PGS.TS. Trần Thị Định- Chủ tịch Mạng lưới Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt- Bỉ chỉ ra rằng trong số các sản phẩm nông nghiệp, rau tươi có tần suất tồn dư hóa chất cao nhất. Để kiểm soát vấn đề này, phương pháp tiếp cận chính của Chính phủ là xây dựng một chương trình tiêu chuẩn dựa trên quy phạm thực hành nông nghiệp tốt (GAP) kết hợp với chứng nhận của bên thứ ba. Tuy nhiên, chi phí để được cấp chứng nhận GAP rất cao, thủ tục hành chính phức tạp và chỉ phù hợp với sản xuất quy mô lớn, trong khi đó, 80% nông hộ ở Việt Nam có quy mô sản xuất nhỏ.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thống nhất và kết luận: Trong bối cảnh suy dinh dưỡng vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu thì ở nước ta, theo số liệu của giám sát dinh dưỡng trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi, thể nhẹ cân là 14,5%, thể thấp còi: 24,9%, thể gầy còm: 6,8% và thừa cân béo phì: 4,8%. Các nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ được cải thiện một cách chậm chạp, trong đó dinh dưỡng không hợp lý và chất lượng thực phẩm kém giữ vai trò then chốt.
Ngoài ra, GS.TS Đỗ Văn Hàm - Đại học Y dược, Đại học Thái Nguyên khuyến cáo, nhiều bé mới 4-5 tháng, mẹ đã cho con ăn dặm vì cho rằng bổ sung tinh bột sẽ mau lớn, dễ lên cân. Điều này là sai lầm. Hệ tiêu hóa của trẻ trong những tháng đầu đời còn non kém, ăn dặm quá sớm khiến bé không thể tiêu hóa được thức ăn dẫn đến những tác hại như nôn trớ, rối loạn tiêu hóa, biếng ăn, chậm tăng cân.
Giai đoạn đầu mẹ có thể thấy bé hứng khởi nhưng hệ lụy về sau là càng chán ăn. Điều kiện đủ là mẹ xem xét bé đã có thể ăn dặm là biết ngồi thẳng lưng và giữ được cổ của mình cứng cáp.
Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe của cộng đồng, các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng người dân cần quan tâm đến chất lượng bữa ăn hàng ngày. Cụ thể là thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc thực phẩm và nuôi dưỡng trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm.