duy trì triết lý đó trong việc giảng dạy thì giáo dục khai phóng sẽ xuất hiện.

Những người học trong hệ thống của giáo dục khai phóng đích thực sẽ được trau dồi: Tư duy phản biện, cách suy nghĩ “vượt ra ngoài chiếc hộp”, không bị đóng khung hoặc định kiến bởi những quan niệm đã có. Họ được bay bổng trong thế giới của những thử thách, của niềm vui khi chinh phục được bản thân và chinh phục được những mục tiêu. Và niềm vui ấy chính là điều tuyệt vời có được từ giáo dục khai phóng. Trẻ được trải nghiệm các lớp học về kỉ luật quân đội và kỹ năng sinh tồn; Các lớp học nghệ thuật và sáng tạo; Các lớp học phát triển tư duy; Các lớp học phát triển sức khỏe cơ thể và tinh thần; Các lớp học khoa học xã hội; Các lớp học thiên văn học; Các lớp học khoa học tự nhiên… để từ đó khám phá năng lực, sự đam mê bản thân.

Giáo dục khai phóng cũng giúp cha mẹ thay đổi tư duy trong việc giáo dục con cái, bao gồm: Cách thức giao tiếp, cách thức nhận diện khả năng của con, cách giúp con điều chỉnh hành vi mà không cần đòn roi đánh mắng, cách giúp con học và định hướng tương lai… Bố mẹ sẽ hiểu mỗi trẻ sẽ toả sáng theo cách riêng của mình.

Đọc thêm