Đại tá Nguyễn Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nhận xét như vậy khi đến thăm và làm việc với Ban Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam vào chiều qua (10/4).
Đồng hành cùng Quân đội trong tuyên truyền pháp luật
Năm 2009, sau khi Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 24/2009/TT-BQP quy định về tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam đã xây dựng và xuất bản chuyên trang Quốc phòng - An ninh. 8 năm qua, trang Quốc phòng - An ninh đã bám sát, đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền về quốc phòng-an ninh và đồng hành với các đơn vị quân đội tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Tiếp theo đó, thực hiện Thông tư số 104/2014/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, triển khai việc tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các vùng biên giới đất liền, biên giới biển theo Đề án của Bộ Tư pháp, năm 2016, Báo Pháp luật Việt Nam đã mở thêm chuyên trang Biên giới - Biển đảo.
Hướng tới kỷ niệm 10 năm xây dựng và xuất bản trang Quốc phòng - An ninh (2009-2019), nhằm đáp ứng nhiệm vụ tuyên truyền về quốc phòng - an ninh trong tình hình mới và phát hành Báo Pháp luật Việt Nam đến các đơn vị quân đội theo Thông tư 104/2014/TT-BQP, hiện nay, Báo Pháp luật Việt Nam đã có những đổi mới về nội dung, tăng số lượng phóng viên phủ sóng đến các vùng miền trong toàn quốc.
Tại buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Luyến - Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp luật Việt Nam cho biết: “Thời gian qua, Báo Pháp luật Việt Nam và các đơn vị quân đội đã có nhiều chương trình phối kết hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến cán bộ, chiến sĩ như chương trình phối kết hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Tới đây, Báo Pháp luật Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc ký kết các chương trình phối hợp với các quân, binh chủng, quân khu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Ngoài ra, thực hiện Đề án Chung tay xóa nghèo pháp luật biên giới, biển đảo của Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam đã xuất bản cuốn cẩm nang pháp luật, phát sách, báo đến các đồn biên phòng, cảnh sát biển và nhân dân. Trong năm 2016, Báo Pháp luật Việt Nam đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, Quảng Ninh triển khai 2 đợt phát sách, báo cho Bộ đội Biên phòng và bà con ngư dân. Sau những đánh giá và ghi nhận của các đơn vị quân đội và người dân, năm 2017, hoạt động này được tiếp tục triển khai rộng khắp trong toàn quốc”.
Đại tá Nguyễn Văn Đức (bên trái) phát biểu tại buổi làm việc |
Báo Pháp luật Việt Nam là tờ báo cần thiết cho bộ đội
Đại tá Nguyễn Văn Đức đã ghi nhận những đóng góp của Báo Pháp luật Việt Nam trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các vùng biên giới, hải đảo. Đại tá Đức cho biết: “Gần 30 năm làm nghề chính trị, tôi biết trên giá báo của các đơn vị quân đội phải có Báo Pháp luật Việt Nam.
Pháp luật phủ sóng đến từng người dân, từng cán bộ, chiến sĩ, vì vậy với việc cập nhật các thông tin về chế độ, chính sách, đi đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Báo Pháp luật Việt Nam là tờ báo cần thiết cho bộ đội. Đối với những lực lượng quân đội làm nhiệm vụ thực thi pháp luật như cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, tòa án, viện kiểm sát, thi hành án quân sự… thì Báo Pháp luật Việt Nam là tài liệu cần thiết để anh em cập nhật các thông tin pháp luật hàng ngày.
Trong hành trình 8 năm đồng hành với Quân đội, Báo Pháp luật Việt Nam đã có sự gắn kết chặt chẽ với các đơn vị trong quân đội. Báo đã có những định hướng, cung cấp thông tin, tuyên truyền đúng đắn để bộ đội có nhận thức tốt hơn về pháp luật. Thông tư số 104/2014/TT-BQP quy định rõ Báo Pháp luật Việt Nam là đầu báo các cấp đơn vị nằm trong Thông tư bắt buộc phải mua.
Nhằm đảm bảo chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội, Cục Tuyên huấn hiện đang tiến hành nhiều đợt kiểm tra việc đặt báo chí trong các đơn vị quân đội. Sau khi kiểm tra xong, Cục sẽ chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị đặt báo sai quy định tại Thông tư 104 và có những chấn chỉnh để các đơn vị thực hiện đúng các quy định của Thông tư này”.