Ngay trong ngày đầu phê chuẩn EVFTA, đã tạm giữ hàng loạt đồ giả thương hiệu châu Âu

(PLVN) - Sáng nay - 8/6, lực lượng Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã phát hiện, tạm giữ 5.182 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu hàng giả nhãn hiệu Adidas, Nike.
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh giày dép
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh giày dép

Việt Nam đang rất sẵn sàng và chủ động trong việc thực hiện hai Hiệp định quan trọng: EVFTA và EVIPA với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối trên nghị trường Quốc hội sáng nay – 8/6. Thế nhưng, thực trạng buôn bán hàng giả các thương hiệu của châu Âu đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với cơ quan thực thi pháp luật ở Việt Nam.

Hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các ứng dụng di động như Zalo và kinh doanh thương mại điện tử đa kênh đang được rất nhiều hộ kinh doanh quan tâm và sử dụng. Một số đối tượng kinh doanh đã lợi dụng những mô hình kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng online để ngang nhiên kinh doanh hàng giả các nhãn hiệu của chủ sở hữu là các doanh nghiệp lớn có uy tín của Liên minh châu Âu.

Cụ thể, sáng hôm nay- 8/6/2020, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT Thành phố Hà Nội phối hợp cùng thành viên của Tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổ công tác 368) thành lập Đoàn kiểm tra nắm bắt tình hình, thẩm tra xác minh, cùng nhiều các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện làm rõ các sai phạm trong thương mại điện tử để tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời khẩn trương và nghiêm túc.

Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh giày dép tại số 3 ngách 12, ngõ 82 Trần Cung, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội do Bà Trần Thị Thanh Duyên, làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang hoạt động kinh doanh giày dép, chủ cơ sở sử dụng tài khoản Zalo có tên GIẦY với số điện thoại và tên của bà Duyên để kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Một số mẫu giày mang thương hiệu Stan Smith, hãng Adidas bày bán ở Việt Nam không dưới 2,3 triệu đồng. Nhưng cơ sở này của bà Duyên chỉ rao bán trên Zalo có giá 150 nghìn đồng
 Một số mẫu giày mang thương hiệu Stan Smith, hãng Adidas bày bán ở Việt Nam không dưới 2,3 triệu đồng. Nhưng cơ sở này của bà Duyên chỉ rao bán trên Zalo có giá 150 nghìn đồng

Thực tế kiểm tra và theo khai nhận của bà Duyên, cơ sở kinh doanh mua trôi nổi giày dép các loại do Việt Nam và nước ngoài sản xuất trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Sau đó bán cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh, đặc biệt chỉ bán theo mô hình online (ứng dụng Zalo) và tại gian hàng của các sàn thương mại điện tử.

Các sản phẩm giày dép, tất, lót giày mà cơ sở đang kinh doanh được đóng gói trong các túi ni lông hoặc có hộp giấy chưa được gập hoàn thiện đi kèm, trên hàng hóa và hộp giấy có các nhãn hiệu Adidas, Nike.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong, tạm giữ 5.182 sản phẩm có dấu hiệu hàng giả nhãn hiệu Adidas, Nike để tiếp tục mở rộng đấu tranh, làm rõ số lượng hàng giả và hành vi kinh doanh vi phạm của cơ sở kinh doanh giày dép này để đảm bảo xử lý triệt để, đúng quy định của pháp luật.

Đọc thêm