Trẻ thấp còi vì đói nghèo, tảo hôn, hôn nhân cận huyết

(PLO) - Theo số liệu Viện Dinh dưỡng Quốc gia thuộc Bộ Y tế, 24,6% trẻ Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh cho trẻ em vùng cao (nguồn ảnh http://benhviennhitrunguong.org.vn).
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương khám bệnh cho trẻ em vùng cao (nguồn ảnh http://benhviennhitrunguong.org.vn).

Tỷ lệ này có sự khác biệt giữa các vùng miền, cao nhất là khu vực Tây Nguyên, tiếp đến là vùng trung du và miền núi phía Bắc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo vẫn còn cao và đây cũng là một trong những khía cạnh của Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2015 vừa được Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 9.

10 trẻ em thì có 4 trẻ mắc bệnh hoặc bị suy dinh dưỡng

Tháng 10/2014, trong chuyến công tác của Bộ Y tế tại Trung tâm huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đoàn bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương kết hợp với đoàn Thầy thuốc trẻ Hà Nội đã khám chữa bệnh cho trên 600 lượt người, trong đó có 280 em. Số liệu thống kê từ đợt khám chữa bệnh này giúp phác thảo sơ bộ mô hình bệnh tật trẻ em tại nơi đây nhằm phục vụ cho công tác xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phù hợp cho tỉnh biên giới Tây Bắc này. Thống kê cho thấy, trong số 280 trẻ được khám đợt này có 60% khỏe mạnh, 30% mắc các bệnh về đường hô hấp và 10% bị suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân. Mường Nhé là huyện xa nhất của Điện Biên, cũng là địa danh ngã ba biên giới, giáp Lào và Trung Quốc. Địa hình ở đây chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở y tế còn thiếu thốn. Như vậy, cứ 10 trẻ em thì có 4 trẻ mắc bệnh hoặc bị SDD. 

Con số này cũng phần nào nói lên tình trạng lo ngại của sức khỏe trẻ em miền núi hiện nay. Theo số liệu Viện Dinh dưỡng Quốc gia thuộc Bộ Y tế, 24,6% trẻ Việt Nam dưới 5 tuổi bị SDD thể thấp còi. Tình trạng SDD thể nhẹ cân tính theo chỉ số giữa cân nặng với tuổi giảm 0,4% vào năm 2015 so với năm 2014, SDD thể thấp còi tính theo chỉ số giữa chiều cao và tuổi giảm là 0,3%. Tỷ lệ này có sự khác biệt giữa các vùng miền, cao nhất là khu vực Tây Nguyên, tiếp đến là vùng trung du và miền núi phía Bắc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhiều gia đình cuộc sống khó khăn, bữa ăn hàng ngày rất đạm bạc nên trẻ em bị thiếu chất ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, khi trẻ sinh ra lại không được ăn uống đầy đủ chất nên hay ốm, suy nhược cơ thể dẫn tới còi cọc, chậm lớn. Thêm vào đó, những ông bố, bà mẹ trẻ ở vùng cao lại thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc con, vì vậy càng làm cho trẻ bị SDD nặng hơn. Khi trẻ SDD thì sức đề kháng sẽ kém và dễ bị bệnh tật tấn công. 

4 trường hợp thì có 1 trường hợp tảo hôn

Ngày 29/9, Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê đã công bố Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2015. Theo đó, dân số cả nước năm 2015 là 91,71 triệu người; trong đó người DTTS là 13,39 triệu người. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 của hộ DTTS là 23,1%; cao hơn 3,3 lần so với mức chung cả nước là 7,0%. So sánh với số liệu cả nước từ kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ ngày 1/4/2014 cho thấy điều kiện sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn.

Hộ DTTS ở nhà tạm chiếm đến 15,3%; cao hơn so mới mức 9,6% của cả nước. Có khoảng 28% hộ DTTS sử dụng hố xí hợp vệ sinh, thấp hơn đáng kể so với trung bình cả nước là 71,4%. Vẫn còn hơn 1/4 số hộ DTTS chưa được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh. Thu nhập bình quân tháng một nhân khẩu hộ DTTS năm 2015 khoảng 1,16 triệu đồng; chỉ bằng khoảng 41,5% so với mức 2,8 triệu đồng/người của cả nước. 

Các con số về hôn nhân gia đình của Kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2015 cho thấy  tỷ lệ tảo hôn còn khá cao, cứ 4 trường hợp thì có 1 trường hợp là tảo hôn. Tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống cũng khá cao, với mức trung bình chung là 6,5 phần nghìn trong đó nhiều nhất là dân tộc Mạ, Mảng, Mnong… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ em DTTS phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. 

Được biết, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm cải thiện sức khỏe trẻ em DTTS như Chương trình mục tiêu quốc gia về cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em ở vùng cao; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”. Tuy nhiên, những chính sách này đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Đơn cử như Chương trình mục tiêu quốc gia về cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em ở vùng cao gặp khó khăn vì thiếu cán bộ y tế chuyên khoa sản - nhi tuyến huyện; thiếu trang - thiết bị, dụng cụ cho chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh; vẫn còn những tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và vệ sinh môi trường… Hay với vấn đề hôn nhân cận huyết thì “bên cạnh đó là sự nghèo đói, hạn chế hiểu biết về pháp luật; cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội ở một số nơi thiếu kiên quyết, chưa thực sự quan tâm đến gia đình, cộng đồng, chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết sống” như nhận định của ông Hoàng Xuân Lương - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc...

Đọc thêm